Khốn khổ vì mùi hôi thối từ cơ sở thu mua,chế biến mủ cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày qua, người dân thôn Thanh Giáo (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) rất khổ sở vì mùi hôi thối bốc ra từ các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su trên địa bàn. Đặc biệt, mùi hôi thối còn gây ảnh hưởng nặng nề đến việc dạy-học của học sinh và giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong.
Theo thầy Trịnh Xuân Giáp-Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong-nhiều năm qua, nhà trường luôn phải chịu sự “tra tấn” bởi mùi hôi thối từ cơ sở thu mua mủ cao su của gia đình ông Nguyễn Quang Cảnh nằm sát bên trường. Khi nhà trường phản ánh, các ngành chức năng vào cuộc, tình trạng này đã được giảm thiểu từ cuối năm học trước. Tuy nhiên, đầu năm học 2018-2019, mùi hôi thối từ cơ sở này lại bốc lên nồng nặc khiến thầy và trò nhà trường hết sức khổ sở. “Nhà trường không để các em đeo khẩu trang trong giờ học nhưng vì mùi hôi quá nên các em phải một tay bịt mũi, còn một tay chép bài. Cứ tầm 9 giờ sáng trở đi là mùi hôi bắt đầu nặng dần cho đến chiều. Trường có một khu tập thể cho các giáo viên ở xa nhưng những người có con nhỏ cũng buộc phải gửi con đi nơi khác chứ không dám để ở đây vì sợ ảnh hưởng”-thầy Giáp chia sẻ.
 Trường THCS Lê Hồng Phong chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi thối từ các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su gần đó. Ảnh: L.G
Trường THCS Lê Hồng Phong chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi thối từ các cơ sở thu mua, chế biến mủ cao su gần đó. Ảnh: L.G
Thấy môi trường học tập của con em bị ảnh hưởng, nhiều phụ huynh Trường THCS Lê Hồng Phong rất bức xúc. Anh N.V.K.-một phụ huynh học sinh-bày tỏ: “Tôi chở con đi học một lát đã cảm thấy đau đầu không chịu nổi, đằng này con phải ngồi học cả buổi ở đó, thấy xót lắm. Những năm trước chỉ có mùi hôi ở cơ sở thu mua cạnh trường nhưng năm nay còn thêm mùi khét từ Xí nghiệp Chế biến mủ cao su của Công ty 75 (Binh đoàn 15) theo luồng gió bay xuống nên mùi càng nặng và khó chịu hơn”.
Theo ghi nhận của P.V, Xí nghiệp Chế biến mủ cao su của Công ty 75 cũng đứng chân tại thôn Thanh Giáo, cách Trường THCS Lê Hồng Phong gần 200 m. Mùi hôi thối từ xí nghiệp này đã khiến không chỉ thầy và trò nhà trường mà người dân khu vực xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Bà P.T.N. (thôn Ia Kăm, xã Ia Krêl) cho biết: “Những năm trước, mùi hôi cũng không quá khó chịu. Nhưng từ hơn 1 năm nay, khi xí nghiệp đưa vào chế biến mủ tạp thì mùi khét nồng nặc không chịu nổi. Nhà nào trong thôn cũng đóng cửa kín mít, có khi ngủ mà phải đeo khẩu trang. Đây là họ còn mới xây khu vực chứa nước thải, chứ trước từng xả trực tiếp ra hồ bên ngoài khiến cá chết rồi phải đền bù cho dân nữa”.
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Hoàng Đức Tỏa-Phó Giám đốc Công ty 75-thừa nhận: “Bà con phản ánh là đúng, nhưng chúng tôi đảm bảo quy trình chế biến mủ cao su không có vấn đề gì. Mùi hôi thối thỉnh thoảng có phát ra khi khối lượng mủ tạp tập kết chưa đủ để chế biến, tồn đọng. Chúng tôi sẽ sớm khắc phục tình trạng này và làm công tác tư tưởng với bà con để họ yên tâm. Dù thời gian này việc chế biến cao su đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá cả thấp nhưng đơn vị luôn đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu”.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thì cho hay: “Bây giờ, chúng tôi mới nhận được phản ánh. Sắp tới, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra và khắc phục ngay. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND huyện về việc buộc các cơ sở chế biến mủ cao su phải cách xa khu dân cư tối thiểu 100 m. Cơ sở nào không đủ điều kiện này thì huyện sẽ vận động di dời đến một địa điểm khác”. Cũng theo ông Thành, trước đây, huyện đã thuê đơn vị quan trắc môi trường tại khu vực Trường THCS Lê Hồng Phong. Kết quả, khu vực này tuy có mùi hôi thối nhưng không đủ mức độ để xử lý.
Lê Gia

Có thể bạn quan tâm

Tổ thu gom rác thải thôn 1 (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) được thành lập từ tháng 10-2022, duy trì các hoạt động thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Văn Dư

Nông dân xử lý rác để giảm phát thải khí nhà kính

(GLO)- Sáng 24-3, tại Trung tâm Hội nghị Pleiku Palace (TP. Pleiku), Hội Nông dân tỉnh tiến hành hội thảo và tổng kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại Gia Lai.

Drim House, ngôi nhà đậm chất Bắc giữa phố núi Pleiku

Drim House, ngôi nhà đậm chất Bắc giữa phố núi Pleiku

(GLO)- Giữa lòng phố núi Pleiku, Drim House nổi bật như một điểm nhấn kiến trúc mang đậm dấu ấn vùng quê Bắc Bộ. Không chỉ là không gian sống, Drim House còn là “hơi thở” Bắc Bộ hòa quyện cùng bản sắc Tây Nguyên, tạo nên một tổ ấm vừa quen thuộc vừa mới mẻ cho 3 thế hệ trong gia đình.

An cư sau cuộc đại di dời

An cư sau cuộc đại di dời

Cuộc đại chỉnh trang đô thị liên quan gần 40.000 căn nhà trên và ven kênh rạch trong 5 năm tới mà TP.HCM đang nghiên cứu mở ra nhiều không gian phát triển mới, nhưng cũng đi kèm việc tìm lời giải cho những mối quan tâm đặc biệt của người dân.

Nhập tỉnh

Nhập tỉnh

Nhìn vào lịch sử nước Việt dày đặc những cuộc di dân, dời đô, đổi quốc hiệu cho tới tách/nhập các đạo, lộ, phủ, châu, tổng, trấn, cho tới hương xã, thôn ốc... Phù hợp với đòi hỏi lịch sử của mỗi thời kỳ, đầy hợp lý và uyển chuyển, để có được một đất nước toàn vẹn như ngày nay.

Khu vực đường Trần Hưng Đạo-đường Nguyễn Văn Trỗi-đường Nguyễn Thái Học-đường Hùng Vương vừa được điều chỉnh thành khu vực có tính chất là đất cơ quan và đất công cộng-dịch vụ đô thị. Ảnh: Hà Duy

Pleiku: Chú trọng chất lượng quy hoạch phân khu

(GLO)- Quy hoạch phân khu là sự phân chia các khu vực trong đô thị một cách khoa học giúp tối ưu hóa việc sử dụng không gian và tài nguyên. Vì vậy, TP. Pleiku rất chú trọng đến công tác này nhằm xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa.

Đà Lạt sẽ là đô thị xanh

Đà Lạt sẽ là đô thị xanh

Hơn một thế kỷ qua, thành phố Đà Lạt vẫn giữ được ít nhiều những nét độc đáo riêng có của mình là đô thị có một hệ thống di sản kiến trúc quý giá từng được quy hoạch và xây dựng như một bản “tổng phổ” cân bằng và hài hòa với tự nhiên.