(GLO)- Một cô bạn của tôi sau khi nghỉ hưu bỗng chốc trở thành người bán hàng qua mạng xã hội facebook. Hàng mà cô ấy bán, cánh đàn ông xem qua không khỏi lắc đầu. Nào là thuốc chống viêm nhiễm bộ phận sinh dục nữ, nào là sản phẩm khử mùi hôi... Trên trang facebook của mình, cô ấy chỉ đăng những dòng quảng cáo hàng hóa và không quên ghi số điện thoại, địa chỉ cùng cách thức chuyển tiền, chuyển hàng.
Không chỉ cô bạn trên mà ngay cả cô em vợ tôi hiện là giáo viên tiểu học cũng làm thêm bằng việc bán hàng qua mạng. Hàng cô ấy bán giống y như đồng nghiệp của tôi bán, là các loại thuốc, thực phẩm chức năng chủ yếu dành cho phụ nữ. Chỗ thân tình nên có lần vợ tôi hỏi nhỏ mỗi tháng kiếm được bao nhiêu thì cô ấy trả lời: tháng nào nhiều thì lãi trên hai chục triệu đồng, ít cũng hơn chục triệu. Rõ ràng khoản thu này cao hơn nhiều so với tiền lương hàng tháng.
Ảnh minh họa |
Lại nữa, một cậu đang là công chức công tác ở ngành Khoa học và Công nghệ một tỉnh nọ cũng tranh thủ bán nước mắm cùng một số sản phẩm khác như: mắm ruốc, cá khô…trên facebook và zalo. Cứ đầu tháng hoặc có dịp lễ, đặc biệt là những ngày gần Tết Mậu Tuất này, cậu ta đăng thông tin và ảnh liên tục kèm theo lời hứa sẽ ship hàng đến tận nơi, miễn là trong phạm vi thành phố.
Trên đây chỉ là vài trường hợp người thật, việc thật mà người viết nêu lên để bạn đọc thấy được vấn đề mua bán hàng qua mạng xã hội đã trở nên quá quen thuộc trong đời sống hiện nay. Tại sao lại có hình thức kinh doanh này? Có thể thấy nguyên nhân cơ bản là sự phủ sóng mạnh mẽ của internet và điện thoại thông minh đến đông đảo người dân đã và đang tạo ra thời kỳ bùng nổ các giao dịch kinh doanh trực tuyến. Khi tham gia mua bán kiểu này, người bán không cần thuê mặt bằng, chi phí đầu tư thấp nhưng có thể tạo được nguồn thu lớn.
Ngược lại, người mua không thể tiếp xúc với hàng hóa để đánh giá sản phẩm mà chỉ có thể nhìn bằng mắt thông qua hình ảnh, clip quảng cáo sản phẩm. Mặc dù ngành Thuế đã bước đầu triển khai việc thu thuế bán hàng qua mạng nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành triệt để bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Nếu với những cơ sở, cá nhân kinh doanh thường xuyên, hộ kinh doanh và doanh nghiệp đã đăng ký kê khai nộp thuế và chỉ sử dụng facebook như một kênh quảng bá sản phẩm thì được loại trừ. Nhưng những đối tượng kinh doanh, giao dịch thường xuyên nhưng chưa kê khai nộp thuế mới là đối tượng quan tâm, nhất là khi giao dịch qua mạng hoàn toàn ảo, không có hóa đơn chứng từ giữa người mua và người bán, đặc biệt là khi các giao dịch ấy thực hiện trên facebook, zalo và các ứng dụng điện tử khác chứ không phải là website thương mại điện tử.
Kinh doanh qua mạng không bảo đảm an toàn cũng là vấn đề khiến nhiều người lo ngại: hàng đến tay người nhận không giống như hàng quảng cáo trên mạng; chất lượng kém hơn; mua phải hàng nhái, hàng giả. Đã vậy, hàng thường được chuyển qua bưu điện nên nhân viên bưu điện khi giao hàng đòi hỏi người nhận phải trả đủ số tiền mới được mở. Do đó, nếu hàng không đúng chất lượng như giao dịch thì người mua đành chịu thiệt. Đã có không ít trường hợp phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” như chính người viết bài này. Lần đó, tôi mua một đôi giày da qua facebook. Sau khi đưa số điện thoại và email, tôi nhận được điện thoại người bán gọi tới rồi chuyển qua email hình ảnh đôi giày cần mua, số size và màu sắc. Thế nhưng khi trả tiền, mở gói hàng ra thì giày khác hẳn với hình hôm trước.
Không thể không công nhận có những kênh mua bán qua mạng rất uy tín và chủ nhân của các kênh này đã trở thành những tỷ phú giàu nhất nhì thế giới như: Amazon, Alibaba…Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, chuyện mua bán qua mạng không lạ nhưng kinh doanh phải có luật lệ của nó, không thể “treo đầu dê, bán thịt chó”! Làm sao để các giao dịch qua mạng xã hội cũng có giá trị, người bán cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa và phải bảo đảm nghĩa vụ nộp thuế như giao dịch thực tế thì hình thức giao dịch qua mạng mới thực sự mang lại tiện ích cho cả người mua và người bán.
Thanh Phong