(GLO)- Những năm qua, mô hình “Làng tự quản gắn với chốt an ninh trật tự” không chỉ góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn huyện Kông Chro mà còn nâng cao được ý thức tự giác trong phát hiện, tố giác tội phạm của người dân.
Huyện Kông Chro có hơn 51 ngàn người, trong đó dân tộc Bahnar chiếm hơn 70%, phân bố chủ yếu ở 92/114 thôn, làng. Các thôn, làng này thường nằm rải rác, được bao bọc bởi núi rừng, sông suối, cách xa trung tâm xã, huyện. Chính vì vậy, trước đây, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng đột nhập để trộm gia súc, gia cầm cùng các tài sản có giá trị khác của người dân nhưng việc phát hiện, trình báo chậm khiến cơ quan Công an gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc. Bên cạnh đó, do dân cư phân bố rải rác, cách biệt nên những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống của người dân cũng chưa được chính quyền cơ sở nắm bắt kịp thời, dẫn đến nhiều vụ việc trở nên phức tạp.
Tổ tự quản làng Rơng (xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Ảnh: L.A |
Trước tình hình đó, năm 2013, Công an huyện Kông Chro đã nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm huyện thực hiện mô hình “Làng tự quản gắn với chốt an ninh trật tự”. Mô hình này dựa trên cơ sở đặc điểm dân cư, phong tục tập quán của người dân để tổ chức xây dựng và thực hiện. Theo đó, tại mỗi thôn, làng, dưới sự chủ trì của Bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng và các tổ chức đoàn thể sẽ tổ chức họp bàn và đề xuất ý kiến, giải pháp bổ sung để xây dựng mô hình cho phù hợp với tình hình.
Sau đó, mỗi thôn, làng chọn ra một tổ tự quản từ 25 đến 30 người với nòng cốt là lực lượng thanh niên. Sau khi tổ tự quản được thành lập, một công an viên sẽ được phân làm tổ trưởng, trưởng thôn làm tổ phó. Hàng đêm, tổ tự quản phân 3-5 người gác tại các chốt an ninh hoặc tuần tra kiểm soát người và phương tiện ra vào làng. Khi xảy ra vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, tổ tự quản sẽ đánh chiêng huy động dân làng truy bắt đối tượng nghi vấn hoặc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, các chốt an ninh trật tự và các tổ tự quản cũng là nơi tiếp nhận tin báo, tình hình liên quan đến các loại tội phạm hoạt động tại thôn, làng để báo cáo nhanh về Công an xã, huyện cử lực lượng phối hợp xử lý.
Thượng tá Nguyễn Thành Sơn-Phó Trưởng Công an huyện Kông Chro: “Từ khi được triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả cao, kiềm chế được hoạt động của các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Sở dĩ mô hình này mang lại hiệu ứng tích cực và được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia là vì có nhiều nội dung hòa nhập, gắn kết được với các phong trào khác của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, trở thành phong trào tự giác trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư”. |
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện mô hình “Làng tự quản gắn với chốt an ninh trật tự”, đến nay, toàn huyện đã có 11 chốt an ninh trật tự chốt chặn ở các vị trí trọng yếu, các tuyến đường nối giữa thôn, làng để sẵn sàng hỗ trợ kịp thời khi có các thông tin liên quan đến tội phạm từ 92 tổ tự quản (2.760 thành viên). Qua đó, các tổ tự quản đã phát hiện 31 vụ phạm pháp, bắt giữ 52 đối tượng, trong đó có 18 vụ với 20 đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản trên địa bàn giao cho Công an xử lý. Ngoài ra, các tổ tự quản cũng đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị giúp lực lượng Công an kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn. Với những thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống tội phạm, trong 5 năm qua, đã có 10 tập thể, 26 cá nhân tham gia mô hình được các cấp, các ngành khen thưởng.
Lê Anh