Kỳ 1: Đất lành tụ nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 250 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng hào hùng của Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vẫn còn vang vọng. Hình ảnh những vị anh hùng “áo vải cờ đào” đã trở thành biểu tượng bất khuất trong lòng bao người con đất Việt nói chung và vùng căn cứ địa An Khê xưa nói riêng. Để rồi những năm qua, bằng nhiều cách, các cấp chính quyền cùng Nhân dân nơi đây vẫn nỗ lực từng ngày gìn giữ cho hào khí ấy luôn trường tồn, sáng mãi.
Vùng đất An Khê xưa (bao gồm thị xã An Khê và 3 huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro ngày nay) được xem là “địa lợi” của 3 anh em nhà Tây Sơn trong buổi đầu chiêu binh tụ nghĩa. Từ căn cứ này, họ đã tích trữ quân lương, hiệu triệu Nhân dân phất cờ khởi nghĩa, thần tốc lập nên những chiến công hiển hách, lưu danh trong sử vàng dân tộc.
Di tích An Khê Trường-trung tâm đồn lũy ban đầu của 3 anh em Nhà Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghiệp. Ảnh: Hồng Thi
Di tích An Khê trường-trung tâm đồn lũy ban đầu của 3 anh em nhà Tây Sơn trong buổi đầu chiêu binh tụ nghĩa. Ảnh: Hồng Thi
Lập căn cứ nơi hiểm địa
Chúng tôi trở lại vùng đất Tây Sơn Thượng đạo vào những ngày cuối tháng Chạp hanh hao gió. Trải qua hàng trăm năm, trong tâm thức người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về Tây Sơn tam kiệt gắn liền với cuộc khởi nghĩa quật cường năm xưa.
Ông Nguyễn Quốc Thành (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) năm nay gần 90 tuổi. Vì đem lòng mến mộ “3 ngài Tây Sơn” mà từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, ông bắt đầu tìm tòi trong các thư viện cũng như điền dã khắp vùng An Khê để sưu tầm, nghiên cứu tư liệu liên quan.
Đề cập đến việc lựa chọn Tây Sơn Thượng đạo làm căn cứ dựng cờ tụ nghĩa, ông Thành nhận định: “Tây Sơn tam kiệt mà tiên phong là Nguyễn Nhạc đã rất sáng suốt khi chọn An Khê làm căn cứ địa. Vì lẽ, vùng đất này như một thung lũng lòng chảo được bao bọc, bảo vệ bởi núi cao, rừng rậm, lại có hệ thống sông ngòi thuận lợi và nhiều con đường mòn hiểm yếu. Vị trí chiến lược này đã giúp nghĩa quân Tây Sơn có thể bí mật chuẩn bị mọi mặt, dễ dàng vượt đèo Mang (tức đèo An Khê) tiến đánh xuống Tây Sơn Hạ đạo và khi cần thiết có thể rút lên căn cứ, dựa vào địa hình rừng núi để chiến đấu và bảo toàn lực lượng”.
Cũng theo ông Thành, Tây Sơn Thượng đạo không chỉ là nơi có vị trí chiến lược cơ động mà còn có đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi, đảm bảo được quân lương. Thêm vào đó, nơi đây còn có nhiều voi lớn, ngựa hay, mỏ sắt, diêm tiêu... sẵn sàng cung cấp phương tiện cần thiết cho cuộc chiến lâu dài. Tất cả những điều kiện ấy đều đã được anh em nhà Tây Sơn tận dụng triệt để cho việc xây dựng căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa.
Ông Nguyễn Quốc Thành (bìa phải; phường Tây Sơn, thị xã An Khê) nhắc nhớ về quá trình điền dã tìm hiểu việc chuẩn bị khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn trên đất An Khê xưa. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Quốc Thành (bìa trái; phường Tây Sơn, thị xã An Khê) nhắc nhớ về quá trình điền dã tìm hiểu việc chuẩn bị khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn trên đất An Khê xưa. Ảnh: Hồng Thi
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Kim Vân phân tích: Trong giai đoạn dấy binh, chuẩn bị lực lượng của nghĩa quân Tây Sơn, vai trò của người anh cả Nguyễn Nhạc được thể hiện rõ nét nhất. Ông là người có kinh nghiệm giao thương với người Thượng bằng nghề buôn trầu. Lúc bấy giờ, vùng đồng bào Bahnar ở An Khê trồng rất nhiều cau, trầu và Nguyễn Nhạc thường xuyên lui tới để mua đem về bán cho cư dân đồng bằng. Vì thế, nơi này từ lâu đã là vùng đất quen thuộc của anh em Tây Sơn cả về địa bàn lẫn dân cư.
Thêm vào đó, sở dĩ Nguyễn Nhạc lựa chọn Tây Sơn Thượng đạo làm căn cứ khởi nghĩa vì địa hình ở đây còn có nhiều “ưu thế vượt trội”, hội tụ đủ yếu tố đảm bảo cho việc phòng ngự, tiến thoái và nuôi quân như: núi rừng bao quanh, nhiều hòn núi cao có thể quan sát toàn bộ khu vực đồng bằng bên dưới; hệ thống sông ngòi ăn sâu vào vùng núi với sông Côn theo hướng Đông-Tây và sông Ba theo hướng Bắc-Nam, cùng nhiều nhánh rẽ của chúng nối liền với các vùng đất lân cận. Điều kiện đất đai, khí hậu cũng thuận lợi cho việc sản xuất lương thực phục vụ nghĩa quân. Mặt khác, Tây Sơn Thượng đạo còn có mối liên hệ chặt chẽ với quê hương Tây Sơn Hạ đạo để bổ sung lực lượng khi khởi binh. Chính sự chọn lựa đúng đắn của 3 anh em đã đặt nền móng quan trọng cho những thắng lợi của phong trào Tây Sơn và nhà Tây Sơn sau này.
Trong một lần trao đổi với chúng tôi vào năm 2017, cố GS. Phan Huy Lê cũng khẳng định rằng, Tây Sơn Thượng đạo không chỉ là căn cứ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn mà nó còn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong suốt quá trình phát triển và thắng lợi của nhà Tây Sơn. Bởi lẽ, năm 1775, khi quân Trịnh ở phía Bắc đánh vào, quân Nguyễn phía trong tấn công ra, nhà Tây Sơn bị kẹt ở giữa Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Trước tình thế đó, Nguyễn Nhạc phải hoàn toàn dựa vào Tây Sơn Thượng đạo. Thậm chí, ông còn cho người mang của cải đến cất giấu để chuẩn bị nếu tình thế cấp bách quá sẽ tạm di cư lên đây. Thế nhưng cuối cùng, bằng chiến thuật lợi hại là tạm hòa với quân Trịnh để tập trung đánh Nguyễn nên nhà Tây Sơn đã vượt qua được khó khăn, tiếp tục giữ vững thế trận.
Chiến thắng của tình đoàn kết Kinh-Thượng
Với vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tây Sơn Thượng đạo được xem như “cái nôi” che chở cho nghĩa quân Tây Sơn trong những ngày đầu “trứng nước”. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, yếu tố quan trọng có tính chất quyết định tới thành công của cuộc khởi nghĩa chính là sự giúp đỡ của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào miền Thượng.
Theo cố GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Nhạc đã xây dựng được căn cứ trong dân rất vững chắc; tạo được mối quan hệ khăng khít với tất cả các dân tộc ở đây. Nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó Kinh-Thượng, Nguyễn Nhạc còn lấy vợ là Yă Đố (còn gọi là Cô Hầu) là con gái một tộc trưởng người Bahnar. Nhờ sự giúp đỡ của Yă Đố, anh em Tây Sơn đi đến đâu cũng được người dân vùng Thượng đạo quy thuận và tham gia lực lượng nghĩa quân.
Yă Đố cùng với dân làng tìm đất khai hoang, lập ra một cánh đồng rộng để trồng lúa và cây lương thực, cây ăn quả. Nơi sản xuất ấy vẫn còn dấu tích cho đến ngày nay với di tích Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu ở xã Nghĩa An, huyện Kbang. Ngoài ra, vì một lòng tin vào bok Nhạc nên bà con nơi đây đã cung cấp, ủng hộ rất nhiều voi cũng như người chỉ huy voi cho đội tượng binh của Tây Sơn-đội quân vô cùng lợi hại trong việc đại phá quân Thanh vào năm 1789.
Ông Nguyễn Quốc Thành cũng bày tỏ sự khâm phục với thế trận lòng dân mà anh em Nguyễn Nhạc đã tạo dựng được trên vùng Tây Sơn Thượng đạo. “Nguyễn Nhạc đặt cơ sở trong lòng đồng bào địa phương bằng những việc làm sát với tín ngưỡng và phong tục, tập quán của họ. Chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết các bộ tộc gần xa đều đứng dưới ngọn cờ đào của Tây Sơn tam kiệt. Người Thượng cung cấp các quản tượng tài ba, gan dạ để thành lập đội tượng binh và tập voi kéo pháo; kết hợp với đoàn kỵ mã trên 2.000 quân cũng đa phần đều là người miền núi. Nhiều anh hùng hào kiệt, địa chủ, thương gia, trai tráng bốn phương cũng hồ hởi tụ về”-ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, Tây Sơn Thượng đạo không chỉ là nơi có vị trí chiến lược cơ động mà còn có đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi, đảm bảo được quân lương. Thêm vào đó, nơi đây còn có nhiều voi lớn, ngựa hay, mỏ sắt, diêm tiêu... sẵn sàng cung cấp phương tiện cần thiết cho cuộc chiến lâu dài. Tất cả những điều kiện ấy đều đã được anh em nhà Tây Sơn tận dụng triệt để cho việc xây dựng căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa.
Người Bahnar ở xã Nghĩa An (huyện Kbang) vẫn trồng bắp, lúa nước tại vị trí Cánh đồng Cô Hầu ngày xưa. Ảnh: Nhất Hạnh
Liên quan đến mối đoàn kết Kinh-Thượng, TS. Nguyễn Thị Kim Vân thông tin thêm: “Thật ra, mối quan hệ Kinh-Thượng ở nước ta vốn đã được xác lập vào năm 1471, tức từ thời của Vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, mãi đến cuối thế kỷ XVII, khi anh em nhà Tây Sơn lập căn cứ địa ở Tây Sơn Thượng đạo thì mối quan hệ ấy mới được đẩy lên một bước cao hơn, có sự gắn kết son sắt hơn. Chỉ trong vòng 3 năm (1771-1773), anh em nhà Tây Sơn đã quy tụ được một đội chỉ huy tài ba, có căn cứ vững chắc, lương thảo đầy đủ, quân sĩ dũng mãnh, hùng hậu. Những chiến binh của họ không chỉ có người Kinh mà còn có đông đảo người dân tộc thiểu số. Chính nơi tụ nghĩa ban đầu này đã giúp anh em Tây Sơn liên tiếp giành được những chiến thắng vang dội”.
Quả vậy, từ năm 1773 đến 1787, dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung-Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã giải phóng một vùng rộng lớn ở đồng bằng; 5 lần tiến vào Gia Định đánh đổ chế độ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi quay ra lật nhào chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Trong vòng 15 năm, phong trào Tây Sơn đã lật nhào 2 triều đại phong kiến, đánh tan 5 vạn quân Xiêm lập nên chiến công Rạch Gầm-Xoài Mút vang dội núi sông năm 1785.
Đỉnh cao của cuộc khởi nghĩa là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử vào sáng mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) quét sạch hơn 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Với nghệ thuật hành quân thần tốc, lối đánh bất ngờ, nghĩa quân đã thống nhất sơn hà, lập lên triều đại Tây Sơn phát triển rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng triều đại Tây Sơn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng dân tộc, đặc biệt trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Trải qua hàng trăm năm, mặc cho sự trả thù của nhà Nguyễn và chiến tranh tàn phá, nhiều di tích, di vật liên quan đến nhà Tây Sơn vẫn được nhân dân nơi đây trọng vọng, giữ gìn cho đến tận ngày nay.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.