Khi nghĩ về một đời người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2011, chàng thanh niên đến từ Chương Mỹ (Hà Nội) Đỗ Đăng Đại từng gây ấn tượng với chúng tôi bởi câu nói: “Con muốn phấn đấu cho sự nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ đã. Tổ quốc đang cần chúng con”. Lúc đó, Đại là chiến sĩ nghĩa vụ, ra làm việc tại đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa.
Tàu kiểm ngư KN-491 lên đường làm nhiệm vụ.
Tàu kiểm ngư KN-491 lên đường làm nhiệm vụ.

1/ 13 năm sau, anh lính trẻ măng, đầy hoài bão, vẫn mải miết theo lý tưởng của đời mình, bảo vệ Biển Đông ở vai trò một kiểm ngư viên. Chỉ khác, là giờ anh có thêm một hậu phương là người vợ và cậu con trai nhỏ.

Với tôi, Đỗ Đăng Đại cũng là một người quen mặt ở Trường Sa. Tôi gặp Đỗ Đăng Đại lần đầu khi vẫn còn là anh lính nghĩa vụ “bay bay dải yếm hải quân”. Đại nhận nhiệm vụ ra Nam Yết hai lần, kịp trồng và chăm một cây đu đủ lớn rồi về bờ. Hồi còn ở Nam Yết lần thứ 2, có lần, giữa những cuộc liên lạc ngắn ngủi hiếm hoi từ đảo, Đại kể đảo vừa thu hoạch một quả đu đủ tận 7 kg. Cho đến giờ, đó vẫn là một kỷ lục ở Trường Sa. Năm 2011, mẹ của Đại còn được ra tận đảo để thăm con trai. Năm đó, Đại nói với gia đình, cậu ra đảo, vì Tổ quốc cần. Bố mẹ nghe mà rơm rớm nước mắt, nhưng ý con đã quyết, gia đình đều ủng hộ.

Hoàn thành nghĩa vụ, Đại gia nhập lực lượng kiểm ngư. Bây giờ Đại trở thành kiểm ngư viên trên tàu KN491, cũng rong ruổi khắp các vùng biển Trường Sa làm nhiệm vụ. Đại sinh vào ngày gần cuối cùng của năm. 10 năm qua, toàn thấy Đại đón tuổi mới trên biển. “Cũng chưa bao giờ Tết Dương lịch mà ở nhà, Tết Nguyên đán thì cũng ba năm liền rồi đấy chị”, Đại kể. 10 năm đủ để anh chiến sĩ nghĩa vụ trở thành một kiểm ngư viên ngoài 30 trưởng thành, làm trụ cột một gia đình nhỏ với vợ và một đứa con trai kháu khỉnh. 10 năm rong ruổi trên sóng Trường Sa, vết chân chim đã bắt đầu hiện khóe mắt, làn da thì không cách nào trở về thời còn là anh con trai mới lớn rời vùng ngoại thành Hà Nội vào Cam Ranh nữa. Tết Nguyên đán vừa rồi, Đại khoe có một cái Tết trọn vẹn bên vợ con, cho dù giữa các ngày mồng, cậu vẫn phải tất bật với các ca trực của tàu kiểm ngư. Nhưng chẳng sao, như Đại nói, Đại đã quen sóng gió. Cả năm, giữa những chuyến tàu đi về, Đại vẫn kể về những cơn sóng Biển Đông. Lại nhớ anh chàng 18 tuổi năm nào, hồn nhiên bảo bố mẹ: “Con đi cho tới bao giờ Biển Đông thôi dậy sóng”. Biển Đông có bao giờ thôi sóng?

Nguyên Trạm trưởng Trạm hải đăng Song Tử Tây, Vũ Văn Cách cũng bảo rằng chẳng có ngọn hải đăng nào mà anh chưa từng đi, sau gần 30 năm trong nghề. Anh em cứ xoay vòng sáu tháng một lần, đi lần lượt các ngọn hải đăng trên quần đảo. Mỗi bận đi về, nghỉ lâu nhất hai tháng, rồi lại đi. Nên hôm trước gặp người này ở đảo này, năm sau lại thấy ở đảo khác là chuyện bình thường. Lần nghỉ phép lâu nhất của anh Cách là một tháng, mà 30 năm, cũng chỉ có một lần một tháng đó. Như có năm tôi gặp Bùi Ngọc Hưng ở hải đăng đảo Trường Sa, sau khi đã đi hết sáu hải đăng trên quần đảo. Gần một năm sau, lại gặp anh ở hải đăng Đá Lát, đầu đã cạo gần hết tóc để cho tiện. Hải đăng Đá Lát vẫn là mẫu hải đăng cũ, với những bậc thang sắt xây dựng đã lâu. Trong khi các hải đăng ở Trường Sa đều đã lần lượt trùng tu, kết cấu bê-tông kiên cố thì Đá Lát vẫn là trạm hải đăng

“cổ lỗ” trụ sắt. Nghe anh Cách nói, anh em cũng đã dần chuyển sang nhà lâu bền ở nhờ bộ đội để bảo đảm an toàn, chỉ khi làm nhiệm vụ mới ra nhà đèn.

Ra Biển Đông, dường như ai cũng sẵn sàng tinh thần để làm những chiến sĩ, dù họ ở vị trí nào. Những kiểm ngư viên, những người gác nhà đèn, những nhân viên các trạm khí tượng thủy văn, những ngư dân bám biển, tự sâu trong họ, đều làm coi đó là những trách nhiệm hiển nhiên.

Kiểm ngư viên Đỗ Đăng Đại.

Kiểm ngư viên Đỗ Đăng Đại.

2/ Trung tá Vũ Phúc Hải cũng là một người quen mà… tôi không cần hẹn cũng gặp. Vì biết là nếu đi Trường Sa thì thế nào cũng gặp anh đang làm nhiệm vụ ở đâu đó. Năm 2017, anh làm nhiệm vụ hậu cần trên tàu 996, cơm lành canh ngọt cho mấy trăm con người giữa mùa biển động, sóng giật cấp 6-7, tàu neo ba ngày mới vào được Song Tử Tây, năm 2019, Trung tá Hải làm nhiệm vụ ở đảo Sơn Ca. Cuối năm 2022, tôi lại gặp anh, đã gần một năm ở Sinh Tồn. Tóc mỗi ngày một ít đi, làn da thì vẫn đen như cũ. Da nhuốm mầu nắng gió Trường Sa, đến nỗi chết tên Hải “đen”.

Đầu năm, tôi gặp Thượng úy CN Nguyễn Phùng Hải (Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân) trên nhà giàn DK1/10 Cà Mau. Trong cuộc nói chuyện giữa biển, anh Hải đã không thể nói hết mình đã đi qua bao nhiêu nhà giàn. Cuối cùng, anh phải mở báo cáo thành tích cũ, một bản báo cáo cho cá nhân đạt danh hiệu xuất sắc năm. Hành trang người lính từng ấy năm, cất cả trong cái tủ bé bé ở góc phòng. Bàn làm việc gắn với chiếc bộ đàm, nhận nhiệm vụ bảo đảm liên lạc thông suốt. Cuối 2007, anh Hải đi nhà 1/20 trên bãi cạn Ba Kè. Đó là lần đầu tiên, anh báo vụ nhận nhiệm vụ trên lô. Kể từ đó, cứ năm nào cũng thấy anh Hải trên một nơi nào đó giữ biển, cũng ở cái vị trí “Nhà giàn chân mây canh một hướng Tây Nam/ Khi nước triều lên nằm ngang ngọn sóng”. Năm 2009, anh Hải ở nhà 1/18, năm 2010 ở nhà 1/19, năm 2013 ở nhà 1/17… Anh Hải bảo các nhà giàn trên thềm lục địa phía nam này, anh đều đã từng ở qua. Mà chuyện vài chục năm đi lô, chẳng phải chuyện lạ ở khắp thềm lục địa phía nam.

Thượng úy CN Tống Văn Tùng cũng là một gương mặt quen. Quen tới mức, xem Facebook của anh, thấy hầu như ai cũng là friend (bạn) của anh cả. Người yêu biển đảo, không mấy xa lạ với cái tên “Người lái đò”. Kinh qua biết bao mùa đảo to, đảo nhỏ, từ Sơn Ca, Đá Tây A, Song Tử Tây, Len Đao (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), rồi lại lênh đênh trên những chiếc tàu, lái xuồng chở người, chở hàng ra đảo. Bây giờ, anh Tùng đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa. Từ dạo biết Tùng, cũng không nhớ đã mấy “tăng” anh ở ngoài biển.

Đen Vâu có một câu hát: “Một đời này có mấy lần mười năm”. Những gương mặt trên Biển Đông tôi gặp, họ cống hiến đâu chỉ 10 năm, mà còn hơn cả thế. Họ lặng lẽ làm tốt công việc của mình, để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.