Lựa chọn giữa '2 chữ G, 2 chữ T'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân tài không thiếu, vấn đề quan trọng là làm sao phát hiện và tạo cơ hội cho họ làm việc để thể hiện, khẳng định năng lực.

1. Trong nhiệm kỳ bộ trưởng thứ hai của tôi, từ năm 2007 đến 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã đề bạt, bổ nhiệm rất nhiều cán bộ trẻ. Nhiều cán bộ cấp vụ chỉ hơn 30 tuổi, vụ trưởng có người mới qua 35 tuổi.

Thậm chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ KH-ĐT chỉ mới 35 tuổi. Đây là vị trí quan trọng, có nhiệm vụ xem xét, quyết định các vấn đề nhân sự của bộ nên đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, vốn sống. Thường ở các bộ, cơ quan khác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ là người trên 50 tuổi.

Khi Ban Tổ chức Trung ương mời ban cán sự Đảng các bộ họp, góp ý về công tác cán bộ, tôi cử vụ trưởng này tham gia - lúc ấy mới được đề bạt vài tháng. Sau cuộc họp, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá anh này dù là cán bộ trẻ mà "phát biểu được".

Theo tôi, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị phải biết "nhìn người" để phát hiện ai đủ đức, đủ tài thì mạnh dạn đề bạt, nhất là người trẻ. Khi đã đề bạt ai thì tin tưởng, không ngần ngại giao việc, thậm chí là việc quan trọng. Chẳng hạn, qua cuộc họp với Ban Tổ chức Trung ương, vụ trưởng nêu trên có cơ hội giao lưu, cọ xát, tiếp thu kinh nghiệm và mạnh dạn hơn.

Những người trẻ đủ đức đủ tài, đủ sự chín chắn thì sẽ có đủ bản lĩnh, trình độ để chủ động hành động theo lẽ phải và đúng công việc ở vị trí họ đảm trách. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch để từ đó phát hiện được người có khả năng.

Thực ra, kinh nghiệm này không mới. Nhìn lại lịch sử đất nước sẽ thấy khi nào tuyển chọn nhân tài một cách công khai, dân chủ thì sẽ có người giỏi phụng sự đất nước. Điều này phải được thể hiện trong suy nghĩ và hành động của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời báo chí tại một kỳ họp Quốc hội năm 2009

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời báo chí tại một kỳ họp Quốc hội năm 2009

2. Đề bạt nhân sự cần có sự tin tưởng. Song, điều đó có khi lại dẫn đến sự chủ quan, thân hữu, thậm chí "nâng đỡ không trong sáng". Vì vậy, ngoài sự tin tưởng cần phải có quy định "cứng", có quy hoạch, tiêu chuẩn rõ ràng. Nhưng nếu "cứng" quá thì lại dễ sót lọt người tài… Công tác cán bộ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của người đứng đầu. Nếu có tầm nhìn, bản lĩnh, họ sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người tài phát triển, ngược lại thì sẽ làm thui chột tài năng.

Làm sao để dung hòa được giữa ý chí chủ quan của người đứng đầu với quy hoạch, tiêu chuẩn? Khi tôi còn là chuyên viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước - tiền thân của Bộ KH-ĐT, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban chỉ tiếp xúc tôi qua các cuộc họp. Sau đó, ông nghe ý kiến những cấp trên trực tiếp phụ trách tôi. Khi tất cả đồng thuận, ông mới quyết định đề bạt tôi lên phó vụ trưởng rồi vụ trưởng.

Công tác cán bộ khi ấy chưa có quy hoạch. Trước khi lên vụ trưởng, tôi được Thủ tướng Đỗ Mười và Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp theo dõi qua nhiều kỳ họp rồi tìm hiểu thêm từ một số lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Sở dĩ tôi "lọt vào mắt xanh" của Chủ nhiệm Ủy ban là do ông đã tập hợp ý kiến của nhiều phó chủ nhiệm. Do đó, sự phát hiện rất quan trọng nhưng người đứng đầu còn phải biết lắng nghe và tập hợp ý kiến.

Trước đây, khi chưa có quy hoạch, công tác cán bộ đã làm rất tốt. Đến nay, khi có quy hoạch rồi, lẽ ra phải làm tốt hơn vì đây là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá cán bộ. Việc quy hoạch cán bộ cần phải thực sự khách quan, công tâm, biết lắng nghe ý kiến dư luận, chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Bộ KH-ĐT khi ấy được Ban Tổ chức Trung ương đánh giá là cơ quan làm quy hoạch cán bộ rất tốt.

Chúng tôi quy hoạch đội ngũ từ cấp trưởng, phó các đơn vị cơ sở. Cơ sở có thể giới thiệu những người trẻ, có năng lực, điều kiện phát triển, có đạo đức, tư cách tốt. Khi cán bộ có trong quy hoạch rồi thì tạo điều kiện cho họ thể hiện, có vị thế để được đánh giá, nhìn nhận.

Lúc làm bộ trưởng, tôi được coi là "nâng đỡ, ưu ái" 2 cán bộ - sau này là 2 chuyên gia kinh tế nổi tiếng. Thế nhưng, nếu họ không khẳng định được mình, chắc chắn tôi đã mang tiếng "nâng đỡ không trong sáng".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, rất chú trọng phát hiện, trọng dụng những tài năng trẻ Ảnh: TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, rất chú trọng phát hiện, trọng dụng những tài năng trẻ Ảnh: TTXVN

3. Trong việc phát hiện, quy hoạch cán bộ, không có tiêu chuẩn cứng nhắc nào trói buộc mà cần biết vận dụng linh hoạt, phù hợp thực tế. Ông bà ta có câu "Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già", vì vậy sử dụng hài hòa, nhịp nhàng giữa những người giàu kinh nghiệm với người trẻ đầy nhiệt huyết là một nghệ thuật. Người giỏi phải hội đủ cả đức lẫn tài nhưng "nhân vô thập toàn" nên cũng cần dung hòa hai tiêu chuẩn này.

Công tác cán bộ vừa cần theo nguyên tắc vừa cần sự linh hoạt, uyển chuyển theo từng con người, trường hợp cụ thể. Giữa hai người già và trẻ, phải nhìn nhận khả năng phát triển của họ và tùy từng lĩnh vực công việc để cân nhắc việc lựa chọn.

Trong nhiệm kỳ bộ trưởng của tôi, Ban Cán sự Đảng Bộ KH-ĐT cùng lúc đề bạt 3 thứ trưởng phụ trách 3 lĩnh vực tài chính, đầu tư nước ngoài và nông nghiệp. Chúng tôi họp phân tích: Lĩnh vực tài chính rất phức tạp, cần chọn người có kinh nghiệm, do đó đã đề bạt đến Ban Bí thư một người đã 57 tuổi. Trái lại, đầu tư nước ngoài thời điểm đó là lĩnh vực mới, cần người trẻ có tư duy đổi mới, năng động, nên chúng tôi đã đề bạt một người mới 43 tuổi.

Việc Bộ KH-ĐT lúc ấy có được dàn cán bộ chất lượng, đồng đều là nhờ quá trình đánh giá, đào tạo diễn ra liên tục, chứ không phụ thuộc vào lớp lãnh đạo nào. Tập thể lãnh đạo bộ có tầm nhìn như nhau, đoàn kết, khách quan, không thiên vị và tương đối công tâm.

Nhiều cán bộ ở Bộ KH-ĐT sau này không gọi tôi là sếp hay thủ trưởng, mà là "thầy". Tôi chẳng dạy họ giờ nào, "thầy" ở đây có lẽ là sự kèm cặp qua công việc trong cả quá trình một cách công tâm, đầy đủ. Với tôi, thủ trưởng chỉ nhất thời, còn khi đã là "thầy" thì mãi mãi vẫn là "thầy".

Bộ KH-ĐT là cơ quan có nhiều quyền lực, kể cả sự ban phát, xin - cho liên quan vật chất, tức là có rất nhiều cám dỗ. Vì vậy, khi đề bạt hay trao quyết định cho cán bộ, tôi luôn dặn họ: "Trong 2 chữ G, chỉ được chọn 1 giữa "ghế" và "gái". Bởi lẽ, muốn phát triển lâu dài, thăng tiến cao hơn thì "gái" sẽ làm tiêu tan sự nghiệp. Tương tự, trong 2 chữ T, chỉ được chọn 1. Đã chọn "tiền đồ" sự nghiệp thì phải không màng "tiền bạc", vì nó sẽ dẫn ta đến hư hỏng, thoái hóa".

Đến nay, nhiều cán bộ từng dưới quyền tôi đã giữ các trọng trách ở địa phương như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh… Mỗi khi gặp lại tôi, họ đều khẳng định: "Thầy yên tâm, giữa 2 chữ G, em chỉ chọn 1. Giữa 2 chữ T, em cũng chỉ chọn 1".

Người Việt vốn duy tình, nhiều khi trong công việc vẫn bị tình cảm cá nhân xen vào, chi phối. Nhưng Bộ KH-ĐT, ít nhất là trong quãng thời gian tôi làm việc, vẫn duy trì được nếp tốt là sự sòng phẳng. Tình cảm thì vẫn giữ nhưng chỉ giúp được trong phạm vi cá nhân một cách sòng phẳng. Mọi người đều được tạo điều kiện để làm việc, phấn đấu và thể hiện khả năng của mình.

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.