(GLO)- Hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng, việc bảo trì chậm vì “đói vốn”, trong khi mùa mưa đang cận kề, khiến công tác quản lý, bảo trì đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông của tỉnh lâm vào thế khó…
Đơn vị thi công đổ đất đá xuống ổ gà, ổ voi trên quốc lộ 14. Ảnh: Lê Anh |
Gia Lai hiện có 4 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 505 km. Trong đó, quốc lộ 19 chạy theo hướng Đông-Tây (dài 168 km), nối với các tỉnh Bình Định và Campuchia. Quốc lộ 14 chạy theo hướng Bắc-Nam (dài 113 km), nối với tỉnh Kon Tum và Đak Lak, quốc lộ 25 (dài 112 km), nối với tỉnh Phú Yên và quốc lộ 14C (dài 112 km), chạy dọc biên giới phía Tây của tỉnh. Đồng thời, với 11 tuyến tỉnh lộ có chiều dài 537 km, nối liền các huyện, thị xã, thành phố, Gia Lai là một trong những địa phương có tổng chiều dài đường bộ lớn của cả nước. Đây đều là những tuyến đường huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh.
Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường này đều được xây dựng từ khá lâu, dưới sự tác động của thời tiết, lưu lượng xe tăng nhanh, cùng điều kiện đặc thù về địa hình, địa chất của một tỉnh miền núi, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn giao thông và các tuyến đường luôn thông suốt, hàng năm cần có nguồn kinh phí lớn cho công tác duy tu, bảo dưỡng và mở rộng một số tuyến. Năm 2013, từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp hơn 12 tỷ đồng và hơn 21 tỷ đồng từ việc phân chia nguồn 35% thu phí ô tô từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho các quỹ bảo trì đường bộ địa phương để sửa chữa thường xuyên và sửa chữa vừa các tuyến tỉnh lộ, tỉnh ta đã mở rộng được một số tuyến đường ở khu vực đông dân cư, xây dựng rãnh, cống chống ngập, bảo trì các tuyến đường bị hư hỏng... trên tỉnh lộ 662, 666, 667, 668. Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp 28 tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, làm mới công trình, khắc phục bão lũ cho các tuyến quốc lộ được ủy thác cho tỉnh quản lý, nhưng chừng đó vẫn chưa thể nào khắc phục hết sự xuống cấp của hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Đức Thụy |
Đầu năm 2014, nhận thấy hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục xuống cấp, Sở Giao thông-Vận tải lập kế hoạch trình các cấp về nguồn vốn đầu tư sửa chữa ngay một số tuyến đường do địa phương quản lý. Trong đó, dự kiến sửa chữa vừa tỉnh lộ 665 (nền, mặt đường từ Km 20+00 đến Km 24+00, với chiều dài 1.700 mét), tỉnh lộ 666 (gia cố lề nhựa đoạn Km 10+00 đến Km 12+00), tỉnh lộ 668 sửa chữa nền, mặt đường, tỉnh lộ 669 xây dựng các cống hộp và tỉnh lộ 670B, với tổng mức kinh phí 19,1 tỷ đồng, kinh phí dùng để sửa chữa thường xuyên là 14 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Giao thông-Vận tải cũng đã lập kế hoạch trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng các tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý với tổng mức kinh phí gần 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở Giao thông-Vận tải vẫn chưa nhận được kế hoạch giao vốn sửa chữa hệ thống đường tỉnh. Bên cạnh đó, dù Bộ Giao thông-Vận tải đã phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ năm 2014, với các tuyến quốc lộ được ủy thác cho tỉnh quản lý, nhưng đến ngày 21-4, Sở Giao thông-Vận tải tỉnh cũng mới chỉ nhận được Quyết định số 743/QĐ-TCĐBVN của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tạm giao kế hoạch chi Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương năm 2014 với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Thọ-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng giao thông, Sở Giao thông-Vận tải cho biết: “Dù đã có kế hoạch trình lên các cấp lãnh đạo phê duyệt, nhưng đến nay nguồn kinh phí cho công tác bảo trì hạ tầng giao thông năm 2014 vẫn chưa được cấp. Vì vậy, đơn vị thi công phải vay vốn ngân hàng để thực hiện công tác bảo trì, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Trong khi mùa mưa đến gần, nếu không kịp thời duy tu, bảo dưỡng sẽ gây khó khăn cho việc đảm bảo an toàn và bảo vệ hạ tầng giao thông tại các tuyến đường tỉnh và quốc lộ…”.
Lê Anh