Lo vỡ tiến độ cao tốc Bắc - Nam vì 'tắc' giải phóng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chậm nhất tháng 6, các địa phương phải bàn giao mặt bằng để tháng 8 có thể khởi công các dự án cao tốc Bắc - Nam, song tính đến giữa tháng 4 mới đủ điều kiện bàn giao 457,42 km/653,61 km, đạt 70%.
 

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong số ít dự án đạt tỷ lệ GPMB cao - Ảnh Đình Quang
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong số ít dự án đạt tỷ lệ GPMB cao - Ảnh Đình Quang



Giải phóng mặt bằng chậm...

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 12.401 tỉ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835 ha; tái định cư khoảng 3.690 hộ dân; và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đáng chú ý, tính đến giữa tháng 4, các địa phương mới chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng là 457,42 km/653,61 km, đạt 70%.

Một số địa phương tỷ lệ GPMB rất thấp, như Ninh Bình có 2 dự án (Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - quốc lộ 45) với tổng chiều dài 24,5 km, trong đó mới GPMB 11,77/24,5 km, đạt bình quân 48%, riêng dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 thậm chí mới GPMB được 25,7%.

Tương tự, tỉnh Thanh Hoá có 3 dự án đi qua với tổng chiều dài 98,7 km, tỷ lệ GPMB bình quân đạt 61,8% (61/98,7 km), song có dự án tỷ lệ đạt rất thấp như đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu qua tỉnh Thanh Hoá dài 6,5 km, nhưng mới GPMB được 2 km, đạt 30,8%.

Đặc biệt, Khánh Hoà là địa phương “bê bết” nhất trong công tác GPMB. Với 2 dự án trên địa bàn tỉnh (Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) có tổng chiều dài 54,1 km, nhưng tỉnh này mới GPMB được 8,4 km, đạt 15,5%. Trong đó, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn qua tỉnh Khánh Hoà dài 5 km, thậm chí còn chưa GPMB.

Tỉnh Đồng Nai hiện cũng mới GPMB được 20,4 km trên tổng số 51,33 km của dự án Phan Thiết - Dầu Giây, đạt 39,7%.


Tổng số khu tái định cư của các địa phương là 114 khu, song tới nay các tỉnh mới phê duyệt được 36 khu tái định cư, trong đó, đang triển khai xây dựng 35 khu, còn lại vẫn đang trong quá trình khảo sát, thiết kế, trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế.

... Nhưng chi phí lại tăng vọt

Đáng chú ý, dù GPMB chậm chạp, nhưng hiện nay ở một số địa phương, kinh phí GPMB thực tế tăng vượt tổng mức ban đầu được duyệt (bao gồm cả chi phí dự phòng).

Đơn cử, dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 chi phí tăng khoảng 305 tỉ; dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn tăng khoảng 541 tỉ; dự án Nghi Sơn - Diễn Châu tăng khoảng 443 tỉ; dự án Diễn Châu - Bãi Vọt tăng khoảng 390 tỉ; dự án Cam Lộ - La Sơn tăng khoảng 190 tỉ....

Bộ GTVT cho biết đã có Văn bản số 3093/BGTVT-CQLXD ngày 1.4 gửi các ban quản lý dự án yêu cầu khẩn trương kiểm tra, rà soát kinh phí GPMB tại các địa phương, báo cáo ngay về Bộ để xem xét xử lý vấn đề này, đảm bảo đủ kinh phí, kịp thời phục vụ công tác GPMB.

Bộ này cũng yêu cầu các ban quản lý khẩn trương rà soát, làm việc trực tiếp với các địa phương tổng hợp báo cáo Bộ số liệu cụ thể vào cuối tháng 4 này.

Cũng theo Bộ GTVT, theo kế hoạch, các tỉnh sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành GPMB vào quý 2/2020. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp; bồi thường đất ở đang ở giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt.

Một số địa phương thậm chí chưa thi công xây dựng khu tái định cư như: Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang. Khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất lớn, hiện mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời.

“Việc xây dựng khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật là hết sức quan trọng, là “đường găng” quyết định tiến độ GPMB phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao (khoảng 30%) của dự án. Vì vậy, nếu các địa phương, các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ trong quý 2 năm nay”, báo cáo nêu rõ.

Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh rà soát, xây dựng tiến độ chi tiết triển khai thực hiện hoàn thành các khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại và kế hoạch giải ngân theo tháng, đáp ứng tiến độ cơ bản hoàn thành trong tháng 6 tới; bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước tháng 8.2020.

 

Theo Mai Hà (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.