Khúc giao mùa của cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối đông, bầu trời cao nguyên bàng bạc, mây mỏng nối nhau vội vàng trôi. Thỉnh thoảng, vài áng mây vuột ra để lộ những mảng trời xanh thắm. Có nắng nhưng chưa đủ xua tan chút lạnh của mùa. Trên những triền đồi, dã quỳ đã xuống lá chân, hoa dần lụi tàn. Nhưng thật kỳ diệu, khi cao nguyên vừa trút bỏ chiếc áo quỳ vàng rực rỡ thì đã khoác lên màu áo sặc sỡ dệt từ hoa của các loài cỏ có cờ, trổ hoa từ đọt!
Họ nhà cỏ có cờ rất hợp với vùng cao nguyên đất đỏ và đẹp vào mùa đông. Mùa này, thời tiết hanh khô, thiếu nước, rễ cỏ phải vắt kiệt sức tìm nguồn dưỡng chất để nuôi cơ thể. Như ý thức được tuổi đời của mình, vào những ngày có nắng, cỏ dồn hết sinh lực làm bung nở cờ hoa để đem đến vẻ đẹp cho đời.
Khác với loài cỏ trổ hoa từ nách lá khi hoa tàn, thân vẫn phát triển, cỏ trổ hoa từ đọt khi hoa tàn thì thân héo dần từ cờ xuống gốc, ít lâu sau chết rụi. Những bông cỏ phần bay xa, phần rơi xuống đất, nằm im trong mưa nắng đợi đến năm sau, chuẩn bị cho một chu kỳ sinh trưởng mới. Nói đến loài cỏ này, ai cũng thừa nhận, cỏ hồng, cỏ đuôi chồn và neng nông đẹp mê hồn!
Cỏ hồng, tên gọi dựa vào màu hoa, lúc còn non lá chỉ là là mặt đất, nhưng khi trổ hoa cuống vọt lên cao đến vài gang tay, hoa nở nhanh và chóng tàn. Hy hữu những buổi sớm đứng gió, trời có sương là thời điểm cỏ đẹp nhất. Thảm cỏ phủ lên lớp sương trắng xóa nên còn gọi là cỏ tuyết. Khi ánh nắng mai bắt đầu lướt qua, sương tan dần và màu hồng của cỏ mỗi lúc càng rạng rỡ. Ở Gia Lai, cỏ hồng có mặt khắp nơi nhưng đẹp nhất là ở rừng thông thuộc xã Glar (huyện Đak Đoa).
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Càng về cuối đông, gió càng mạnh. Đây là thời điểm cỏ đuôi chồn bung hoa. Đó là loài cỏ dại thường mọc ven triền đồi núi hoang sơ. Khi trưởng thành, thân cao hơn 1 m. Hoa màu đỏ, cờ hoa vươn cao nổi bật khỏi thân cây. Đẹp đến nao lòng khi có nắng và gió: nắng làm cho màu cỏ rực rỡ, gió làm cho thảm cỏ lượn sóng. Gió càng mạnh sóng cỏ càng uốn lượn với nhiều gam màu từ sáng đến sẫm. Để ngắm nét đặc sắc đó, ta chỉ cần đến bãi cỏ đuôi chồn thuộc xã Gào ở ngoại ô Phố núi.
Những ngày gió lạnh rồi cũng qua, trời ấm dần. Khi người đi rẫy nghe chim “pit pút cất tiếng hót”, “chim chil, chim choong hát rộn trời trong” là biết mùa xuân đến. Trong các thung lũng, các hồ tự nhiên nước đã rút sạch qua mùa khô. Nhưng sau đó, thật bất ngờ là trên mặt hồ khô cạn lại phủ một màu tím biếc, màu hoa cỏ dại có tên là neng nông.
Theo người dân địa phương, loài hoa này tượng trưng cho sự sinh sôi của mùa xuân. Neng nông đẹp nhất vào lúc nắng ấm, càng nắng càng rực rỡ, tỏa hương ngan ngát. Hoa nở rộ vào những ngày đầu năm và kéo dài khoảng 2 tháng. Gần đây, cánh đồng hoa tím rộng chừng 10 ha ở làng Yom (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) thu hút khá nhiều du khách.
Mỗi cộng đồng người đều có cách tính thời gian của riêng họ. Người Tây Nguyên nhận biết mùa qua những màu hoa rất đặc trưng của núi rừng với vẻ đẹp hoang sơ đầy sức sống. Rạo rực cùng hoa cỏ là tâm trạng náo nức của con người ở khắp buôn làng. Đó là mối quan hệ đặc biệt giữa con người với thiên nhiên!
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.