Mai này chợ nổi có 'chìm'?: Nỗi niềm thương hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chị Phan Thu Hà ở chợ nổi Cái Răng buồn nhìn bến mù u, nơi lên xuống tàu ghe của dân chợ nổi mấy chục năm giờ ngổn ngang bê tông, cọc dầm xây bờ kè. Cây mù u mấy chục tuổi cũng đã bị đốn trụi lơ, trơ lại cái gốc to chưa bị nhổ lên để lấy mặt bằng xây bờ kè.

Thương nhớ bến mù u

Trời sanh cây cứng lá dai. Gió lay mặc gió chiều ai không chiều, câu ca dao nói về tính khí hào sảng, can trường của thương hồ vùng ĐBSCL xưa. Nhưng nay, chị Hà (46 tuổi), một tiểu thương lâu năm, cám cảnh than: "Nhìn công trình bờ kè như muốn giải tán buôn bán. Thương hồ bỏ đi hết trơn. Chợ muốn chìm chứ nổi gì nữa".

Ghe dưa hấu tấp vào chỗ trống của công trình bờ kè để lên hàng ở khu vực bến mù u xưa. Ảnh: LÊ VÂN

Ghe dưa hấu tấp vào chỗ trống của công trình bờ kè để lên hàng ở khu vực bến mù u xưa. Ảnh: LÊ VÂN

Anh Nguyễn Văn Công (51 tuổi), chồng chị Hà, kể: "Khoảng bốn chục năm về trước, chợ có tới 4 bến tàu. Bến Cầu Cái Răng, rồi tới bến mù u vì ở đấy có cây mù u mấy chục năm rồi nên bà con gọi vậy luôn. Ghe tới bến lên xuống tiện lắm. Bờ kè xây lên xong là mấy cái bến khác cũng dẹp luôn như bến Năm Thông, bến vựa bà Tuyết bắp cải".

Gia đình không có đất làm rẫy, cả 7 anh chị em nhà anh Công, chị Hà đều bán buôn ở khắp các chợ nổi vùng đồng bằng. "Xưa tui hái rau muống đỏ, lá môn, lá chuối từ Phong Điền ra chợ bán, rồi một thời gian thấy đây làm ăn được, chợ đông vui nên ra luôn. Ở bè này từ thời phải trình tạm trú, trả thuế đậu ghe từ 1.000 - 3.000 đồng. Giờ thì họ không thu nữa". Rồi chị Hà lục lại tờ giấy bạc 500 đồng và 200 đồng cũ, bảo: "Đây nè, tụi tui đi bán từ thời đò ra đò vô chỉ 200 đồng/chuyến rồi lên 500 đồng/chuyến. Hồi đó tính ra tiền nhỏ mà kiếm ăn được. Giờ bạc mất giá, kiếm nhiêu cũng bị đội chi phí. Tui giữ lại mấy đồng tiền cũ để làm kỷ niệm".

Gia đình anh Công, chị Hà ở trên một chiếc bè được đánh số, có tạm trú. Hằng ngày, chị Hà đi chợ nổi lấy sỉ các loại trái cây rồi bán cho vựa trên bờ. "Hồi xưa từ vườn chèo ghe trái cây ra chợ lúc hoàng hôn đẹp lắm. Sáng sớm có mấy ghe cà xổi họ xếp thành khối trong lòng ghe, không có bọc, dùng cần xé thôi nên có khi khỏi nhìn cây bẹo cũng biết là ghe bán cà. Khoai ngọt thì từ Long An, sắn An Giang, Ba Tri (Bến Tre), dưa hấu đất Cần Thơ này ngon nhất, dưa Long An cũng nổi tiếng, dân thương hồ mua đám ở vườn rồi chuyển xuống ghe bán sỉ. Xưa đò ghe chạy phè phè. Thơm Kiên Giang, bí ngô Vĩnh Thuận, U Minh (Cà Mau) đi đường sông hết. Rẫy ra đường nào thì lái theo ngả đó", anh Công nhớ lại một thời bán buôn tấp nập của thương hồ chợ nổi.

Đội bốc vác ở bến sông chợ nổi Cái Răng. Ảnh: LÊ VÂN

Đội bốc vác ở bến sông chợ nổi Cái Răng. Ảnh: LÊ VÂN

Muốn phát triển du lịch, cần bảo tồn chợ nổi

Ở chợ nổi không chỉ có thương hồ lâu năm. Trên khắp các bến tàu xưa có nhiều đội bốc vác "cha truyền con nối". Như gia đình ông Phạm Hoàng Thái (68 tuổi) nay đã "về hưu" thì con trai là anh Phạm Văn Định (42 tuổi) nối nghề. Anh làm trong đội bốc vác của chợ từ lúc 18 tuổi. "Xưa đông lắm, giờ chỉ còn hai đội làm theo ca sáng 15 người, chiều 17 người", anh Định kể. Anh Nguyễn Hoàng Phương, 44 tuổi, quê Cái Răng, Cần Thơ từng là tổ phó đội bốc vác, thêm vào: "Tui với Định có hai ông ba làm tổ trưởng, tổ phó, rồi để lại cho mấy thằng nhỏ. Tiền công mần (làm) tính theo tấn, cũng được 200.000 - 300.000 đồng/ngày".

Buổi chiều muộn, những ghe dưa hấu, khoai ngọt chen chúc nhau "giành" chỗ đậu sát bờ sông đường Võ Tánh, P.An Bình. Dọc đường Võ Tánh bây giờ là những khối bê tông lớn, máy khoan cọc dầm đập rầm rầm cả ngày. Thương hồ bắc thêm mấy cây gỗ nối ghe với bờ để chuyển hàng lên, đội bốc vác đội từng túi trái cây băng qua đường đưa lên xe tải. "Xưa xe tải chỉ cần cặp mé sông là lên hàng. Giờ bờ kè xây bít bùng, chỉ còn chỗ này chưa làm tới nên tranh thủ lên đỡ. Đội bốc vác phải thêm 2 - 3 công đoạn lên hàng. Trước một xe chỉ cần 5 người, nay phải 7 - 8 người để kịp đi hàng cho khách", anh Định nói.

Thương hồ đứng trên mũi tàu ngắm hoàng hôn sau cơn mưa chiều 25.5. Ảnh: Lê Vân

Thương hồ đứng trên mũi tàu ngắm hoàng hôn sau cơn mưa chiều 25.5. Ảnh: Lê Vân

Ðề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng đã được UBND TP.Cần Thơ phê duyệt vào năm 2016, gồm 13 hạng mục chính. Ông Đặng Ngọc Nhẫn, Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao và truyền thanh Q.Cái Răng, cho biết thống kê trong năm 2022 số lượng ghe cố định, ghe nhỏ trên chợ nổi còn 390 chiếc. Trong đó, ghe thương hồ còn 240 chiếc, ghe du lịch 80 chiếc và ghe bán hàng rong là 70. "Bờ kè hiện đang xây dựng và chuẩn bị làm cầu tàu để bà con tiểu thương có nơi lên xuống", ông Nhẫn cho hay.

Tuy nhiên theo chị Hà, từ đầu năm 2023 tới nay, bạn hàng của chị ở chợ nổi đã lên bờ kiếm vựa buôn bán nhiều, dưới sông khó làm ăn vì không có bến tàu, ghe du lịch chạy cả ngày khiến họ không có chỗ chạy ghe, đò đi lấy hàng. Chị Hà bước lên khúc sông đang ngổn ngang công trình bờ kè, lo lắng: "Dân thương hồ họ sống xưa giờ theo chợ nổi. Mấy ổng nói giữ chợ làm du lịch mà xây bờ kè, không có bến lên xuống rồi ghe tàu bỏ đi hết thì khách du lịch đến chợ nổi tham quan gì?".

Cũng như nhiều thương hồ khác, gia đình anh Hồ Trang Ngọc Lợi ở "xóm khoai ngọt" chưa biết sẽ làm gì nếu mai này chợ nổi thành chợ… du lịch. "Ba má tui già rồi, giờ có tui đi theo làm là chính. Quê tui ở Kiên Giang nhưng ngay cả tết cũng không về vì coi chợ là nhà. Lên bờ không biết mần ăn gì để sống… Mặt bằng trên bờ để mở vựa giờ bèo cũng trên 10 triệu đồng mà đâu chứa được nhiều. Nhìn cái ghe này thôi chứ 2 - 3 ghe là chứa được tới 50 - 60 tấn hàng", anh Lợi ngồi nhìn những tàu du lịch chạy vun vút qua, giọng trầm buồn. Bất giác, anh thở dài: "Người ta thường có vợ, chồng mới ra riêng. Còn tui ở ghe từ bé tới lớn nên xuống chợ nổi rồi chắc… ế luôn". Hỏi ra, mới biết đã ngoài 30 tuổi nhưng anh chưa lập gia đình vì xuống ghe cùng ba mẹ từ bé...

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Nay đường bộ đã phủ kín đến các xã, ấp vùng đồng bằng. Dưới có sông, trên có đường sẽ giúp giao thương hàng hóa thuận lợi. Đến một ngày nào đó có thể hệ thống chợ nổi trên sông sẽ giảm dần và mất đi. Vấn đề là bảo tồn nét văn hóa này bằng cách nào? Nhà nước phải có chính sách bảo tồn văn hóa chợ nổi như giải pháp đưa ra lộ trình chuyển từ chợ nổi tự nhiên sang tự tạo. Đặc biệt lưu ý giải pháp để tạo điều kiện cho thương hồ tiếp tục được nhóm chợ trên sông, đó cũng chính là nét văn hóa để khách du lịch tìm đến".

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

null