Lan tỏa yêu thương từ mô hình “mẹ đỡ đầu” ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mô hình “mẹ đỡ đầu” do các cấp Hội phụ nữ huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) triển khai đã trở thành điểm tựa giúp nhiều trẻ em kém may mắn có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống.

z5924468857552-daf0279031df9a19355cd73654f32c30-3529.jpg
Hội LHPN huyện Krông Pa trao quà cho trẻ mồ côi do Huyện Hội nhận đỡ đầu. Ảnh: Vũ Chi

Sẻ chia yêu thương

Ngày cuối tuần, tạm gác công việc gia đình, chị Ksor H’Druin-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Chư Drăng xuống buôn Chư Krik thăm “con nuôi” là Ksor Thai (SN 2011).

Nghe chia sẻ về hoàn cảnh của Thai, nhiều người không cầm được nước mắt. Mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi, lên 6 tuổi cha em cũng qua đời vì bạo bệnh. Chị em Thai sống nương tựa bà ngoại. Nhưng ngoại đã già yếu, không đủ sức lao động nuôi 2 chị em nên Thai có ý định nghỉ học. Nắm được hoàn cảnh gia đình em, Hội LHPN xã nhận đỡ đầu, giúp đỡ thường xuyên cho em. Nhờ vậy, em dần xóa bỏ được mặc cảm, tự ti. Niềm vui, nụ cười xuất hiện trở lại trên khuôn mặt cậu học trò nhỏ.

Bà Ksor H’Rung (bà ngoại Thai) xúc động nói: “Thương cháu mồ côi nhưng vì tuổi cao, sức yếu, tôi không giúp được gì nhiều. May mắn các cháu được Hội LHPN xã nhận làm con nuôi. Đầu năm học mới, Hội đến tặng sách vở, quần áo mới, đồ dùng học tập và một số nhu yếu phẩm. Nhìn cháu xúng xính trong bộ quần áo mới tiếp tục tới trường, tôi mừng rơi nước mắt”.

Chia sẻ về lý do nhận Thai làm con nuôi, chị H’Druint trải lòng: Là người phụ nữ, người mẹ, tôi thấu hiểu những mất mát, khó khăn mà chị em Thai đang phải trải qua. Với tôi, làm mẹ đỡ đầu không chỉ đơn giản là mang tiền đến cho các con hàng tháng để bữa cơm có thêm con cá, miếng thịt mà phải thực sự trở thành người bạn đồng hành, chia sẻ vui buồn cùng con trong cuộc sống. Nhìn thấy con trưởng thành từng ngày, từ đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, trở nên tự tin hơn, thành tích học tập tốt hơn là niềm hạnh phúc lớn nhất của người làm mẹ”.

Một câu chuyện cảm động khác là em Ksor Tim (SN 2014, buôn Bhă Nga, xã Ia Rmok). Cha không may qua đời vì tai nạn giao thông, mặc dù cố gắng gồng gánh nhưng một mình mẹ chẳng thể nào cho 3 chị em Tim có được cuộc sống đủ đầy. Bữa cơm của gia đình thường chỉ có chén lá mì với con cá khô. Ở cái tuổi lẽ ra vẫn được cha mẹ bao bọc, yêu thương, Tim đã làm được nhiều việc phụ mẹ, từ trỉa bắp, trồng mì, lo cho các em. Thương cậu bé mồ côi cha hiếu thảo, từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN xã Ia Rmok nhận em làm con nuôi.

xa-chu-drang-to-chuc-hoi-thi-cam-hoa-giao-luu-giua-me-va-con-do-dau-nham-that-chat-tinh-cam-giup-tre-mo-coi-tu-tin-vuon-len-trong-cuoc-song-anh-vu-chi-187.jpg
Xã Chư Drăng tổ chức Hội thi cắm hoa giao lưu giữa mẹ và con đỡ đầu nhằm thắt chặt tình cảm, giúp trẻ mồ côi tự tin, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Vũ Chi

Định kỳ các ngày lễ, Tết, Hội LHPN xã trích kinh phí mua quà, đến thăm hỏi, hướng dẫn Tim cùng 2 em cách thức học tập. Đặc biệt, vừa qua, Hội đã tặng em một con bò sinh sản làm sinh kế và hướng dẫn mẹ em làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất.

Tim bộc bạch: “Con rất hạnh phúc vì có thêm người mẹ thứ 2. Có mẹ, anh em con có quần áo mới, sách vở mới đi học, có bánh kẹo ngon để ăn. Sau mỗi buổi học, con cùng em đi chăn con bò do mẹ hỗ trợ. Con sẽ cố gắng học tập thật giỏi để các mẹ vui lòng”.

Lan tỏa mô hình

Xã Ia Rmok hiện có 42 trẻ mồ côi. Triển khai chương trình “mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các chi hội rà soát, xác định các trường hợp trẻ mồ côi khó khăn cần được giúp đỡ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, Hội cũng kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ, chia sẻ yêu thương, giúp các em mồ côi có môi trường phát triển phù hợp nhất.

Chị Nguyễn Thị Ly Na-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rmok-cho hay: Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi và phối hợp với Công đoàn 3 đơn vị trường học tại xã hưởng ứng nhận đỡ đầu 135 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trong đó có 27 trẻ mồ côi và 1 trẻ khuyết tật. Hàng năm, thông qua các nguồn lực, Hội thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, trao quà trị giá 45 triệu đồng tiếp sức các em có thêm điều kiện đến trường và là chỗ dựa vững chắc cho các em trên con đường tương lai.

voi-vai-tro-la-me-do-dau-hoi-lhpn-xa-ia-rmok-thuong-xuyen-den-tham-trao-qua-cho-em-ksor-tim-buon-bha-nga-anh-vu-chi-4291.jpg
Với vai trò là mẹ đỡ đầu, Hội LHPN xã Ia Rmok thường xuyên đến thăm, trao quà cho em Ksor Tim (buôn Bhă Nga). Ảnh: Vũ Chi

Sau 3 năm triển khai, mô hình “mẹ đỡ đầu” đã tạo được sức lan tỏa trong các cấp Hội phụ nữ ở huyện Krông Pa. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phan Thị Chương-cho biết: Từ 21 cháu đầu tiên, đến nay, các tổ chức cơ sở Hội trong toàn huyện đã nhận đỡ đầu trực tiếp 36 cháu; trong đó Hội LHPN huyện nhận đỡ đầu 4 cháu. Với tình thương và trách nhiệm, các mẹ đỡ đầu không chỉ hỗ trợ các con về vật chất mà luôn động viên các con về mặt tinh thần, hướng dẫn các con học bài, biết tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, biết làm việc nhà phụ giúp gia đình.

Nhờ sự chăm sóc và yêu thương từ những mẹ đỡ đầu, nhiều trẻ mồ côi đã dần vượt qua cú sốc mất mát, tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống cũng như tiến bộ rõ rệt trong học tập. Bên cạnh đó, thông qua kết nối với các Mạnh Thường Quân, các mẹ đỡ đầu còn hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho các em sau khi nghỉ học.

Thông thường, các mô hình mẹ đỡ đầu đều nhận hỗ trợ các em đến năm 18 tuổi. Tuy nhiên, nếu gia đình các em khá giả hơn hay các em bỏ học giữa chừng, mô hình sẽ dừng lại để nhường sự hỗ trợ cho các em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn hơn.

“Hiện toàn huyện có hơn 300 trẻ mồ côi và hàng nghìn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ. Vì vậy thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ, chúng tôi mong chương trình tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để lan tỏa tình yêu thương giúp thêm nhiều trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức, vươn lên trong cuộc sống”-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.