Mâm đặc sản của người Mường ở hồ Duồng Cốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cá chạch làn là đặc sản ở hồ Duồng Cốc (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Chúng sống dưới các hang đá sâu dưới đáy hồ và phải đánh bắt bằng lưới bát quát - một loại lưới ống vuông gồm nhiều ngăn, có các cửa cho cá vào (và không thể ra) mở so le ở hai mặt hai bên. Món cá chạch làn nướng là đặc sản của người Mường vùng hồ Duồng Cốc.
Trong chuyến công tác về huyện miền núi Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, anh bạn rỉ tai: "Hôm nay tôi sẽ giới thiệu với bạn một món đặc sản rất dân dã của người Mường ở vùng hồ Duồng Cốc trên đất Bá Thước này nhé". Sau khi công việc xong xuôi, anh chàng hăm hở đưa tôi vượt hơn 20 km từ thị trấn Cành Nàng về hồ Duồng Cốc.
Hào - chàng trai Mường rắn rỏi, con rể của gia đình - tươi cười dẫn chúng tôi ra chòi trên mặt hồ nghỉ ngơi để anh làm đồ ăn. Mâm cơm Mường đãi khách của Hào hoàn toàn là các sản vật tự nhiên tại hồ Duồng Cốc này và chủ yếu là nướng: gà thả rừng, cá trôi, cá rô phi nướng tươi, cá chạch làn ướp gừng và muối ớt nướng vàng.
Gà trống làm sạch bỏ lòng, ướp với muối, dầu ăn và hạt mắc khén khoảng 1 giờ rồi đem kẹp tre nướng trên than hồng. Hào liên tục đảo gà trên bếp và phết nước ướp khắp con gà. Cá trôi, cá rô phi rửa sạch ướp muối khoảng 1 giờ rồi kẹp vỉ đem nướng trên lửa than.

Món quan trọng nhất: chạch làn nướng. Những con cá chạch làn béo núc (khoảng 6-8 con/kg) bắt lên được tuốt muối làm sạch rồi đem ướp muối và gừng trong khoảng 1 giờ trước khi nướng. "Ướp với gừng làm thịt con cá rất thơm" - Hào bật mí.
Khi tất cả đã chín vàng thơm phức trong khu bếp rộng rãi, "bếp trưởng" Hào í ới gọi vọng lên trên nhà sàn, mấy người trong nhà liền ào xuống sắp xếp, lên mâm.
Mâm cơm Mường được bày trên một bàn gỗ dài và thấp trên một căn lán lộng gió ven hồ. Một tàu lá chuối tươi xanh đã rửa sạch được rải lên mặt bàn, các món nướng được bày trực tiếp trên tàu lá chuối, các thố xôi Mường bằng tre đan được đặt dọc theo chiều dài chiếc bàn. Và không thể thiếu chai rượu táo mèo cho ấm bụng.
Trời đã tối, ai nấy đều đã đói bụng. Ngồi bệt xung quanh mâm đặc sản nướng của người Mường, chúng tôi ai nấy đều thấy cồn cào vì mùi thơm bốc lên. Cắn miếng chạch làn nướng muối gừng, vị thịt vừa ngọt, dai vừa thơm lừng, chiêu một ngụm rượu táo mèo, ôi cảm giác thật tuyệt vời, thật đáng công lặn lội đường xa đến với hồ Duồng Cốc này.
Cá ở hồ Duồng Cốc sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên nên rất sạch và chắc thịt. Toàn món dân dã nhưng đều được mọi người "xử lý" say sưa. Khi tiễn tôi ra về sau chuyến công tác, anh bạn xứ Thanh nháy mắt: "Lần sau về xứ Thanh công tác, lại lên xứ Mường ăn đặc sản hồ Duồng Cốc nhé".
Bài và ảnh: Nam Hoa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

(GLO)-

Giữa núi rừng hùng vĩ tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có một bãi tắm được ví như “biển trên núi”. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi tắm ở dòng sông Pô Cô đã thu hút hàng ngàn lượt người đến vui chơi, thưởng ngoạn.

Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.