Như anh em một nhà
Tôi nhớ, có lúc cơ quan chỉ có chưa đầy 50 người, mỗi người có thể làm đôi ba việc hoặc 2-3 người làm một việc. Chúng tôi có thể là giao liên, công vụ, anh chị nuôi, hậu cần mang cõng lương thực thực phẩm, may vá, văn thư đánh máy, ghi tin chậm, in truyền đơn, viết khẩu hiệu. Đêm về, tập trung sinh hoạt chi đoàn, tập hát, tập đàn, thổi sáo.
Thương yêu nhất là các chị, các cô chân yếu tay mềm mà chẳng ngại gian lao, chẳng sợ hy sinh. Trong rừng sâu cũng như ngoài tiền tuyến, các chị vẫn sánh vai cùng đồng đội, đảm nhận bất cứ công việc gì được cấp trên giao cho. Cô Nguyễn Thị Sương là người lớn tuổi nhất trong số chị em cơ quan. Nói là lớn nhất, chứ những năm 70 của thế kỷ trước, cô cũng chỉ trên dưới tuổi 30. Cô là vợ của bác Nguyễn Hữu Hà (sau ngày giải phóng, ông là Đại tá-Hiệu trưởng Trường Quân sự Khu 5). Khi chồng tập kết, cô bị chính quyền Diệm ở địa phương o ép, khủng bố, đe dọa đủ điều. Vì vậy, lãnh đạo huyện An Khê đã quyết định đưa cô ra hoạt động bất hợp pháp.
Cô thường chia sẻ cho các chị em về cách tự chăm sóc bản thân, chuyện về tình yêu đôi lứa, chuyện đối nhân xử thế... Mỗi chuyến công tác về, thế nào bọn nhân viên trẻ chúng tôi cũng được cô mua cho, khi thì bánh xà phòng Cô Ba, lúc chiếc khăn tay, lọ dầu Thanh Lạc... Khi rảnh rỗi, cô lại giặt ủi, khâu vá giúp chúng tôi bao việc... không phải của đàn ông, con trai.
Thị xã An Khê nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn |
Một hôm, có lẽ là mùa rẫy năm 1971, cả cơ quan đi phát rẫy dưới chân núi Hố Đak. Vì chúng tôi đông, có trang bị vũ khí, còn toán thám báo Mỹ thì chỉ có mấy tên, nhắm không thể địch lại chúng tôi, nên khi phát hiện, chúng gọi một bầy trực thăng từ An Khê đến, sau một hồi quần đảo, phóng rocket, ném lựu đạn, xả đại liên từ trên máy bay, rồi chúng đổ bộ lính xuống, bao vây chúng tôi trong một khoảnh rừng già. Cô Sương bị lạc đồng đội.
Cô kể, bọn lính Mỹ đi tới thì cô đi lùi, cách nhau chỉ vài chục mét, may thay phía sau lưng cô có nhiều hốc đá, cô đã ẩn mình vào một trong những hốc đá đó. Nhờ vậy mà cô đã an toàn, cho đến khi Mỹ rút lui, mọi người tìm đưa về. Là tôi chỉ vắn tắt câu chuyện vậy, còn khi nghe cô Sương “tường thuật” sự việc thì cả cơ quan chỉ có bò lăn ra cười. Tính cô luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người, lại có chút “tiếu lâm”, chẳng khi nào thấy cô buồn. Sau ngày giải phóng ít lâu, những căn bệnh của rừng trỗi dậy, cô đã không qua khỏi. Đã 2 lần tôi về Song An (thị xã An Khê), quê hương của cô thắp nén nhang, cầu mong cô nơi xa an lòng, chúng tôi những đứa cháu ngày xưa vẫn thương nhớ về cô một thời khói đạn.
Chị Trần Thị Tài, người con gái xứ An Nhơn, dáng người thấp đậm, mái tóc thường xuyên chải rẽ ngôi giữa, dài và đen nhánh. Là chị nuôi của cơ quan, chị siêng năng, nhanh nhẹn. Chúng tôi thường xuyên có bữa cơm ngon, canh ngọt, dù chỉ là mì, bắp độn, canh, mắm là những thứ của rừng, của suối chị kiếm được. Mỗi khi rảnh việc, mấy anh em trẻ chúng tôi giúp chị đi cõng mì, bắp từ kho, từ rẫy về, lấy củi, gùi nước.
Còn một người anh, mà tôi coi anh như người thầy, người ruột thịt trong gia đình, anh cũng coi tôi như đứa em nhỏ, luôn chỉ bảo, động viên; tình cảm của anh em chúng tôi cho đến bây giờ vẫn vậy. Đó là anh Lê Thanh Hiển, đồng hương với chị Trần Thị Tài. Anh thông hiểu nhiều điều, rảnh việc hay vào những đêm yên tĩnh giữa rừng sâu căn cứ, anh kể cho tôi nghe bao chuyện nhà chuyện đời, chuyện công tác. Anh dạy tôi đánh máy chữ, viết chữ ngược trên bảng đá in truyền đơn, viết khẩu hiệu trên vải để các đội công tác giăng ngoài ấp chiến lược. Anh là người cùng với anh Nguyễn Đình Thọ đã giáo dục, giúp đỡ và giới thiệu tôi vào Đảng.
Nhớ một hôm đã rất khuya, một cơn mưa rừng ập đến, ào ào trút nước xuống mái lá lán chúng tôi, vì sợ nước mưa làm ướt giấy tờ, máy móc trên các bàn làm việc, tôi gọi anh lấy ni lông ủ hộ, trong mơ màng giấc ngủ, anh bảo... trời mưa có đất chịu, em ngủ đi. Chú Đặng Ngọc Xuân nằm cạnh nghe thấy thế, đã “phê bình” anh, chuyện nhỏ xíu thế mà làm tôi ân hận, nhớ đời.
Vẹn nghĩa trọn tình
Những người trong cuộc như chúng tôi thời đó, ai cũng biết, ở An Khê, những năm 1971-1972, đối phương ra sức đôn quân, bắt lính, tăng cường tuần tra, vây ráp vùng ngoại vi thị trấn An Khê, bên trong các ấp, các khu đông dân, chúng ráo riết “bình định”, tình hình căng thẳng, ác liệt, hoạt động của các đội công tác và lực lượng vũ trang ta trở nên khó khăn, phong trào quần chúng lắng xuống. Vì vậy, lại có một số anh chị biểu hiện tư tưởng dao động, sợ hy sinh gian khổ, ngại đi công tác ra phía trước, tự thương để về hậu cứ. Một trong số đó, có anh L, anh T. Anh Nguyễn Hữu Nam, với kinh nghiệm của một thầy thuốc từng lăn lộn trên nhiều chiến trường, cứu chữa hàng trăm thương binh, nhìn vết thương anh thừa biết là không phải vết đạn bắn từ đối phương. Đã chiều muộn, một anh từ đội công tác trở về, vết thương trên tay băng bó vết máu thấm đã khô. Sau khi xem xét vết thương cho đồng đội, không nói gì, anh Nam đã đề nghị cho chuyển lên tuyến trên chữa trị.
Chuyện gì đến đã đến, nghe lời đề nghị của anh Nam, Bí thư Hồ Ngọc Năm bực mình lắm. Nhưng lúc đó, anh Nam vẫn im lặng. Cho đến khuya, anh Nam nói chuyện với tôi về vết thương của anh T. Biết là anh Nam bị oan, tôi tìm cách thưa với Bí thư Hồ Ngọc Năm câu chuyện của anh Nam. Nghe xong, ông trầm ngâm một lúc, rồi bảo tôi xuống nói chị Tài bắt một con gà làm thịt nấu cháo. Đã khá khuya, nhưng nghe vậy tôi vẫn phải chấp hành, nghĩ bụng có lẽ việc nhiều, Bí thư mệt mỏi muốn bồi dưỡng. Tôi đem cháo lên lán của Bí thư thì ông lại bảo, xuống mời thầy thuốc Nam lên đây. Thì ra, đó là lời xin lỗi của chú Năm đối với anh Nam.
Anh Nam vốn ít nói, thường nhường trên, nhịn dưới, tận tụy với chức năng người thầy thuốc, luôn nghĩ cách chữa trị bệnh tật cho đồng đội thật hiệu quả trong điều kiện thiếu thốn thuốc men, dụng cụ y tế. Còn chú Năm, tính tình nóng như... lửa đốt. Nhưng nhiều đêm mắc võng ngủ bên ông, dường như ông ít ngủ, tôi nghe ông khóc thầm, đó là mỗi khi có tin báo về có người hy sinh, bị thương, bị bắt...
Bây giờ những lát cắt “chân dung” ấy, người còn người mất, nhưng với chúng tôi-những người trong cuộc, bao ký ức về một thời khói lửa, sống chết bên nhau, vui buồn có nhau, chẳng bao giờ phai nhòa.