Liệu có 'nới lỏng' dạy thêm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Không ít ý kiến tỏ ra lo ngại khi một số lệnh cấm dạy thêm, học thêm được gỡ bỏ tại dự thảo quy định mới về vấn đề này mà Bộ GD-ĐT mới công bố.

Dư luận đang hy vọng cùng với đổi mới chương trình giáo dục, thi cử, lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương; vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan lâu nay sẽ được "điều trị" hiệu quả.

Thế nhưng trong bối cảnh ấy, dự thảo quy định về dạy thêm được công bố lại khiến nhiều người cảm thấy khá hụt hẫng với câu hỏi: Phải chăng đang có xu hướng nới lỏng trong quản lý dạy thêm sau thời gian dài cấm nhưng không quản được?

Điển hình trong băn khoăn đó là dự thảo không cấm giáo viên dạy thêm học sinh mà mình đang trực tiếp dạy học trong nhà trường. Giáo viên cũng không cần phải xin phép hiệu trưởng như trước mà chỉ báo cáo.

Liệu điều này có khiến học sinh lại rơi vào cảnh vừa phải học thêm giáo viên của mình, vừa phải tìm người thầy thực sự phù hợp, giỏi nghề?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về việc liệu Bộ GD-ĐT có chủ trương "nới lỏng" quản lý dạy thêm hay không, đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo này khẳng định: Nghe qua có vẻ "lỏng", nhưng thực chất là hướng tới việc quản lý khả thi, minh bạch hơn. "Khi xây dựng dự thảo, điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học", vị này nói.

Dù vậy, những nội dung tại dự thảo vừa công bố chưa thể hiện rõ cơ chế giám sát cũng như các thông tin đòi hỏi sự minh bạch hơn trong hoạt động dạy thêm.

Chính vì vậy, tiếp cận với dự thảo, nhiều nhà giáo băn khoăn, lo ngại. Chẳng hạn dự thảo không đề cập giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập có được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tham gia dạy thêm ngoài nhà trường hay không?

Còn tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng một trường THPT ở Lâm Đồng, chia sẻ: "Trong tôi đau đáu, liệu dự thảo thông tư quy định dạy thêm, học thêm có làm "bùng nổ" dạy thêm, học thêm, mờ đi hình ảnh cao đẹp của nhà giáo, làm yếu mối quan hệ trong sáng, mực thước giữa thầy với trò, giữa giáo viên với giáo viên, giữa phụ huynh với giáo viên?".

Mới đây, Bộ Chính trị đã yêu cầu thực hiện chủ trương lương nhà giáo cao nhất. Đón nhận thông tin này, bạn đọc đồng loạt gửi ý kiến đồng tình nhưng cũng bày tỏ mong muốn rất lớn, đó là khi có thu nhập đủ sống, nhà giáo sẽ thêm tâm huyết với nghề và không tìm cách dạy thêm và ép học sinh của mình học thêm như hiện nay nữa.

Với ngành giáo dục, người dân có quyền đòi hỏi, cải tiến, thay đổi thế nào cũng theo hướng để học sinh yên tâm học trên lớp, học chính khóa là đủ; chứ không phải mở ra nhiều "dư địa" hơn cho dạy thêm, học thêm.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ý thức rõ trước thiên tai

Ý thức rõ trước thiên tai

Có thể nói, đến chiều qua, mọi công tác ứng phó với cơn bão số 3 gần như đã hoàn tất. Sự chủ động được phát đi từ trung ương, địa phương và cụ thể từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Nghịch lý không vô lý

Nghịch lý không vô lý

Khách tăng vọt nhưng khách sạn, nhà hàng vẫn lỗ; các công ty lữ hành, hàng không vẫn khó... Nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại không hề vô lý, thậm chí cũng không có gì mới mẻ. Thực chất bao năm qua, ngành du lịch nói riêng và nhiều ngành khác vẫn đứng trước câu hỏi, chất hay lượng?
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Triển vọng rõ ràng

Triển vọng rõ ràng

Bên lề hội nghị Fitch On Vietnam 2024 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, người viết đã có cuộc phỏng vấn các quản lý khu vực của Hãng đánh giá tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings.