Mạng di động 5G dùng riêng tạo nền móng phát triển hạ tầng số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc Viettel cung cấp mạng di động 5G dùng riêng (Private Mobie Network – PMN) cho một doanh nghiệp FDI không chỉ khẳng định Việt Nam đang đồng hành với thế giới trong xu hướng công nghệ mà còn tạo nền móng phát triển hạ tầng số, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong nhà máy thông minh có trang bị 5G PMN, hiệu quả sản xuất được đẩy lên một tầm cao mới.

Trong nhà máy thông minh có trang bị 5G PMN, hiệu quả sản xuất được đẩy lên một tầm cao mới.

Xu hướng đang lên với ngày càng nhiều mô hình thành công

Giống như trong các nhà máy sản xuất thép khác, những chiếc cần cẩu ở khu vực cán nguội tại khu vực sản xuất của Tập đoàn thép Liễu Châu, Trung Quốc miệt mài nâng những khối kim loại khổng lồ vào vị trí đã định. Tuy nhiên, nhờ sự giúp sức của các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và cloud (điện toán đám mây) thông qua kết nối mạng 5G dùng riêng, lượng nhân lực vận hành cần cẩu đã giảm 40%. Trong khi đó, thời gian nâng/hạ cũng giảm từ 20 phút xuống còn 5 phút.

Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, AI và cloud được coi là xương sống để thúc đẩy sản xuất thông minh. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả trong môi trường kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp với số lượng lớn thiết bị hoạt động đồng thời. Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này, mạng 5G dùng riêng được xem là “mắt xích còn thiếu” để sản xuất thông minh có sự đột phá.

Việc tập đoàn thép lớn nhất miền nam Trung Quốc có thể đưa hoạt động sản xuất thường nhật, vốn được coi là một ngành có hàm lượng công nghệ thấp, trở nên thông minh cũng là nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp quyết tâm theo đuổi phương thức sản xuất tất yếu trong thời 4.0.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hiện nay, điều đã được một lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.

Theo kết quả khảo sát gần đây do Endeavour Business Intelligence and IndustryWeek thực hiện theo yêu cầu của Ericsson, phát triển các nhà máy thông minh với kết nối thế hệ mới bằng mạng 5G dùng riêng (5G PMN) đang trở thành xu thế toàn cầu. Các doanh nghiệp ngày càng chủ động đầu tư nhằm khai thác toàn bộ tiềm năng 5G PMN, hướng tới chuyển đổi số toàn diện.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, mạng di động 5G riêng mang đến tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy chuyển đổi số của ngành sản xuất. Ngay cả khi 5G PMN vẫn là một thuật ngữ mới với công chúng, nhiều nhà sản xuất đã hiểu rõ giá trị của nó và đang ngày càng chủ động đầu tư, khai thác để tận dụng tối đa những lợi thế vượt trội cho tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp”, báo cáo cho biết.

Tạo đà cho doanh nghiệp Việt phát triển hạ tầng số

Việt Nam cũng bắt đầu những bước đi đầu tiên trên hành trình đó tháng 7 vừa qua, cơ sở sản xuất của Pegatron – một trong các nhà cung ứng hàng đầu thế giới cho Apple – tại Hải Phòng đã trở thành nhà máy thông minh đầu tiên ở Việt Nam. Sau nhiều tháng thử nghiệm, mạng riêng 5G do Tập đoàn Viettel tiên phong phát triển đã được Pegatron ứng dụng vào hoạt động tại nhà máy. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, hàng nghìn thiết bị, cảm biến tại cơ sở này sẽ được hỗ trợ bởi Viettel 5G PMN.

Khởi đầu từ Pegatron, mạng 5G dùng riêng của Viettel sẽ thúc đẩy sự tiến hóa của hạ tầng số trên khắp Việt Nam.

Khởi đầu từ Pegatron, mạng 5G dùng riêng của Viettel sẽ thúc đẩy sự tiến hóa của hạ tầng số trên khắp Việt Nam.

Là nhà mạng lớn nhất Việt Nam và nằm trong top đầu của khu vực Đông Nam Á, năng lực làm chủ công nghệ 5G của Tập đoàn Viettel đã được thế giới công nhận. Trên nền tảng đó, Viettel 5G PMN có băng thông lên tới 4,7Gbps trong khi độ trễ tối thiểu chỉ là 1ms, phù hợp cho các ứng dụng như robot tự động, xe tự hành, drone giám sát.

Khả năng chống nhiễu tốt, hiệu suất sử dụng phổ cao bảo đảm hiệu quả việc tương tác từ xa qua AR, kiểm soát ra vào, giám sát dây chuyền. Ưu điểm hỗ trợ kết nối lớn sẽ tối ưu khả năng tự động quản lý thông tin, vị trí, chất lượng của sản phẩm, thiết bị.

Tại Pegatron, có 10 ứng dụng đang được kết nối với Viettel 5G PMN, đáp ứng các vai trò như kiểm soát thông tin, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ liên lạc; giám sát chất lượng linh kiện, mối hàn hay giám sát con người để sớm phát hiện vi phạm hoặc các nguy cơ mất an toàn tại nhà máy…. Ngoài ra, nhà máy cũng có ứng dụng điều hành robot và các ứng dụng quản lý, giám sát và vận hành tổng thể.

Khởi đầu từ những ứng dụng “thiết yếu”, Viettel đang nỗ lực tạo ra hệ sinh thái 5G PMN với khoảng 100 ứng dụng được tích hợp vào cuối năm 2023. Suốt tiến trình này, Viettel hợp tác chặt chẽ với đối tác nhằm thấu hiểu nhu cầu khách hàng, từ đó giải quyết đúng và trúng những “nỗi đau” doanh nghiệp đối mặt trong quá trình phát triển nhà máy thông minh.

Sự ra đời của Viettel 5G PMN một lần nữa khẳng định Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ hàng đầu thế giới. Đây được xem là giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng công nghệ số của Việt Nam - trong đó ưu tiên công nghệ AI, blockchain, IoT, sản xuất thông minh; đáp ứng yêu cầu ứng dụng chính phủ số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, kinh nghiệm Viettel gặt hái được trong quá trình triển khai 5G PMN cho nhà máy thông minh của Pegatron cũng đặc biệt hữu ích cho tiến trình xây dựng nhà máy thông minh của các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, sự sẵn có của hệ sinh thái Viettel 5G PMN có thể giúp các doanh nghiệp phát huy sức mạnh tối đa của mô hình nhà máy thông minh, qua đó tăng cường sức mạnh cạnh tranh cho các sản phẩm Made in Vietnam. Hay nói cách khác, điểm còn thiếu trong chuỗi điều kiện về hạ tầng số giúp sản xuất thông minh có sức mạnh đột phá - 5G PMN, đã xuất hiện và sẽ được điền vào chỗ trống trên khắp Việt Nam tại các nhà máy thông minh đang chờ “mảnh ghép cuối cùng”.

Có thể bạn quan tâm