Lắng nghe để biết trẻ em cần gì!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã thành thông lệ, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 năm nay, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã tham dự buổi tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với đại diện trẻ em trong toàn tỉnh. Buổi tiếp xúc, đối thoại được cho là rất thành công khi một số vấn đề bức xúc liên quan đến trẻ em được các vị đại biểu HĐND tỉnh lắng nghe một cách cầu thị, giải đáp thỏa đáng và đưa ra hướng giải quyết cụ thể, thiết thực.
“Lắng nghe trẻ em nói” là một trong những thông điệp rất có ý nghĩa trong Tháng Hành động vì trẻ em.  (ảnh internet)
“Lắng nghe trẻ em nói” là một trong những thông điệp rất có ý nghĩa trong Tháng Hành động vì trẻ em. (ảnh internet)
Trước đó, đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai cũng đã có những buổi tiếp xúc, đối thoại cởi mở với đại diện trẻ em tại địa phương. Tại các buổi đối thoại, trẻ em đã nêu lên hàng loạt vấn đề “nóng” hiện nay như: trẻ em và mạng xã hội; thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em đang diễn biến phức tạp; hoạt động dạy thêm-học thêm vẫn diễn ra khá phổ biến; day dứt nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em ngày càng gia tăng…
Thành công mang lại từ các buổi tiếp xúc, đối thoại là trẻ em có dịp trao đổi ý kiến, kiến nghị cũng như bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước đại diện cơ quan quyền lực ở địa phương. Ở chiều ngược lại, các vị đại biểu dân cử có điều kiện tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến phản hồi từ trẻ em. “Quả ngọt” từ cả hai chiều đối thoại là HĐND các địa phương phát hiện ra những hạn chế, bất cập trong hoạch định chính sách cũng như việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em. Trên cơ sở nhận diện “lỗ hổng” trong thực thi chính sách, lãnh đạo các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Có thể khẳng định, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với trẻ em không chỉ phù hợp với các quy định của Luật Trẻ em mà còn là hoạt động mang đậm tinh thần dân chủ và nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, trong quá trình tiếp xúc, các bên đối thoại phải được đặt ngang nhau, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Các vị đại biểu HĐND với tư cách là đại diện cho cơ quan hoạch định và giám sát việc thực thi chính sách phải thật sự cầu thị, phải lắng nghe trẻ em nói. Cùng với đó, các đại biểu cho trẻ em ở địa phương cũng phải có sự tích hợp, am hiểu và mạnh dạn đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến thế hệ, lứa tuổi của mình.  
“Lắng nghe trẻ em nói” là một trong những thông điệp rất có ý nghĩa trong Tháng Hành động vì trẻ em. Vì vậy, theo chúng tôi, việc chỉ có đại biểu Quốc hội và HĐND tiếp xúc với trẻ em là chưa đủ. Muốn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, tất cả các ngành, các cấp đều phải biết “lắng nghe trẻ em nói”. Với trường học, muốn dạy tốt-học tốt thì ban giám hiệu và các thầy-cô giáo phải tiếp xúc, đối thoại với học sinh. Tương tự, trong gia đình, muốn nuôi dạy con tốt, cha mẹ cũng phải lắng nghe những ý kiến phản hồi từ con cái, phải đối thoại với các con, thậm chí đôi khi phải là người bạn để con cái chia sẻ những điều nhạy cảm trong cuộc sống.
Tiếp xúc, đối thoại với trẻ em là vấn đề không mới, nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Hãy tiếp xúc, đối thoại để biết trẻ em đang được và mất những gì, khi đó tất sẽ rút ra vấn đề cốt lõi: Trẻ em đang cần gì!
 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Hòa bình

Hòa bình

(GLO)- Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy vì hòa bình là khát vọng muôn thuở, khát vọng ngàn đời của con người. Nó là mục tiêu, là ý chí, là giá trị vĩnh hằng mà con người hướng tới, mơ tới, nghĩ về và luôn luôn muốn nó là hiện thực.

Thành quả lịch sử

Thành quả lịch sử

Trước năm 1975 đúng 200 năm, vào năm 1775, sử gia Ngô Thì Sĩ (1726-1780) hoàn thành tác phẩm Việt Sử Tiêu Án, viết về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn Lê Lợi chiến thắng quân Minh.
Giữ hòa bình trường tồn

Giữ hòa bình trường tồn

Ngày chị Đặng Thùy Trâm còn dốc lòng cứu chữa thương binh, bệnh binh, người dân Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị đau ốm, chị đã âm thầm viết hai quyển nhật ký. 35 năm sau khi chị Trâm hy sinh, hai quyển sổ ghi nhật ký của chị từ đất Mỹ đã trở về với đất Việt và người Việt.
Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.