Lối thoát nào cho cây mía Gia Lai? -Bài 2: Bỏ mía, trồng mỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước thực tế, cây mía không còn đem lại sự ấm no, giàu sang như trước đây, nhiều hộ dân đã bắt đầu nói lời chia tay loại cây trồng này.
Cái vòng luẩn quẩn “chặt trồng-trồng chặt” chẳng biết bao giờ kết thúc khi cả ngành chức năng, chính quyền địa phương, DN mía đường và người nông dân chưa tìm được tiếng nói chung.  
Ồ ạt bỏ mía
Trước đây, dọc theo đường Trường Sơn Đông qua địa bàn các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai, hay tuyến tỉnh lộ 662B từ trung tâm huyện Ia Pa đến xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện là những cánh đồng mía bạt ngàn thì giờ chỉ còn trong ký ức. Người dân đã chuyển đổi rất nhiều diện tích mía sang trồng các loại cây khác. Trong đó, cây trồng được chọn mặt gửi vàng chủ yếu là mỳ (sắn) bởi giá loại nông sản này đang cao và ổn định. Ngoài ra, nông dân cũng chọn một số cây trồng ngắn ngày khác như bắp, đậu đỗ, cây điều và một số loại cây ăn quả...
Hết kiên nhẫn khi cả 2 vụ liên tiếp, 6 ha mía không thu được đồng lãi nào, thậm chí phải bù lỗ, vụ mùa 2019, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro) đã quyết định trồng mỳ với hy vọng sẽ đổi vận.
 
Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh chuẩn bị hom mỳ để trồng cho vụ năm nay.
Theo ông Thanh, giá mía thì liên tiếp giảm mạnh, trong khi đó chi phí vật tư, phân bón, công lao động ngày càng cao. Như niên vụ mía vừa rồi, thu không bù đắp chi phí đầu tư, trung bình mỗi ha mía, gia đình ông lỗ 10 triệu đồng. Không thể gắn bó với cây mía, ông đành chọn cây mỳ làm cứu cánh.
"Chúng tôi chỉ trồng tự phát chứ không ký hợp đồng sản xuất với bất kỳ nhà máy chế biến củ mỳ nào cả. Dù biết sẽ như một canh bạc may rủi song cũng phải làm thôi chứ không thì lấy gì cho vào mồm”, ông Thanh chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Văn Tạm (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cũng chuyển 4 ha mía sang trồng cây khác. Theo ông, mấy năm nay tình trạng nông dân bỏ mía diễn ra ồ ạt. Gia đình ông trước đây trồng gần 5 ha mía, 2 năm trở lại đây, do giá mía xuống thấp nên 4 ha mía đã được thay thế bằng cây điều xen cây mỳ.
Còn hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bắc (thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) thì dành phần lớn diện tích mía đã được phá bỏ để trồng các loại cây ăn trái như chanh không hạt, cam, dừa Xiêm lùn, quýt đường, na Thái… Ngoài ra, bà cũng dành một phần diện tích trồng cây ngắn ngày như khoai môn sáp, mỳ để lấy ngắn nuôi dài.
Theo ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Kông Chro, nếu tính như giá mía hiện nay, với năng suất bình quân mỗi ha đạt 60 tấn, giá 700.000 đồng/tấn 10 chữ đường như niên vụ mía 2018-2019 vừa qua thì sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, thu hoạch người nông dân không có lãi hoặc lỗ từ 1 - 3 triệu đồng/ha.
Tính đến nay diện tích mía chuyển sang trồng cây mỳ trên địa bàn huyện này là trên 500 ha, ngoài ra người dân cũng bắt đầu chuyển sang trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như na Thái, thanh long, dứa…
Còn theo Phòng NN- PTNT huyện Đak Pơ thì diện tích mía của huyện chỉ còn 7.160,5 ha, giảm hơn 1.238 ha so với niên vụ mía 2018-2019 và dự kiến con số này vẫn sẽ còn tiếp tục giảm. Còn tại huyện Phú Thiện, diện tích mía chuyển sang trồng cây trồng khác đã là hơn 1.000 ha. Trong đó, chỉ tính riêng xã Ia Sol là 526 ha. Người trồng mía huyện Ia Pa cũng đã phá bỏ hơn 1.000 ha để trồng mỳ, điều, đậu các loại…
 
Chuẩn bị mỳ giống để chuyển đổi từ mía sang mỳ.
Theo Sở NN- PTNT tỉnh Gia Lai, theo kế hoạch, năm 2019, toàn tỉnh sẽ trồng mới thêm gần 4.000 ha mía, tuy nhiên đến nay các địa phương mới chỉ trồng được hơn 900 ha, đạt 23% kế hoạch. Trong khi đó, tổng diện tích mì đã đạt hơn 69.000 ha, tăng 4.000 ha so với kế hoạch...  
Nguy cơ phải giải cứu nông sản
Việc bỏ cây mía để chuyển sang trồng cây trồng khác, đặc biệt là cây mỳ như hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Dù nhiều năm trở lại đây, cây mỳ có giá tương đối cao và ổn định song đầu ra của loại cây trồng này khá phập phù, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, theo Sở NN- PTNT tỉnh Gia Lai, trên địa bàn hiện chỉ có 4 nhà máy chế biến tinh bột mỳ với tổng công suất là 66.000 tấn/năm. Trong khi, tổng sản lượng mỳ toàn tỉnh bình quân đạt trên dưới 1,2 triệu tấn/năm, một con số khá lớn so với sức tiêu thụ của 4 nhà máy trên. Do đó, thời gian tới, chuyện “giải cứu” cây mỳ sẽ không có gì là lạ nếu vẫn còn tình trạng người dân vẫn ồ ạt chuyển mía sang mỳ.
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XI, ông Võ Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Ia Pa cho rằng, ngành nông nghiệp huyện Ia Pa nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giá cả các mặt hàng nông sản bấp bênh, điển hình là giá mía liên tiếp giảm trong 2 năm qua. Giá mỳ tuy ổn định nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao do phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên cây mỳ và cây mía cũng diễn biến khá phức tạp, trên cây mía là bệnh trắng lá còn cây mỳ là bệnh khảm lá. Đây đều là những loại dịch bệnh rất dễ lây lan nhanh và chưa có thuốc đặc trị. Do đó, UBND tỉnh Gia Lai, ngành chức năng cần có những giải pháp căn cơ, đặc biệt là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên các loại cây trồng và tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm.
 
Nguy cơ kêu gọi giải cứu nông sản với người trồng mỳ Gia Lai đang hiện hữu.
Hệ lụy từ cái vòng luẩn quẩn “chặt trồng- trồng chặt”, phá vỡ quy hoạch dẫn đến phải kêu gọi hỗ trợ, giải cứu cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua là không ít. Tuy nhiên, phải giải cứu thế nào để người nông dân phát triển SX bền vững, có thu nhập ổn định thì vẫn đang là bài toán cần sự chung tay của chính quyền địa phương, ngành chức năng, DN và người nông dân phải giải đáp.
Đã đến lúc DN tiêu thụ nông sản và nông dân phải sòng phẳng với nhau trong quá trình liên kết cùng chia sẻ lợi nhuận và khó khăn, tránh tình trạng bỏ rơi nhau lúc thị trường biến động. Để nông dân sống khỏe với cây mía, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương, thì đã đến lúc DN phải xác định lại diện tích vùng nguyên liệu.

Thay vì mở rộng diện tích, DN chế biến mía đường nên xác định vùng trọng tâm, trọng điểm trồng mía. Trên cơ sở đó, tập trung nguồn lực đầu tư, hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa, để nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành trồng mía, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Có như vậy thì cây mía mới tiếp tục sống được trên đất Gia Lai.

Thái tuyền-Phan Kiên (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.