Lời hẹn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần này tôi trở lại một mình mang theo niềm hy vọng mong manh. Dù sao chúng tôi mới gặp nhau một lần. Dù sao tôi đã biệt tăm biệt tích đến ba năm.

Ly không có lý do gì chờ đợi một người như tôi cả. Nhưng nếu không trở lại, tôi sẽ chẳng làm được việc gì khi trong đầu cứ nghĩ đến Ly, nghĩ đến sự thất hứa của mình với Ly mà dằn vặt.

Một tuần ở bên nhau vào mùa hoa cà phê nở năm kia, tôi đã thực sự yêu Ly. Buổi tối trước khi chia tay, chúng tôi ngồi bên nhau thật khuya; ngay cả khi từng ngọn cỏ, từng chiếc lá, từng cánh hoa cà phê đã thấm đẫm sương đêm cũng chưa muốn trở về. Dưới tán cây kơ-nia, Ly ngồi dựa đầu vào vai tôi hỏi chừng nào anh quay lại?

Nhanh thôi, tuần sau anh sẽ bắt tay vào chụp bộ ảnh về chim, xong việc sẽ quay lại ngay. Ly im lặng. Có thật không? Giọng em nhẹ như tiếng gió thoảng. Dường như Ly đang lo lắng. Tôi hiểu tâm trạng của Ly lúc này, liền vòng hai tay ôm chặt lấy em. Anh thề có cây kơ-nia làm chứng… Ly vội đưa tay che miệng tôi lại không cho nói. Đừng anh, đừng nói gì cả. Vậy em có chờ anh không? Ly gật đầu.

Tôi trở lại thành phố mà trong lòng toàn hình bóng của Ly. Chỉ mong nhanh chóng hoàn thành dự án để nộp. Tôi sẽ trở lại bên Ly, sẽ thưa chuyện với ba mẹ em. Tôi sẽ đưa ba mẹ tôi lên nhà em để xin em về làm dâu. Tôi sẽ… Tôi sẽ… Chúng tôi sẽ…

Bao nhiêu dự định quanh quẩn trong đầu tôi là bấy nhiêu chuyện liên quan đến Ly. Đến nỗi mấy anh em đồng nghiệp còn chọc ghẹo tôi chắc bị Ly bắt mất hồn rồi. "Mày trúng bùa yêu rồi. Người dân tộc vùng cao giỏi bùa phép lắm đấy". Tôi cười: "Em bị trúng bùa của con tim".

Bộ ảnh về chim của tôi đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch. Buổi chiều hôm đó, sau khi nộp tập dự án lên trưởng phòng, tôi vui như một đứa trẻ sắp được thưởng một chuyến đi xa, đến nơi mình mong ước bấy lâu. Tôi vừa hát khe khẽ vừa nhảy chân sáo ra khỏi phòng sếp, túi máy ảnh đeo bên người lắc lư theo từng bước nhảy. Hình như mọi người có nhìn tôi và cười.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi lượn xe qua mấy cửa hàng mua vài thứ làm quà. Đầu tiên là mua vài cuốn sách. Ly làm cô giáo, chắc chắn thích sách rồi. Xong tôi sẽ qua cửa hàng quần áo…

***

Cao nguyên mùa này đầy nắng và gió. Nếu như trước đây, tôi có thể cuốc bộ cả vài cây số cũng không hề hấn gì. Nhưng nay mới đi được một đoạn, tôi đã thấm mệt. Chỗ khớp nối ống chân hơi đau. Tôi dừng lại bên gốc cây kơ-nia ngồi nghỉ. Cây kơ-nia đã từng nghe lời thề trở lại của tôi xôn xao cành lá. Đứng đây cũng có thể nhìn thấy ngôi nhà Ly ở thấp thoáng phía xa, cách một quãng vườn cà phê.

Cà phê đã qua mùa nở hoa từ lâu rồi nhưng tôi vẫn như nhìn thấy những cánh hoa trắng muốt bung ra mang theo hương thơm dìu dịu gọi lũ bướm ong bay về. Tôi tưởng như mình có thể nghe được tiếng đập cánh bay vù vù của đàn ong, hay nghe như giữa vườn hoa cà phê đang ngân lên giọng hát của người con gái. Giọng hát của Ly. Tiếng nói của Ly. Tôi lắc mạnh đầu, xua đi những hỗn độn đang choán lấy tâm trí.

Sau tai nạn, vì tự ái, vì mặc cảm hình hài, tôi đã không trở lại thăm Ly như đã hẹn và cũng cắt hoàn toàn liên lạc với em. Tôi đã định không bao giờ về Đăk Hà nữa nhưng lòng bảo vậy mà chân vẫn cứ đi. Tôi không báo cho Ly. Thực ra tôi không muốn Ly phải khó xử. Biết giờ em như thế nào? Còn chờ tôi hay đã đi lấy chồng.

Nếu thật sự em đã đi lấy chồng thì tôi sẽ lặng lẽ trở về, coi như chưa từng trở lại vùng đất này. Tôi chẳng có lý do gì mà trách móc em cả. Bởi không ai có thể chờ một người biệt tăm mấy năm không hề có tin tức gì.

Tôi cứ miên man trong bao nhiêu ý nghĩ mà không để ý rằng mình đã đi đến cổng nhà Ly từ khi nào. Hôm nay là cuối tuần, có lẽ Ly ở nhà. Chẳng biết cả nhà còn nhớ tôi là anh thợ chụp hình ba năm trước đã ăn chực nằm chờ cả tuần ở đây? Nghĩ vậy, tôi đâm ra e dè, không dám đi thẳng vào nhà em.

Tôi nép vào bên cánh cổng khi có người từ trong nhà bước ra. Tiếng người lớn nói to, là tiếng mẹ Ly thì phải, bà đang cười vui cùng một đứa nhỏ:

- Kin giỏi quá. Lát mẹ Ly về bà nói mẹ Ly thưởng nhé.

Tôi sững người. Vậy là đã rõ. Trong lòng tôi lúc này tràn ngập nỗi buồn và sự hụt hẫng. Vụ tai nạn đã khiến tôi mất đi hai chân, mất đi tình yêu của mình. Tôi quay người rời đi, mỗi bước đều trở nên nặng nề. Tôi muốn về lại thành phố ngay lập tức chứ chẳng thiết tha gì với việc chụp hình nữa. Tôi thở dài đánh thượt. Bùa con tim vỡ vụn trong lồng ngực.

Lẽ ra tôi không nên trở lại đây. Tôi đã nghĩ mình đến chỉ để xác thực Ly còn chờ mình không, chỉ để chứng tỏ cho Ly biết là mình vẫn giữ lời hứa, dù lời hứa có muộn; tôi đã tự nhủ không trách cứ gì Ly, đã từng nhắc nhở bản thân không có quyền gì giận dỗi. Vậy mà sao giờ tôi lại thấy đau. Tôi cố đi thật nhanh để khỏi phải nghe tiếng cười khanh khách của thằng bé. Tôi tự trách mình không xin số điện thoại của ông xe ôm lúc chở tôi từ bến xe vào đây.

- Anh Kiên! Đúng anh Kiên rồi.

Tôi đứng sững lại nhưng không quay người. Rõ ràng đó là tiếng Ly. Dù mấy năm không gặp nhưng tôi vẫn nhận ra giọng em. Ly chạy đến trước mặt tôi, vui mừng ôm chầm lấy tôi. Tôi thấy đôi bờ vai em rung lên.

- Em biết thế nào anh cũng trở lại mà. Bao lâu nay sao anh không liên lạc gì với em? Em cứ tưởng…

Tôi đứng như một pho tượng, không biết nên đẩy Ly ra hay ôm chặt lấy em mà nói rằng anh đã quay lại như lời hẹn của ba năm trước. Tôi nói một câu dường như chẳng ăn nhập gì với niềm xúc động đang ngự trị trong Ly:

- Anh có việc đi qua, muốn vào chào hai bác.

Câu nói của tôi khiến Ly sửng sốt. Em buông tôi ra và nhìn chằm chằm vào tôi như để dò tìm một điều gì đó.

- Anh…?

- Em… em… À, anh phải đi rồi.

- Anh sao thế? Không phải anh về tìm em sao? Ngày đó anh đi rồi biệt tăm luôn… Hay là… Hay là… Có lẽ mọi người nói đúng. Em đã quá ngu ngốc khi tin vào một lời hẹn.

Ly nói rồi chạy một mạch về phía vườn cà phê bỏ mặc tôi đứng ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao Ly lại khóc? Lẽ ra người cảm thấy có lỗi phải là Ly chứ. Rõ ràng em đã lấy chồng có con rồi mà. Tại sao em lại giận tôi? Nhưng dù sao tôi cũng đến rồi. Với lại tôi chẳng đành lòng bỏ đi khi em đang khóc. Tôi đi đến vườn cà phê tìm em. Ly đang ngồi giữa hai hàng cà phê khóc thút thít.

Vừa nhìn thấy tôi đang đến gần, em đứng dậy bỏ đi. Cũng giống như ba năm trước, em đi trước, tôi theo sau. Nhưng lần này em không còn nhí nhảnh cười vang nữa, không vừa đi vừa cất tiếng hát trong trẻo nữa. Còn tôi cũng không giơ máy ảnh ngắm về phía em để rồi có những lúc ngẩn ngơ vì một nét nghiêng rất đẹp hay nụ cười rất duyên nữa. Giữa chúng tôi giờ đây là một khoảng im lặng đầy rẫy những băn khoăn, hoài nghi và đau khổ. Tôi cứ đi theo Ly. Đất vườn gồ ghề làm khớp chân tôi cảm thấy đau. Dù sao từ sau khi lắp chân giả, tôi chưa bao giờ đi bộ nhiều như thế này.

Ly ra khỏi vườn, đi lên con dốc chỗ có cây kơ-nia. Em ngồi dựa vào thân cây, gạt nước mắt. Chờ cho tôi ngồi xuống bên cạnh, em nói với tôi bằng một giọng bình thản lạ lùng:

- Mẹ em có ở nhà đó, anh muốn vào chào thì cứ vào. Hay sự biệt tích bao lâu khiến anh ngại ngùng. Đừng ngại, bố mẹ em vẫn tốt bụng, dễ mến như xưa.

- Anh xin lỗi vì đã không quay lại đúng hẹn. Đứa bé đó?

- Anh… Nó là con một đồng nghiệp của em đấy. Cô ấy bị ốm phải nằm viện, nhà chỉ có hai vợ chồng, anh chồng vào chăm nên em giữ giùm. Ở trường thằng bé gọi tất cả các đồng nghiệp nữ của mẹ là mẹ.

- Em vẫn chưa lấy chồng?

- Em đã hứa với anh rồi mà. Có cây kơ-nia làm chứng. Nhưng lẽ ra em nên nghe theo lời mọi người.

- Là sao?

- Mọi người nói anh hứa hẹn vậy thôi chứ đời nào quay lại làm gì. Thành phố bao nhiêu cô gái xinh đẹp, giỏi giang. Với lại, mình chỉ gặp nhau có một tuần, quá ngắn ngủi… (Ly quay nhìn tôi). Anh lấy vợ rồi chứ? Em đã cố gắng liên lạc với anh nhưng không được.

- Anh xin lỗi. Em vẫn chờ anh sao?

- Ích gì nữa đâu.

- Không. Có chứ. Anh vẫn còn yêu em và luôn nhớ… (Tôi chợt dừng lại khi nghĩ đến đôi chân không lành lặn của mình) Nhưng…

- Nhưng sao?

Tôi kéo ống quần jeans lên để cho Ly nhìn thấy đôi ống chân không phải bằng xương thịt của mình nữa. Em hoảng hốt. Chuyện gì đã xảy ra với anh? Bao lâu nay anh biệt tăm là vì cái này ư? Nước mắt Ly chan hòa. Lúc này, tôi mới có cơ hội nhìn kỹ lại khuôn mặt em. Vẫn đẹp như xưa nhưng có chút thoáng buồn.

Tôi kể cho Ly nghe tai nạn buổi chiều hôm đó. Tai nạn đã khiến tôi phải bỏ đi đôi chân của mình.

- Anh cảm thấy mình không còn xứng với em nữa, anh đã là…

Ly chẳng để tôi nói hết câu, em ôm chầm lấy tôi, đặt lên môi tôi một nụ hôn cháy bỏng. Tôi ôm em thật chặt, cảm nhận vị mằn mặn thấm qua môi mình.

Trương Thị Thúy

Sinh năm 1985, quê ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đang là giáo viên tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.


Bắt đầu sáng tác từ năm 2014, cho đến nay, Trương Thị Thúy có nhiều tản văn, truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí; từng tham gia một số cuộc thi viết và được giải, như: giải ba cuộc thi viết về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Quán Chiêu văn tổ chức năm 2020, giải Khuyến khích cuộc thi viết Vu lan - tình người trong đại dịch do Tạp chí Phật giáo tổ chức năm 2021,…



Có thể bạn quan tâm

Hòa hợp văn hóa, cùng chung chí hướng

Hòa hợp văn hóa, cùng chung chí hướng

(GLO)- 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ) hợp nhất là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển vùng Duyên hải-Tây Nguyên. Cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội…, văn hóa nghệ thuật cũng được công chúng hết sức quan tâm.

Nguyễn Nhật Ánh: Người làm vườn

Nguyễn Nhật Ánh: Người làm vườn

Tôi không phải một dịch giả chuyên nghiệp - mào đầu vậy hoàn toàn không phải để biện hộ cho những sơ suất, sai sót và thô lậu mà bất cứ ai khi chạm tay vào việc dịch nói riêng, việc chữ nghĩa nói chung, dẫu là tay thuận hay tay ngang, đều phải đối mặt và chịu trách nhiệm.

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Để chào đón thời khắc đặc biệt của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ cao cả với vai trò, vị thế là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ mà người đứng đầu hệ thống Mặt trận đã tin tưởng giao phó; kể từ tháng 7.2025, Báo Đại đoàn kết ra mắt ấn phẩm Tinh hoa Việt bộ mới.
Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

(GLO)- Nếu như Tây Bắc có “tứ đại danh đèo”: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ thì vùng duyên hải miền Trung lên đại ngàn Tây Nguyên cũng có “ngũ danh đèo”: An Khê, Phượng Hoàng, Khánh Lê, Ngoạn Mục, Violak.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Với ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống, vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Lý Thành Long đứng ra truyền dạy làn điệu dân ca, bài chòi cho nhiều học sinh tại Trường THCS Tam Quan (ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn).

Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Triển khai trong thời gian chưa tròn 1 năm, Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025 đã thu hút nhiều người yêu văn chương trong và ngoài tỉnh tham gia. Tác phẩm được gửi về không chỉ thể hiện sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh vùng đất Bình Ðịnh giàu bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử.
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Báo Bình Định tổ chức gặp mặt kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Báo Bình Định tổ chức gặp mặt kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025), ngày 21.6, Báo Bình Định tổ chức gặp mặt thân mật các thế hệ người làm báo, các cộng tác viên, thông tín viên và tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Khát vọng người Bình Định: Đột phá - vươn tầm”.

null