Cuộc cách mạng ấy chính là chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng.

Đây được coi là bước đi cần thiết nhằm “gọt giũa” bộ máy hành chính nhà nước khỏi sự cồng kềnh, chồng lấn nhiệm vụ, kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực. Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, năng lực làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, đưa đất nước phát triển vượt bậc, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Với bản chất Nhà nước Việt Nam là của dân, do dân, vì dân, trước khi tiến hành các chủ trương mang tính cách mạng nêu trên, Quốc hội khóa XV đang tiến hành lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong việc kiến tạo một nền quản trị quốc gia hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân.
Vì vậy, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân về nội dung được sửa đổi, bổ sung là minh chứng rõ nét nhất trong việc tôn trọng ý kiến, đặt người dân ở vị trí chủ thể, trung tâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: “Việc sửa đổi Hiến pháp phải bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật, đồng thời phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của Nhân dân”.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Các cơ quan theo nhiệm vụ phân công cần làm tốt công tác tổng hợp ý kiến của người dân, đảm bảo ghi nhận đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp theo đúng phạm vi, nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013; tăng cường công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng.
Thực tế, các thế lực phản động vẫn luôn lợi dụng để chống phá, xuyên tạc hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta. Lần này cũng vậy, chúng liên tục tung ra các luận điệu sai trái, cho rằng việc lấy ý kiến chỉ là hành động mị dân, mục đích cuối cùng chỉ là để củng cố quyền lực của Đảng chứ không phải phục vụ Nhân dân. Mặc dù các luận điệu này rất dễ nhận diện song vẫn rất cần cảnh giác, đề phòng nhằm tránh gây nhiễu loạn thông tin trong dư luận.
Triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, UBND tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đẩy mạnh tuyên truyền. Trong đó, các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan báo chí truyền thông cần tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, mục đích của việc lấy ý kiến của Nhân dân, phải đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch.
Cùng với đó, nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động hòng lợi dụng xuyên tạc, phá hoại.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu cần phải đa dạng các hình thức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tùy vào đối tượng có thể tổ chức các hội nghị lấy ý kiến trực tiếp hoặc tiếp nhận qua ứng dụng VNeID, bằng văn bản đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang tính quyết định đến sự thay đổi toàn diện của đất nước trong thời gian tới. Người dân đang được đặt ở vị trí trung tâm của cuộc “trưng cầu dân ý” lần này, là lực lượng có vai trò quyết định đến nội dung sửa đổi, bổ sung.
Do đó, mỗi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia ý kiến, sàng lọc thông tin để đóng góp những ý kiến trách nhiệm, chất lượng.
Tất cả nhằm mục đích cuối cùng là hoàn thiện Hiến pháp mới, thể hiện được “ý Đảng, lòng dân”, mở ra một giai đoạn phát triển vượt bậc của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Gia Lai: Lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
