Kiêu kỳ bãi biển Tiên Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thuộc khu vực bãi biển Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng 3 km về phía Đông nam, nằm trên trục đường ven biển nối hai điểm du lịch nổi tiếng Đồi Thi Nhân-Quy Hòa, bãi biển Tiên Sa đẹp một cách kiêu kỳ như chính tên gọi.
Con đường dẫn xuống bãi Tiên Sa
Con đường dẫn xuống bãi Tiên Sa
Về tên gọi Tiên Sa, tương truyền, ngày xưa, ở Bồng Sơn (nay thuộc huyện Hoài Nhơn, Bình Định) có một người con gái xinh đẹp, nết na, hàng ngày chăm sóc mẹ cha và làm việc chăm chỉ. Nàng phải lòng một chàng trai làng và hai người đã nặng lời thề. Quan huyện vì say mê sắc đẹp của nàng nên tìm mọi cách chiếm đoạt. Để giữ lòng thủy chung với người yêu, người con gái khóc lạy cha mẹ, từ biệt người yêu, bỏ trốn vào Quy Nhơn. Quan huyện cho người đuổi theo. Nàng chạy tới bãi biển Ghềnh Ráng thì bất ngờ giông tố nổi lên, nàng biến mất trong đêm mưa gió. Quân lính cho rằng nàng đã nhảy xuống biến tự tử nên đành quay về.
Biển Tiên Sa lấp lánh bạc trong nắng mai
Biển Tiên Sa lấp lánh bạc trong nắng mai
Chàng trai mất người yêu nên cũng chạy theo vào tìm kiếm. Chàng leo khắp các mõm đá, cất tiếng bi thiết gọi người yêu nhưng chỉ có tiếng sóng lúc rì rào, khi uất giận đáp lại. Đêm xuống, chàng nhìn thấy bóng dáng người yêu thấp thoáng xuất hiện, khi thướt tha bên triền núi, lúc nhấp nhô theo sóng biển dào dạt vỗ vào tảng đá như đau đớn, tiếc thương. Từ đó, hễ mỗi khi có ánh sáng chớp trên vùng Ghềnh Ráng, dân trong vùng cho rằng đó là hình ảnh của người con gái bất hạnh năm xưa. Ánh sáng ấy đẹp như tiên sa xuống giữa phong cảnh biển trời đá núi hữu tình. Tên gọi Tiên Sa ra đời từ đó.
Từ Tiên Sa nhìn về Quy Nhơn
Từ Tiên Sa nhìn về Quy Nhơn
Bãi tắm Tiên Sa đẹp hài hòa trong tổng thể bãi biển Quy Nhơn-Quy Hòa. Nếu bờ biển Quy Nhơn là dãi cát vàng mịn màng cong như mảnh trăng non ôm lấy thành phố, bãi biển Quy Hòa là dãi cát trắng hoang sơ nép dưới bóng thông lao mơ màng đêm ngày nghe sóng rì rào vỗ từng vỗ về hồn thơ Hàn thi sĩ năm nào thì bờ biển Ghềnh Ráng-Tiên Sa đẹp một cách kì vĩ đến ngẩn ngơ lòng. Bờ biển kéo dài hơn 5km, một bên là vách đá dựng cheo leo núi trườn mình ra biển, một bên là biển trời bao la với những đợt sóng bạc đầu vỗ tung trắng xóa trên những mõm đá muôn hình vạn trạng. Đây là Bãi Trứng, kia là hòn Vọng Phu, dưới chân là vô số những tảng đá lớn nhỏ đủ màu sắc, xa xa là bãi cát mịn nằm bên mép sóng nước xanh biếc trong veo. Ai từng một lần đến Tiên Sa chắc sẽ khó rời chân. Ai lòng vô cảm nhất, đến Tiên Sa chắc cũng sẽ cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa mơ mộng nơi này.
Phía xa xa là Quốc lộ 1D
Phía xa xa là quốc lộ 1D
Đến với bãi biển Tiên Sa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu kỳ của bàn tạo hóa. Những mõm đá trườn mình ra biển đón lấy từng đợt sóng bạc đầu vỡ tung trắng xóa. Bãi cát không thật rộng nhưng mịn màng, mang vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa dịu dàng đằm thắm. Con đường xuống bãi cheo leo vách đá là nơi chụp ảnh lí tưởng. Từ Tiên Sa, có thể phóng tầm mắt nhìn về phía thành phố Quy Nhơn thơ mộng bên bờ biển cong cong hình mảnh trăng non từng đi vào thơ Hàn Mặc Tử, xa hơn về phía Đông Nam là quốc lộ 1D nối Quy Nhơn với Phú Yên. Đặc biệt, du khách có thể thả hết tầm mắt ngắm nhìn biển Đông với những chuyến tàu ra vào cảng Quy Nhơn, những thuyền cá nhấp nhô ngoài biển để thấy biển nước mình đẹp biết bao nhiêu.
Biển Tiên Sa đẹp hoang sơ
Biển Tiên Sa đẹp hoang sơ
Du khách đến với Tiên Sa
Du khách đến với Tiên Sa

Phạm Tuấn Vũ (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.