Tình trạng này phản ánh một góc khác của thực tế đời sống công nhân - lao động hiện nay. Họ đang vướng phải những quy định về BHXH và những quy định dự thảo về việc làm, về BHXH đang khiến nhiều NLĐ lo lắng cho quyền lợi của mình.
Hiện nay nhiều NLĐ xin nghỉ việc ở các nhà máy, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và chờ nhận BHXH một lần. Đa số họ chọn làm thời vụ hoặc không ký HĐLĐ khi nhận công việc mới, bởi nếu ký HĐLĐ thì họ xem như đã có việc làm chính thức, không còn được hưởng TCTN, trong khi chịu cảnh thất nghiệp tạm thời thêm một thời gian nữa thì vẫn có lợi hơn, nên NLĐ đã lựa chọn như trên.
Điều này khiến các DN tuân thủ đúng luật lại khó tuyển lao động, nhất là những lao động có kinh nghiệm, tay nghề đều có hơn 10 năm đóng BHXH và nay muốn nghỉ, nhận TCTN, nhận trợ cấp BHXH một lần, sau đó đi làm chỗ khác, hoặc quay trở lại làm thời vụ tại công ty cũ.
Không thể trách NLĐ khi bản thân ai cũng phải nghĩ về cuộc sống từ chính công việc và tương lai của mình khi những bài toán cụ thể được đặt ra để dẫn đến quyết định trên. Những năm qua, BHXH ngày càng mở rộng, phát triển, xứng đáng là một trụ đỡ an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, về việc làm, đã có những quy định không phù hợp, có nhiều bất cập khiến NLĐ lo lắng về quyền lợi nếu những điều khoản này được thông qua. Từ đó có hiện tượng đối phó để tránh né trước khi luật đi vào cuộc sống.
Điển hình như dự thảo quy định NLĐ chỉ được hưởng tối đa 12 tháng TCTN, không được bảo lưu thời gian đóng dư; NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ sẽ không được hưởng TCTN. Quy định như trên rất có thể tạo ra làn sóng nghỉ việc vì NLĐ cho rằng sẽ mất khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp đã đóng nhưng chưa hưởng. Quy định không cho hưởng TCTN nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ cũng là ngặt nghèo và bất công với NLĐ, không phù hợp cả lý và tình, khiến NLĐ cảm thấy thiệt thòi quyền lợi, mất dần động lực tích cực khi tham gia BHXH tại nơi làm việc.
Do đó, rất cần lắng nghe những ý phản biện về chính sách, pháp luật, nhất là những điều khoản liên quan đến đông đảo lao động xã hội. Khi sâu sát tâm tư, nguyện vọng NLĐ, ắt hẳn sẽ có sự thấu hiểu và cảm thông, sẽ đưa việc xây dựng, hoàn thiện luật pháp theo hướng nâng cao tính khả thi, phù hợp đời sống - việc làm của đông đảo lao động xã hội, tạo động lực tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
NLĐ sẽ yên tâm tham gia thị trường lao động, tham gia vào hệ thống BHXH nếu biết chắc được bảo đảm việc làm theo luật định cùng những phúc lợi xã hội tốt đẹp mà chính sách mang lại. Hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng hướng đến sự hoàn thiện và tính chất ưu việt trong chăm lo cho các đối tượng xã hội, do đó khi sửa đổi, bổ sung cũng như xây dựng chính sách pháp luật mới, cần hướng đến sự sâu sát, tính thức thời và tính khả thi.