(GLO)- Diện tích, chất lượng rừng tự nhiên Tây Nguyên đang suy giảm, trong khi đó các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng dường như không phát huy hiệu quả. Một trong những nguyên nhân quan trọng được nêu ra là mô hình quản lý, chính sách lâm nghiệp chưa phù hợp. Đáng chú ý là các công ty lâm nghiệp đang quản lý gần 1 triệu ha, chiếm hơn 1/3 diện tích rừng của Tây Nguyên… nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Bình mới rượu cũ”
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa đang quản lý gần 17.000 ha rừng tự nhiên. Gần 20 năm kể từ khi thành lập (năm 1994) đến nay, đơn vị này đã trải qua 3 lần chuyển đổi tên gọi tương ứng với các mô hình quản lý, từ một đơn vị sự nghiệp (lâm trường quốc doanh) chuyển sang công ty nhà nước như hiện nay. Mỗi lần chuyển đổi tên gọi, mô hình quản lý được kỳ vọng là mang hiệu quả mới cho công tác quản lý, bảo vệ cũng như sản xuất, kinh doanh nguồn tài nguyên rừng, đất rừng của đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cho kết quả ngược lại, qua mỗi lần chuyển đổi tên, mô hình hoạt động là mỗi lần đánh dấu sự suy giảm về diện tích, chất lượng rừng của đơn vị.
Rừng phòng hộ Đak Đoa bị khai thác trái phép (ảnh chụp tháng 2-2012). Ảnh: C.B |
Ông Trần Ngọc Anh-Giám đốc Công ty cho rằng, việc chuyển đổi chỉ mang tính hình thức theo kiểu “bình mới rượu cũ”, tức là chỉ chuyển đổi tên gọi, còn chức năng và nhiệm vụ giữ nguyên, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc vẫn còn đó. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, dù được coi là công ty nhà nước nhưng đơn vị không có vốn hoạt động (hoạt động không đúng theo Luật Doanh nghiệp), toàn bộ kinh phí của đơn vị là sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Diện tích rừng quản lý lớn trong khi đó lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng và không tự chủ được kinh phí dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ hết sức khó khăn. Rừng trên lâm phần của đơn vị quản lý từng ngày bị xâm hại.
Khó khăn chung
Khó khăn của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa cũng là khó khăn chung của 56 công ty lâm nghiệp đang quản lý gần 1 triệu ha, chiếm hơn 1/3 diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên. Các công ty này không có đủ các yếu tố của một công ty nhà nước như vốn, nhân lực, quản trị... do đó hoạt động không đúng theo Luật Doanh nghiệp. Tư cách pháp lý chưa rõ ràng và cũng chưa đơn vị nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cho nên, ngay cả việc vay vốn để trồng rừng đã là không khả thi, việc đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến, phát triển rừng càng trở nên xa vời.
Khó khăn càng chồng chất khi cuối năm 2012, Chính phủ có chủ trương tạm dừng khai thác rừng tự nhiên trên toàn quốc, kéo theo nguồn thu chủ yếu của các đơn vị này không còn. Nhiều đơn vị hiện không còn nguồn để chi trả tiền lương cho nhân viên. Một số đơn vị chủ động đề xuất liên doanh, liên kết với tư nhân để trồng rừng, trồng cao su. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, đây là hình thức hợp thức hóa tài sản nhà nước cho tư nhân, cho nên tỉnh kiên quyết không cho triển khai, vấn đề là phải tìm ra mô hình quản lý phù hợp cho các công ty này.
Liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, là chủ rừng nhưng các công ty lâm nghiệp không có quyền kiểm tra, kiểm soát hay tạm giữ đối tượng phá rừng trên lâm phần quản lý. Các nhân viên công ty lâm nghiệp không có trang phục, phương tiện, thiết bị và các công cụ cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Từ đó, dẫn đến tình trạng tự bảo vệ mình trước các đối tượng phá rừng đã rất khó, chưa nói đến việc bảo vệ rừng. Và thực tế, ở Tây Nguyên trong những năm qua liên tiếp xảy ra các vụ lâm tặc hành hung, gây thương tích đối với nhân viên của các công ty lâm nghiệp.
Hướng đi nào?
Tình trạng mất rừng và sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp sao cho hiệu quả từ lâu đã trở thành vấn đề cấp thiết. Vì vậy, ngay sau chuyến công tác đầu tháng 3-2013 của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại một số tỉnh Tây Nguyên, đến giữa tháng 3 vấn đề này tiếp tục được đề cập trong Hội nghị lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.
Theo đó, thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp thích hợp cho vấn đề công ty lâm nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển đổi các công ty lâm nghiệp thành các ban quản lý rừng-một đơn vị sự nghiệp hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với các công ty lâm nghiệp có thể kinh doanh dựa vào trồng rừng thì nên giữ lại. Đồng thời, khi chuyển đổi công ty lâm nghiệp thành ban quản lý rừng thì cần tính đến việc bổ sung quyền, lực lượng, phương tiện và thiết bị cần thiết cho các ban quản lý để thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn.
“Việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp nhà nước chúng ta nhìn thấy hai hình thức. Đối với các công ty lâm nghiệp mà đã có rừng sản xuất, làm kinh tế được, những mô hình nào còn tồn tại được, tự trang trải kinh phí được thì để tồn tại. Còn những mô hình nào không tồn tại được thì chuyển thành ban quản lý sự nghiệp có thu. Đấy là việc trong thời gian tới chúng ta tiếp tục phải nghiên cứu để đề xuất giải pháp để khắc phục”-Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về vấn đề lâm nghiệp tháng 3 vừa qua.
Công Bắc