Vốn có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng nhiều năm qua ngành du lịch Đắk Lắk hầu như vẫn ''giậm chân tại chỗ''. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch của địa phương được đánh giá là đơn điệu, thiếu bản sắc khó tạo điểm nhấn, ấn tượng với du khách. Nếu không sớm thay đổi, ngành du lịch tỉnh này sẽ thụt lùi, khó có thể kéo khách trong và ngoài nước đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng.
Người dân Đắk Lắk quây quần bên những con voi nhà. Ảnh Ngô Minh Phương |
Chưa ''khơi thông'' được tiềm năng
Ông Đỗ Xuân Ngoạn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Hòn Gai – cho hay, Đắk Lắk có nhiều điểm đến rất hấp dẫn, mới lạ. Các doanh nghiệp lữ hành ở phía bắc đang rất mong Đắk Lắk có những sản phẩm cụ thể, thiết thực và phải đầu tư làm một cách bài bản. Bên cạnh đó, các địa điểm du lịch cần có thêm những dịch vụ chất lượng, nơi dừng chân lý tưởng để giữ chân khách ở lại lâu hơn chứ không phải ''ảm đạm'' như hiện nay.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành khác ở phía bắc tâm sự, nhiều khách du lịch đặt chân đến Bản Đôn cảm thấy chưa được như kỳ vọng, thậm chí thất vọng. Doanh nghiệp làm du lịch tỉnh nhà cần phải đặt địa vị mình vào khách du lịch, xem thử họ mong muốn gì, cần gì khi đến với Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Sơn Hưng - Trưởng phòng Quản lý Du lịch Đắk Lắk (Sở VHTTDL) - thẳng thắn nhận định, việc phát triển các sản phẩm du lịch ở tỉnh nhà vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có điểm nhấn. Ngoài ra, hướng dẫn viên du lịch ở Đắk Lắk vẫn chưa đầy 100 người. Đặc biệt, số hướng dẫn viên quốc tế vẫn còn ít. Người am hiểu tiếng Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn rất hạn chế khó đáp ứng nhu cầu của du khách khi đặt chân đến địa phương.
Cơ sở hạ tầng giao thông nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động du lịch. Phía cơ quan quản lý nhà nước lại không có kinh phí để đầu tư, phát triển các địa điểm du lịch.
Tỉnh Đắk Lắk nhiều năm qua vẫn chưa khai thác được tiềm năng du lịch sẵn có. Ảnh T.X |
Dù UBND tỉnh vẫn quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp, canh nông nhưng vướng phải các vấn đề liên quan đất đai, khá nhạy cảm nên không dám đầu tư phát triển nhiều. Sở đã có đề nghị với cơ quan chức năng để phát triển 1 chợ đêm ở TP.Buôn Ma Thuột nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch xây dựng, ông Hưng bày tỏ.
Phải sớm thay đổi trước khi quá muộn
Thực tế, ngành du lịch Đắk Lắk đã chậm thay đổi, trì trệ trong nhiều năm qua. Với vai trò là tỉnh ở vị trí trung tâm vùng, Đắk Lắk phải là địa phương đầu tiên chủ động lĩnh xướng vai trò tiên phong phát triển, ''cải tạo'', làm mới chất lượng du lịch chứ không phải chờ đợi doanh nghiệp phản ứng, du khách ngán ngẩm rồi mới chịu đổi thay.
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần đánh thức tiềm năng du lịch ở địa phương trước khi quá muộn. Ảnh minh họa; Ngô Minh Phương |
Theo TS.Trần Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI): Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng về phát triển du lịch. Nhiều loại cây trồng chủ lực, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Đơn vị đang muốn phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc biệt là du lịch canh nông. Bởi, nhiều đoàn khách quốc tế đến đơn vị rất hào hứng trải nghiệm, tìm hiểu về đặc thù các giống cây; kết hợp cải tiến vườn ươm để nó trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách mong muốn có thêm nhiều cảm giác trải nghiệm mới lạ.
Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng Cục Du lịch) - chia sẻ: ''Đợt kích cầu du lịch lần thứ 2 sau dịch COVID-19 sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng tôi khẳng định, Đắk Lắk vẫn đang an toàn để chính quyền địa phương tập trung phát triển du lịch. Tỉnh chỉ cần khiến du khách không phải có tâm lý e ngại mất an toàn; kết hợp triển khai, vận hành các hoạt động du lịch một cách bài bản, trơn tru thì ngành du lịch tỉnh chắc chắn sẽ sớm phục hồi trở lại''.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ Trưởng Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch) – cho hay, các doanh nghiệp lớn đã và đang vào đầu tư ở Đắk Lắk, mong Sở VHTTDL tỉnh sớm đề nghị UBND tỉnh tập trung đầu tư nhiều hơn cho ngành du lịch địa phương đặc biệt là hạ tầng giao thông để kết nối các điểm đến. Bởi, nhiều tuyến đường về các khu du lịch nổi tiếng đang xuống cấp, rất khó di chuyển.
Ngoài ra, tỉnh cần tạo điểm nhấn bằng các sản phẩm du lịch chất lượng, gây ấn tượng mạnh với du khách. Ví như, các sản phẩm từ cà phê vẫn chưa được khai thác tốt dù đây vốn là thế mạnh của tỉnh. Cần nhấn mạnh rằng, để tạo ra được những sản phẩm chất lượng của chính doanh nghiệp địa phương thì bản thân họ phải đầu tư chất xám, tiền của để đạt được mục tiêu đó.
Theo Bảo Trung (LĐO)