Mặt trái của "làn sóng" du khách Trung Quốc ồ ạt đổ về Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lượng khách du lịch Trung Quốc đổ về Campuchia tăng mạnh trong năm qua, nhưng một số người dân địa phương tại các địa điểm tham quan dường như không mấy lạc quan với tình hình này do lo ngại những mặt trái nảy sinh từ làn sóng đó.
 
Quần thể Angkor Wat của Campuchia (Ảnh: AFP)
Trong 8 tháng đầu năm 2018, lượt khách du lịch Trung Quốc tới Campuchia là 1,27 triệu, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, không phải người dân địa phương nào cũng cảm thấy vui mừng với con số này.
Siem Reap, cửa ngõ du lịch dẫn tới quần thể Angkor Wat nổi tiếng thế giới, nơi thu hút phần lớn là khách Trung Quốc, đã thay đổi chóng mặt cách làm du lịch tại đây.
Channy Murphy, chủ quán rượu Mad Murphy’s Irish, cho biết các khách hàng phương Tây của cô có xu hướng dần biến mất. Trong suốt những năm 2000, thị trường chính của du lịch Campuchia là các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh. Hiện giờ, số lượng du khách từ các nước này đã giảm và thay vào đó là du khách từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
Năm ngoái, Campuchia đón 5 triệu lượt khách, mang lại doanh thu chiếm 32,4% GDP. Phnom Penh đặt mục tiêu tăng con số này lên 12 triệu vào năm 2025. Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Campuchia hồi tháng 1 năm ngoái, ông cùng với Thủ tướng Hun Sen đã bàn bạc về cách để thu hút du khách Trung Quốc tới Campuchia.
Theo Murphy, du khách Trung Quốc thường đặt chuyến du lịch theo kiểu trọn gói. Họ sẽ hiếm khi “xé lẻ” ra ngoài sử dụng dịch vụ, vì bên công ty lữ hành đã lo toàn bộ mọi thứ.
Bill Laurance, nhà nghiên cứu từ đại học James Cook (Australia), cho biết du khách Trung Quốc thường có xu hướng không lựa chọn sử dụng dịch vụ do người địa phương làm chủ.
“Du khách Trung Quốc thường thích dịch vụ của người Trung Quốc như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm… Khi vận hành ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng có thói quen thuê người Trung Quốc làm nhân viên nhiều nhất có thể, hơn là thuê dân địa phương. Do vậy, những khoản doanh thu sẽ chảy thẳng vào túi các công ty Trung Quốc và người Trung Quốc còn người dân địa phương Campuchia sẽ không có nhiều lợi ích”, ông Laurance nói.
Ông Him Samnang, một hướng dẫn viên du lịch ở Siem Reap đồng tình với ý kiến trên. Ông Chhay Sivlin, Chủ tịch hiệp hội hãng lữ hành Campuchia cho biết người Trung Quốc có xu hướng sử dụng các dịch vụ do người Trung Quốc làm chủ một phần do rào cản về ngôn ngữ.
Chính vì vậy, người dân Campuchia hầu như không được hưởng lợi từ làn sóng khách du lịch này.
Sihanoukville, thành phố cảng du lịch nổi tiếng của Campuchia, cũng là nơi chứng kiến sự tăng trưởng đột phá của ngành công nghiệp du lịch và sòng bài nhờ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Theo SCMP, cho tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã trở thành nước có nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất đổ vào Campuchia.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng gây ra những thiệt hại cho người Campuchia. Giá khách sạn tăng nhanh chóng, vượt qua khả năng chi trả của người Campuchia, dẫn tới việc số lượng du khách nội địa sụt giảm và ngược lại số lượng khách Trung Quốc lại tăng lên.
Sự tăng trưởng nóng kéo theo các hệ lụy về mặt xã hội. Truyền thông địa phương Campuchia nhiều lần đưa tin về những hành động chưa được đẹp của du khách Trung Quốc. Số liệu thống kê hồi đầu năm ngoái cho thấy trong 378 du khách bị bắt vì vi phạm tại Campuchia thì có 257 người Trung Quốc.
Đức Hoàng (Dân trí/Theo SCMP)

Có thể bạn quan tâm

Bình yên Cù Lao Xanh

Bình yên Cù Lao Xanh

(GLO)- Xã Nhơn Châu, hay như dân gian quen gọi Cù Lao Xanh, là một trong những hòn đảo vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, nằm cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 24 km về phía Đông.

Định hình cực tăng trưởng du lịch rừng - biển

Định hình cực tăng trưởng du lịch rừng - biển

(GLO)- Việc hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai (mới) không chỉ kiến tạo một không gian phát triển mới mà còn thúc đẩy ngành du lịch đột phá, với sự kết hợp khai thác tài nguyên du lịch rừng và biển, sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm đa dạng, hấp dẫn.

Định hình cực tăng trưởng du lịch rừng - biển

Định hình cực tăng trưởng du lịch rừng - biển

Việc hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai (mới) không chỉ kiến tạo không gian phát triển mới mà còn thúc đẩy ngành du lịch đột phá. Sự kết hợp khai thác tài nguyên du lịch rừng và biển sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm đa dạng, hấp dẫn.

Biển đảo Phú Yên - vẻ đẹp nguyên sơ gọi mời

Biển đảo Phú Yên - vẻ đẹp nguyên sơ gọi mời

Với đường bờ biển dài đến 189 km, trải dọc từ vịnh Xuân Đài ở phía Bắc đến Hòn Nưa nơi cực Nam, Phú Yên sở hữu kho tàng thiên nhiên biển đảo phong phú và quyến rũ, là điểm đến hấp dẫn trong mùa hè cho những ai yêu thích vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng và chân thực.

Đa dạng tour hè

Đa dạng tour hè

Với bờ biển trải dài, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực đa dạng, phong phú, Bình Định đã trở thành điểm đến lý tưởng thu hút khách đến trong mùa hè. Để khách hàng dễ dàng tìm thấy lựa chọn phù hợp khi đến với “thiên đường biển”, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã làm mới, đa dạng sản phẩm, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Bánh hoa mai kẹp hạt

Bánh hoa mai kẹp hạt

Cơ sở sản xuất ngũ cốc, trà hoa Cô Ba Bình Định (phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn) hiện cung ứng ra thị trường dòng sản phẩm mới mang tên bánh hoa mai kẹp hạt, được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị tự nhiên, bổ dưỡng.
Cá đá sông Côn

Cá đá sông Côn

Người dân ở vùng núi huyện Vĩnh Thạnh vẫn gìn giữ một món ăn giản dị mà đậm đà bản sắc - cá đá nướng cuốn lá rừng. Cá đá là loài cá nhỏ sống trong các khe suối, ghềnh đá, nơi nước chảy xiết, trong vắt. 
null