Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2019: Ai lo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc nên hay không nên tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2019 đến nay vẫn chưa được thống nhất của ngành chức năng và địa phương liên quan. Giữa lúc chính quyền địa phương, ngành Du lịch vẫn còn đang họp bàn phương án thì người dân đã... san phẳng con đường dẫn lên núi để trồng hoa màu.
Để phục vụ cho người dân và du khách lên núi dễ dàng, đồng thời hạn chế tình trạng giẫm đạp làm hư hại hoa màu của bà con, Ban tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 đã làm một con đường từ chân núi lên đỉnh núi, trồng dã quỳ dọc đường. Cung đường được quy hoạch hợp lý, dễ leo, không còn là thách thức với du khách. Thế nhưng chỉ sau mùa lễ hội (tháng 11-2018), đến nay, con đường đã bị san phẳng lấy đất trồng hoa màu. Mới đây, khi tham quan núi lửa Chư Đăng Ya, một vài du khách bày tỏ sự thất vọng khi gặp khó khăn trong việc tìm đường lên núi. Các du khách cho rằng, nếu không có đường, việc giẫm lên hoa màu của người dân là khó tránh khỏi.
Con đường dẫn lên núi lửa Chư Đăng Ya đã bị người dân san phẳng để trồng hoa màu.
Con đường dẫn lên núi lửa Chư Đăng Ya đã bị người dân san phẳng để trồng hoa màu.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, để làm được con đường lên núi trong dịp lễ hội hoa năm 2018, chính quyền xã đã vất vả vận động bà con có đất trồng hoa màu hiến một phần để tạo lối đi. Con đường có tổng chiều dài hơn 1 km dẫn lên đỉnh núi lửa hoàn thành dưới sự giúp sức của một đơn vị bộ đội, hai bên trồng thêm dã quỳ. Nếu không có gì thay đổi, năm nay dã quỳ sẽ bén rễ, nở hoa, tạo nên một con đường hoa dẫn lên đỉnh núi cho du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng. Thế nhưng, con đường hoa chưa kịp thành hình thì đã bị san lấp, thay bằng hoa màu. Ông Thuận cho biết: “Đất đai trên núi người dân đã canh tác lâu đời, khi vận động hiến đất làm đường bà con rất sẵn sàng, nhưng người dân lại không được biết rõ là hiến đất vĩnh viễn hay chỉ là nhường đất tạm thời để hình thành con đường lên núi trong khi diễn ra lễ hội. Vì vậy, sau khi lễ hội kết thúc, hộ có đất lại quay về sản xuất như cũ”.
Ông Thuận cho biết thêm, đến thời điểm này, xã vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc có tiếp tục tổ chức lễ hội tại địa phương năm 2019 hay không. “Nếu có phương án tổ chức và thông báo sớm thì chúng tôi có cơ sở để vận động người dân chừa lại con đường. Nhưng vì không có phản hồi nên người dân quay lại hoạt động sản xuất như bình thường”-ông Thuận nói. Cũng theo ông Thuận, nếu có phương án tổ chức lễ hội năm nay, chính quyền xã tiếp tục vận động người dân hiến đất làm đường như năm ngoái. Tuy là trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng cần tính toán để hỗ trợ cho người dân đỡ thiệt thòi.
Về việc có hay không tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2019, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Đầu năm nay, UBND huyện Chư Pah có chủ trương không tổ chức, mà sẽ duy trì lễ hội này 2 năm một lần, tức đến năm 2020 mới tổ chức lần thứ 3. Tuy nhiên, đây là lễ hội mang lại hiệu ứng tích cực đối với ngành Du lịch của tỉnh, sau 2 lần tổ chức đã dần khẳng định được thương hiệu cần thiết của một lễ hội hoa nơi đây. Nếu không duy trì thường niên và nâng tầm để thu hút khách du lịch thì rất đáng tiếc. Hơn nữa, năm 2019, tỉnh ta không có nhiều sự kiện văn hóa-du lịch như 2018. Vì vậy, duy trì lễ hội để góp phần kích cầu du lịch. “Về phía ngành Du lịch, chúng tôi khuyến khích huyện tổ chức và sẽ hỗ trợ quảng bá cùng một số nội dung trong chức năng, quyền hạn. Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi xã hội hóa tổ chức lễ hội, chia sẻ bớt gánh nặng với huyện. Phải làm mọi cách để duy trì lễ hội, thu hút du khách, từ đó kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch”-ông Hoàng nói.
 
Trong một diễn biến mới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa tổ chức họp bàn phương án tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2019. Theo gợi ý của ngành Du lịch, Hội Doanh nhân trẻ sẽ phối hợp với huyện Chư Pah đứng ra tổ chức để san sẻ khối lượng công việc, tính toán kinh phí phù hợp. “Ngành Du lịch cố gắng kết nối để lễ hội sẽ vẫn diễn ra vì không dễ để có sản phẩm thu hút khách du lịch về cho tỉnh như vậy. Chúng tôi cố gắng tìm giải pháp khả thi nhất, phân công trách nhiệm cho các công ty lữ hành, Hội Doanh nhân, địa phương để phối hợp tổ chức lễ hội hoa ngày càng hấp dẫn hơn nữa”-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết thêm.
Qua sự việc này cho thấy, sự “khủng hoảng” trong “ván bài” kế hoạch hoạt động nói riêng và chiến lược phát triển du lịch nói chung của ngành Du lịch tỉnh nhà cũng như với các địa phương sẵn có tiềm năng. Nếu có kế hoạch rõ ràng thì đến thời điểm này, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2019 đã có thể xúc tiến được nhiều phần việc cần thiết và đã có thể trở thành sản phẩm được các đơn vị lữ hành chào bán, gọi mời du khách. 
 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Du lịch Việt Nam vượt qua Singapore

Du lịch Việt Nam vượt qua Singapore

Nhiều trang tin thế giới vừa đồng loạt đánh giá Việt Nam đã vượt qua Singapore để trở thành điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất, hấp dẫn hàng đầu ở Đông Nam Á nhờ chính sách thị thực hấp dẫn, liên tục mở rộng các đường bay thẳng và ngày càng có nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng.

Thác Ông Bà reo ca giữa rừng xanh

E-magazineThác Ông Bà reo ca giữa rừng xanh

(GLO)- Xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) vốn được biết đến là vùng đất đa sắc màu văn hóa. Ngoài người Bahnar bản địa, Ya Hội còn có một số dân tộc phía Bắc. Đến thăm Ya Hội, du khách được trải nghiệm bên những con thác, dòng suối thơ mộng ẩn mình giữa núi non hùng vĩ. Và thác Ông Bà là một trong số đó.

Đi đâu, chơi gì 3 ngày nghỉ dịp giỗ Tổ Hùng Vương?

Đi đâu, chơi gì 3 ngày nghỉ dịp giỗ Tổ Hùng Vương?

Từ những chuyến khám phá thành phố sôi động và nghỉ dưỡng tại các bãi biển thư giãn, cho đến trải nghiệm văn hóa và du ngoạn vùng quê yên bình, du khách Việt đang tích cực tìm kiếm các điểm đến để tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, từ ngày 8-10/3 âm lịch (tức từ ngày 5-7/4 dương lịch).

Du lịch chiến trường xưa

Du lịch chiến trường xưa

(GLO)- Cuối tháng 2 vừa qua, một cựu binh Mỹ đưa gia đình quay lại thăm nơi ông từng đóng quân trong Chiến dịch Plei Me, thung lũng Ia Drăng và một số địa danh khác trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.