Lớp dạy vẽ của người thầy khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với cuộc đời đầy khó khăn và thử thách, anh Nguyễn Văn Thành một nghệ sĩ khuyết tật, đã vượt qua mọi trở ngại để theo đuổi đam mê nghệ thuật. Không những thế, anh còn nuôi tâm huyết truyền lửa tình yêu hội họa cho thế hệ trẻ.

Nghị lực vươn lên

Năm lên ba, một cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân lành lặn của anh Nguyễn Văn Thành (tổ 2, phường Hội Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), để lại cho anh một cuộc đời đầy thử thách. Sinh ra trong một gia đình nghèo có bố làm nghề phụ hồ, mẹ thì bán rau lo từng bữa ăn, tuổi thơ của anh Thành phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Trong suốt 12 năm cắp sách đến trường, anh Thành chống nạng với cơ thể chỉ vỏn vẹn 35 kg, mỗi bước đi là một cuộc chiến thực sự. “Thời còn ngồi trên ghế nhà trường mình cảm thấy rất buồn và tủi thân khi nhìn bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy vui chơi, còn bản thân thì phải ngồi một chỗ. Không những vậy, đôi lúc mình còn suy sụp, tự ti, mặc cảm bởi những lời dèm pha, trêu chọc của các bạn”-anh Thành trải lòng.

Để có thể tự di chuyển mà không cần nạng, anh đã không ngừng tập luyện thể thao để có một sức khỏe tốt. Và từ những nỗ lực kiên cường ấy đã giúp anh trở thành một vận động viên cử tạ khuyết tật xuất sắc.

Anh Thành đã tham gia nhiều giải đấu ở các hạng cân khác nhau và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Đặc biệt, anh vừa giành huy chương vàng quốc gia hạng cân 65 kg tại Giải Vô địch quốc gia Thể thao người khuyết tật năm 2024 được tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên. Bản thành tích đáng tự hào ấy là minh chứng sống động cho nghị lực và ý chí phi thường của anh.

Anh Nguyễn Văn Thành giành huy chương vàng hạng cân 65 kg môn cử tạ tại Giải Vô địch quốc gia thể thao người khuyết tật năm 2024 được tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Văn Thành giành huy chương vàng hạng cân 65 kg môn cử tạ tại Giải Vô địch quốc gia thể thao người khuyết tật năm 2024 được tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Bên cạnh thể thao, anh Thành nhận thấy bản thân có năng khiếu và niềm đam mê hội họa từ nhỏ. Với quyết tâm chấp cánh đam mê và kiếm sống bằng nghề, anh đã quyết định theo học nghề vẽ tại Đắk Lắk.

Thời điểm theo học nghề cũng là một kỷ niệm mà anh Thành không bao giờ quên. Anh chia sẻ: “Khi đến Đắk Lắk mình sống chung trong một xưởng công nhân 40 người, tự lấy củi nấu cơm, ngủ trên căn gác nhỏ. Việc đi lên xuống cái cầu thang chật hẹp đối với người bình thường đã khó khăn chứ chưa nói đến người khuyết tật như mình nên bị ngã là chuyện như cơm bữa. Trên quãng đường đi qua nhà thầy học cũng ngã rất nhiều lần. Nhưng rồi mình an ủi bản thân và đứng dậy cố gắng bước tiếp”.

Mỗi nét vẽ, mỗi bức tranh là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của anh Thành trên hành trình vượt qua trở ngại của bản thân để đạt đến những điều tốt đẹp hơn. Dù gặp nhiều khó khăn bởi khuyết điểm cơ thể nhưng anh Thành luôn cố gắng hết mình, không ngừng học hỏi và phấn đấu. Anh hiểu rằng, chỉ có cố gắng và kiên trì mới giúp anh vươn lên và khẳng định bản thân.

Chắp cánh ước mơ hội họa

Sau khi học xong ở Đắk Lắk vào năm 2003, anh Thành quyết định quay về TP. Pleiku, thuê nhà để dạy vẽ cho trẻ em và ôn thi đại học cho các bạn trẻ. Hơn 20 năm dạy vẽ, nhiều thế hệ học sinh đã được anh tiếp sức để hoàn thành ước mơ bước vào giảng đường đại học.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn và kinh phí không đủ để trả tiền thuê nhà, anh phải tạm dừng việc dạy và chuyển sang nhận vẽ tranh theo yêu cầu. Dù công việc mới này không mang lại thu nhập ổn định, nhưng nó giúp anh nuôi dưỡng niềm đam mê và duy trì mối liên kết với hội họa.

Khi kinh tế gia đình đã ổn định hơn, từ năm 2022, anh quyết định mở lại lớp dạy vẽ với mong muốn truyền đạt kinh nghiệm và tiếp nối đam mê của mình cho thế hệ trẻ. “Bản thân mình đi lên từ khó khăn nên mình muốn gửi gắm, truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực cho các em để có thể theo đuổi được ước mơ của riêng mình”-anh Thành tâm sự.

Anh Thành hướng dẫn tận tình cho học sinh của mình. Ảnh: Bích Ngọc
Anh Thành hướng dẫn tận tình cho học sinh của mình. Ảnh: Bích Ngọc

Lớp học của anh Thành hiện có gần 60 em chia làm 2 lớp, đa dạng độ tuổi từ 3 đến 18, với đủ mọi hoàn cảnh và tính cách. Không chỉ có những bạn yêu thích nghệ thuật, lớp học còn nhận những em có tính cách bướng bỉnh hay "ghiền" xem điện thoại.

Với suy nghĩ truyền nghề và giáo dục đạo đức, anh Thành luôn hết lòng với các học trò, hướng dẫn từng nét vẽ, từng ý tưởng sáng tạo. Anh tin rằng, nghệ thuật không chỉ là việc vẽ tranh mà còn là cách để các em thể hiện bản thân, khám phá thế giới và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Em Lê Minh Khang (học sinh lớp 3, ở tổ 1, phường Ia Kring, TP. Pleiku) là học sinh không có năng khiếu hội họa, với tính cách có phần hơi ương bướng bỉnh, từ khi tham gia lớp học em đã vẽ tốt hơn và tính cách cũng dần hòa nhã. “Em đi học ở đây cảm thấy rất vui, giờ em đã biết vẽ cơ bản và làm được những bài tập mà thầy Thành giao cho”-Khang hồ hởi nói.

Anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ mong muốn truyền đam mê và luôn tạo điều kiện cho các em nhỏ phát huy khả năng qua từng nét vẽ. Thực hiện: Bích Ngọc

Không những thế, đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đóng học phí, anh Thành nhận dạy miễn phí cũng như phát miễn phí giấy vẽ, vật tư vẽ để tạo điều kiện tốt nhất cho các em theo đuổi đam mê. Anh mong muốn rằng, dù các em đến từ đâu, có hoàn cảnh ra sao, đều có thể tìm thấy niềm vui và sự sáng tạo trong từng bức tranh, từng nét cọ, màu sắc.

Bạn Cao Võ Gia Hân (17 tuổi, tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku) là học sinh ưu tú của anh Thành. Dù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng bạn đã được anh Thành nhận dạy vẽ miễn phí và định hướng để vươn lên trong cuộc sống.

Hân tâm sự: “Em thích vẽ và đã theo thầy học được 2 năm. Em cảm thấy thầy Thành là một người rất tốt, có tâm với nghề. Biết hoàn cảnh của em nên thầy đã không thu học phí. Bên cạnh dạy vẽ, thầy còn chỉ dạy em nhiều kiến thức hay về kinh nghiệm sống, cách làm người. Ngoài ra, thầy còn giúp đỡ em mua dụng cụ học tập để em đi học trên trường. Hiện tại em đang hỗ trợ thầy hướng dẫn lại cho các em nhỏ ở lớp. Tương lai em muốn thi vào Trường đại học Mỹ thuật để theo đuổi đam mê của mình”.

Bạn Cao Võ Gia Hân hỗ trợ thầy Thành hướng dẫn cho các em tại lớp học vẽ. Ảnh: Bích Ngọc

Bạn Cao Võ Gia Hân hỗ trợ thầy Thành hướng dẫn cho các em tại lớp học vẽ. Ảnh: Bích Ngọc

Anh Thành không chỉ là một người nghệ sĩ khuyết tật, mà còn là một người thầy đầy nghị lực, luôn mang trong mình khát vọng vươn lên và chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ trẻ.

Với anh, nghệ thuật không chỉ là đam mê, mà còn là sứ mệnh, là con đường để mang lại niềm vui và hy vọng cho những tâm hồn trẻ thơ. Lớp dạy vẽ của anh không chỉ là nơi học vẽ mà còn là nơi các em học cách sống, học cách yêu thương và trân trọng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Anh Thành còn phát quà sau mỗi buổi học để tạo động lực cho các em nhỏ. Ảnh: Bích Ngọc

Anh Thành còn phát quà sau mỗi buổi học để tạo động lực cho các em nhỏ. Ảnh: Bích Ngọc

Chị Đào Thị Mỹ Vân (tổ 3, phường Hội Thương, TP. Pleiku) có con theo học vẽ được 2 tháng chia sẻ: “Mình biết thầy Thành qua sự giới thiệu của Hân, mình khâm phục sự vươn lên trong cuộc sống của thầy. Thấy con mình cũng có chút năng khiếu vẽ nên mình đã cho con học nâng cao thêm. Nhờ có sự chỉ dạy tận tình của thầy Thành, sau vài buổi học thì mình nhận thấy con vẽ tốt và đẹp hơn. Mình sẽ tiếp tục cho con theo học thầy để con được phát triển khả năng qua từng nét cọ”.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.

Khi yêu, tặng nhau món quà này là sẽ chia tay?

Khi yêu, tặng nhau món quà này là sẽ chia tay?

Có những quan niệm cho rằng khi yêu mà tặng nhau giày, dép thì sẽ chia tay. Trên Google lưu lại cả những câu hỏi như "tặng giày là chia tay" hay "tặng giày cho người yêu là chia tay" vì nhiều người dùng thắc mắc nhiều. Điều này có đúng?

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.

Những lá đơn tình nguyện nhập ngũ

Những lá đơn tình nguyện nhập ngũ

(GLO)- Hàng năm, nhiều thanh niên trong tỉnh đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Với mong muốn góp một phần công sức vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, những lá đơn tình nguyện thể hiện ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.

Khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên

Khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên

(GLO)- Trong chiến tranh, với khát vọng hòa bình, hàng triệu thanh niên xung phong ra chiến trường, hiến trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời bình, mỗi người trẻ lại mang khát vọng cống hiến trí tuệ, sức lực, của cải, tinh thần để đem đến điều tốt đẹp cho cộng đồng.