(GLO)- Mặc dù năm tài khóa 2013 gần kết thúc nhưng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Krông Pa đang dần cán đích với chỉ số kém vui: đứng thấp nhất trong hệ thống NHCSXH tỉnh về chỉ số thu hồi tiền lãi cho vay.
Tính đến hết tháng 11-2013, Phòng Giao dịch NHCSXH Krông Pa có 9.548 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 163,958 tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,79% vẫn nằm trong chỉ số an toàn cho phép của hệ thống (dưới 1%). Tuy nhiên, điều đáng ngại là số nợ lãi tồn lên gần 3,5 tỷ đồng, chiếm 2,14% tổng dư nợ. Đây là con số cao nhất trong hệ thống NHCSXH toàn tỉnh năm 2013. Cho dù các cán bộ, nhân viên của Phòng Giao dịch và 225 tổ tiết kiệm và vay vốn đã cố sức thu hồi tiền lãi nhưng không mấy kết quả.
Ngân hàng CSXH Krông Pa. Ảnh: Đức Phương |
Theo thống kê của Phòng Giao dịch thì cả 14 xã, thị trấn đều có số nợ lãi tồn trên 100 triệu đồng/xã. Trong đó, một số địa phương có số nợ lãi tồn đọng cao như: thị trấn Phú Túc trên 495,6 triệu đồng; xã Đất Bằng trên 366,4 triệu đồng; xã Chư Ngọc trên 350 triệu đồng; xã Chư Gu trên 344 triệu đồng… Khu vực cho vay hộ nghèo, cận nghèo và học sinh sinh viên đang có số nợ quá hạn và nợ tồn lãi vay cao nhất.
Nguyên nhân của tình trạng trên theo bà Lê Thị Hoa-Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Krông Pa là do tình hình thời tiết năm nay không thuận lợi, các hồ thủy lợi và thủy điện ở thượng nguồn sông Ba xã lũ nhiều đợt gây ngập úng nhiều diện tích cây cối, hoa màu của người dân một loạt xã ven sông. Thiên tai kết hợp với “nhân tai” gây mất mùa khiến cho đời sống của người dân huyện nghèo càng khó khăn thêm. “Có làm mà không có thu hoạch nên nhiều hộ dân không có tiền để trả nợ và lãi vay cho ngân hàng. Thậm chí có trường hợp cán bộ ngân hàng chúng tôi đến nhà thu hồi tiền nợ vay và lãi không được còn bị khách hàng đuổi đánh”- bà Hoa chua chát nói.
Khó khăn của người dân thì chúng tôi đã từng chứng kiến. Cách đây vài tháng, ngày 3 và 4 -10 -2013, thủy điện An Khê-Ka Nak và hồ thủy lợi Ayun Hạ cùng xả lũ làm thiệt hại hơn 3.000 ha hoa màu tại hai huyện Ia Pa, Krông Pa. Không thể để mì thối củ, hàng trăm người dân huyện Krông Pa lúc đó buộc phải thu hoạch mì non. Ông Nay Tiếp (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) có hơn 7 sào mì bị thối củ do ngập lũ nhưng chấp nhận để mất trắng do rẫy ở xa, giá lại thấp, nếu tính tiền công thu hoạch và tiền vận chuyển thì không đủ bù lỗ. Nhớ lại thời khắc ấy, ông Nay Tiếp thở dài ngao ngán: “Lũ thủy lợi và thủy điện đổ chồng lên nhau đã làm gia đình tôi trắng tay. Tiền vay của ngân hàng gần 30 triệu đồng sắp đến hạn giờ biết lấy đâu mà trả nợ”.
Bà con nông dân mất mùa, đói kém, nhiều gia đình lo miếng ăn còn chưa xong, nói gì đến chuyện tiết kiệm rồi trả nợ cho ngân hàng. “Thành tích bết bát nhất tỉnh. Rứa là năm nay cán bộ, nhân viên trong đơn vị không có tiền thưởng Tết mô chú à!”- Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Krông Pa-Lê Thị Hoa cười gượng.
Đức Phương