(GLO)- Ngày nay, mẹ đơn thân là khái niệm không quá xa lạ. Đó có thể là sự chủ động lựa chọn của người phụ nữ, cũng có thể là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, khi đã quyết định bước vào con đường này, đồng nghĩa với việc người phụ nữ chấp nhận tự gồng gánh mọi thứ để nuôi dạy con và mạnh mẽ bỏ ngoài tai những định kiến khắt khe từ xã hội.
Mới đây, người bạn học trước tôi một khóa thời đại học tên B.T. đã đăng tải dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân về vấn đề làm mẹ đơn thân. Mở đầu chia sẻ của mình, chị kể, khoảng năm 2012-2013, chị có thực hiện một phóng sự về chủ đề này. Trong số các nhân vật phỏng vấn, có người bộc bạch: “Em ơi, làm gì có ai muốn mình phải làm mẹ đơn thân đâu. Vô thế rồi thì cứ chấp nhận mà sống thôi. Giờ người ta lên tiếng kiểu cho oai chứ chị thấy không có gì để nói”. Câu trả lời ấy khiến chị T. nhớ mãi.
Năm 2019, khi chị T. đăng tấm hình mình mang bầu lên Facebook cá nhân, nhiều người để lại comment tỏ ý thắc mắc, còn chị chọn sự im lặng. Chị không sợ cực khổ, không sợ lời chê bai nhưng lại rất sợ khi có ai đó hỏi: “Vậy, em/chị là mẹ đơn thân à?”. Mỗi lần chị trả lời xong, tùy từng người hỏi mà sẽ ra 2 kiểu: một là đáng thương, hai là ngưỡng mộ. Riêng chị T. thì cho rằng, việc làm mẹ đơn thân không đến nỗi đáng thương, cũng chẳng đến mức ngưỡng mộ. “Mình không cổ vũ việc làm mẹ đơn thân, cũng không nói nhất định phải có chồng. Sướng hay khổ đều do nhân sinh quan của mỗi người quyết định, nó đơn giản là thái độ sống của mình mà thôi”-chị T. bày tỏ quan điểm.
Cách đây gần 4 năm, cô bạn học chung THPT của tôi cũng chia sẻ hình ảnh bụng bầu lên mạng xã hội. Hỏi ra mới biết, bạn vừa có tin vui và rất lâu trước đó đã quyết định làm mẹ đơn thân. Hiện nay, bạn đang sống rất vui vẻ và hạnh phúc cùng cô con gái nhỏ. Ngoài thời gian dành cho công việc yêu thích, những ngày rảnh rỗi, hai mẹ con lại cùng nhau đi du lịch, tận hưởng những giây phút bình yên. Nhìn con gái vui vẻ lớn lên, bạn dường như quên hết mọi khó khăn mà mình đã và đang trải qua, kể cả định kiến xã hội về việc “không chồng mà có con”.
Bạn tôi chỉ là 2 trong số rất nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn trở thành mẹ đơn thân. Lướt một vòng các trang mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều diễn đàn, hội nhóm “single mom” cả công khai lẫn riêng tư với hàng chục ngàn thành viên. Đây là nơi để những người mẹ đơn thân sẻ chia câu chuyện đời mình và cả những kinh nghiệm chăm sóc con cái; là nơi họ tìm thấy sự đồng điệu cả về suy nghĩ lẫn xúc cảm trong tâm hồn.
Theo các chuyên gia và bác sĩ tâm lý, việc nhiều phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân không phải là yếu tố bệnh lý mà xuất phát từ yếu tố xã hội và do họ hoàn toàn tự nguyện, tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Thế nhưng, trên thực tế, dù người phụ nữ có làm tốt vai trò “single mom” đến đâu đi chăng nữa thì sâu thẳm trong cuộc sống ít nhiều vẫn có sự mềm yếu và cần được chở che, bảo vệ. Hơn nữa, khi một đứa trẻ được sinh ra, ngoài người mẹ cũng rất cần sự dạy dỗ, chăm sóc của cả người cha để phát triển toàn diện về tâm lý lẫn tình cảm. Vì vậy, thiết nghĩ, việc đơn thân nuôi con chỉ nên là một giải pháp bất đắc dĩ; không miệt thị, thiếu cảm thông đối với “single mom” nhưng cũng không nên cổ xúy hay khuyến khích. Bởi, đích đến cuối cùng mà mỗi người phụ nữ nói riêng, xã hội nói chung hướng tới chính là những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương trọn vẹn của cả mẹ lẫn cha, dưới một mái ấm gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.
MỘC TRÀ