Mấy đận bút danh lại vẫn Hương Đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cái hồi đầu những năm 80 của thế kỷ trước đúng là thời kỳ hoàng kim của văn nghệ Gia Lai. Mọi người đến với văn chương là vì văn chương, không vụ lợi, hết sức trong sáng và tôn trọng nhau. Cứ lấy từ sự xuất hiện của nhà thơ Hương Đình thì biết.
Năm 1985, Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai-Kon Tum, lúc này chỉ có 2 người làm là anh Đỗ Ngọc Thạch và tôi. Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai-Kon Tum cho phép chúng tôi làm số đặc biệt chào mừng 10 năm thống nhất đất nước. Hai anh em tất bật làm, phân công tôi phụ trách biên tập thơ và truyện, anh Thạch lý luận phê bình và văn hóa, báo chí.
Có một cái phong bì gửi thơ đến, chữ khá đẹp, ký tên Hương Đình, giáo viên Pleiku. Bài thơ “Âm thanh của mẹ” rất hay, có nghề, rất chuyên nghiệp mà lại rất hợp chủ đề của báo. Tôi rất ít thuộc thơ, kể cả thơ mình, nhưng hôm ấy, thuộc luôn bài thơ này, giờ vẫn lõm bõm: “Mẹ vỗ vào con những âm thanh cuối đời/Hời ơi, cái cò cái vạc/Trăng ngả xuống hai hàng lục bát/Những âm thanh đêm nào bay lên...”.
Tất nhiên là in ngay. Tôi và anh Thạch có nói với nhau về tác giả, đều nghĩ là một cô giáo nào đấy. Tên ấy thì cô giáo là cái chắc. Và cùng mường tượng tác giả. Thời ấy tác giả ít, có được ai viết hay là mừng lắm, nâng như nâng trứng hứng như hứng... tác giả mới. Vì vậy, cũng năm 1985 ấy, chúng tôi có lên kế hoạch và được duyệt để mở một cái trại, chả cứ tôi mà nhiều người đánh giá rằng, đấy là cái trại sáng tác văn học thành công nhất của tỉnh cho tới bây giờ.
Báo ra, cứ đợi tác giả tới mà mãi chả thấy. Địa chỉ không ghi, số điện thoại cũng không, chịu. Mà hồi ấy làm gì có điện thoại riêng, toàn điện thoại bàn cơ quan.
Một hôm, có một cậu trai gầy gầy, cao cao, non choẹt, rụt rè tới phòng làm việc xin báo và nhận nhuận bút. Bảo em là... Hương Đình. Ôi giời, ra đây là Hương Đình á? Quả là có một chút thất vọng nhưng cũng vẫn rất niềm nở đón như vốn dĩ lâu nay. Rồi, biết Hương Đình rồi, em viết tốt lắm, hay lắm (là khen thật chứ không phải cửa miệng), tiếp tục nhé, bọn anh cảm ơn em, thi thoảng rỗi tới chơi nhé, cửa tạp chí luôn mở đón em và gửi bài ngay nhé, bọn anh dùng thơ như thuồng luồng hít bã mía, làm tiếp gửi tiếp...
Tác giả (bìa phải) cùng nhà thơ Hương Đình (giữa) và nhà thơ Phạm Đức Long. Ảnh: Văn Công Hùng
Tác giả (bìa phải) cùng nhà thơ Hương Đình (giữa) và nhà thơ Phạm Đức Long. Ảnh: Hoàng Hương Giang
Khoảng một tháng sau, tôi đang ở nhà thì một cậu trai đậm người, trắng trẻo thư sinh đạp xe tới. “Cho em gửi bài thơ”. Mở ra, xem tên tác giả: Hương Đình. Ơ kìa. Dạ em mới là Hương Đình, hôm nọ là thằng em cùng quê học cao đẳng, em nuôi nó. Em xin lỗi là hôm nọ thằng cu kia nó tự ý... lừa các anh, vì chưa biết thế nào nên em chưa dám xuất hiện. Bài thơ thứ 2 mà Hương Đình gửi hôm ấy là bài “Đi bằng xe đạp” cũng rất hay, nhiều người thích thời ấy, nhạc sĩ Tố Hải đã phổ nhạc.
Tất nhiên là chúng tôi cười xòa. Tôi nhớ, ngay từ hồi ấy, Hương Đình đã làm thơ rất thi sĩ, hỏi thì biết anh làm thơ từ hồi đi học, mấy bạn thơ còn chung nhau ra tập thơ bằng cách giao cho Hương Đình... chép tay. Thế thì kinh rồi. Ngay cái bút danh cũng thấy hết sức... nông nổi và nhiệt thành của thời viết xa xưa ấy, mỗi người tự chọn cho mình một bút danh thật kêu, như các tiền bối đã từng.
Sau đấy thì chúng tôi rất thân nhau. Người viết ít, 3 thằng đồng cảnh nên chơi với nhau là tôi, Phạm Đức Long và Hương Đình. Tôi hơn chút tuổi, còn 2 vị kia bằng tuổi nhau.
Một lần, Sở Giáo dục Gia Lai có cuộc thi sáng tác văn học nhờ tôi làm giám khảo. Có tác giả Phạm Nguyễn Trần Lê được giải ba mà mãi không thấy ai đến nhận giải. Ông Nguyễn Trường Thanh chủ trì cuộc này cứ sốt ruột đi tìm mà không biết là ai, lễ trao giải qua cả tháng thì ông tác giả mới xuất hiện. Hóa ra là ông... Hương Đình. Sau Hương Đình bảo, em xuống nhà thấy anh đọc và chấm, biết có giải rồi nhưng kệ, nhận ngay có khi người ngoài lại bảo anh em chấm cho nhau. Cái bài “Cao nguyên một phần tôi” của Hương Đình được giải ấy, hồi ấy như thế là khốc liệt, khi đọc và chấm tôi cũng thuộc loại... khốc liệt nên bảo vệ. “Cao nguyên/Nơi này một phần tôi/Những đứa trẻ hở rốn thun thút bên suối chiều/Vuốt mặt nhìn chuyến xe qua lặc lè bụi đỏ.../Cao nguyên/Nơi này một phần tôi/Ngôi trường đỏ ran ký ức/Dã quỳ vàng cọ tay tôi như nhắc/Những mùa đông rông rốc/Những mùa hạ ròng ròng/Những ngày lang thang dốc/Tôi tìm/run rủi gặp mùa trăng”...
Lại một lần nữa, lần này là Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức thi, tôi vẫn tham gia tổ chức và chấm giải. Tác giả Thiên Kế có bài “Ảo ảnh ba chiều” rất hay mà lại rất thời sự, vì hồi này đang có cái món mọi người dán mắt vào cái ảnh để tìm sự chuyển động trong ấy. “Nào xoay tìm chiều nữa bạn/Trong miền ảnh vô hồn kia/Ra mà chơi trò thế kỷ/Ẩn trong chớp mắt giao mùa/Ảnh ảo hay là ảo ảnh/Đã mòn con mắt rồi chưa/Ta đi dưới trời trên đất/Mờ mờ mùa mạ non mưa”. Bài này được giải ba nhưng không có giải nhất, giải nhì, tức là giải cao nhất.
Công bố xong, cả tháng không biết ông/bà tác giả Thiên Kế là ai. Tôi cho đăng trên tạp chí số tiếp theo thông báo tìm tác giả, mời đến nhận giải. Cả tháng sau nữa thì tác giả Thiên Kế mới tới. Ôi giời ạ, lại là ông... Hương Đình. Tôi vừa tức, vừa buồn cười nhưng lại cũng tự hào, thứ nhất là ban giám khảo đọc tinh và hai là hết sức công tâm, chứ nếu biết ông Hương Đình ngay từ đầu có khi lại bị xì xào thân nhau nên bỏ phiếu cho nhau, dù tôi cũng chỉ một phiếu.
Hương Đình là người đa tài và tài hoa. Anh có thể hát, đàn, khiêu vũ. Về sáng tác văn chương thì có thể viết cả thơ, truyện đều rất hay, ghi dấu ấn trên văn đàn cả nước. Viết phê bình cũng “rất gì và này nọ”, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khá sớm. Các lĩnh vực khác thì anh còn là Tiến sĩ Toán Trịnh Đào Chiến (tên khai sinh), loại tiến sĩ thứ thiệt, giờ về hưu vẫn được mời đi dạy và ngồi ghế hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ.
Một vài tờ báo từng viết về gánh hoạn lợn Gia Lai một thời. Thực ra, gánh ấy ông Phạm Đức Long là chính, tôi phụ còn ông Hương Đình chỉ đi theo cho nó đẹp đội hình. Hồi bao cấp còn rủ nhau làm nhiều việc nữa, có cả trang trí tượng cho vài hội trường, tiền thù lao dùng để... tái tạo lao động văn chương bằng bữa nhậu lòng lợn (cho rẻ).
Bây giờ, may thay, vẫn còn viết và ngồi với nhau được. Gần nửa thế kỷ rồi...
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

“Mưa giải thưởng” văn học nghệ thuật

“Mưa giải thưởng” văn học nghệ thuật

(GLO)- Năm 2024 được xem là năm “mưa giải thưởng” của văn học nghệ thuật (VHNT) Gia Lai tại các liên hoan, cuộc thi khu vực và toàn quốc, trong đó có nhiều giải cao. Đây là ghi nhận xứng đáng cho sự đầu tư, nỗ lực trong lĩnh vực đòi hỏi sức sáng tạo không ngừng của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Họa sĩ Lê Hùng và tập sách ảnh vừa xuất bản. Ảnh: P.D

Họa sĩ Lê Hùng: Tìm chốn riêng sắc màu

(GLO)- Cây bàng cao lớn nghiêng tàng lá xuống ngôi nhà nhỏ (64A Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) được họa sĩ Lê Hùng chọn làm nơi đặt phòng tranh cá nhân. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây cọ, ông mới có một chốn riêng để trưng bày tác phẩm mà mình dày công sáng tác.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.