Khát vọng phát triển du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Mỗi người có cách làm khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm đam mê gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Điều đặc biệt hơn,  họ cùng có chung giấc mơ để hiện thức hóa giấc mơ thúc đẩy, phát triển du lịch từ chính những bản sắc văn hóa ấy.

Con đường về làng Kon K’Tu uốn lượn theo những đường cong mềm mại của dòng Đăk Bla huyền thoại. Kon K’Tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của người dân tộc Ba Na và đây là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Kon Tum là nơi sinh hoạt cộng đồng của 138 hộ dân với hơn 736 nhân khẩu. Người Ba Na nơi đây có những nét độc đáo để du khách có những trải nghiệm hấp dẫn về bản sắc văn hóa của người dân nơi đây như: Chèo thuyền trên sông, đan lát tre nứa, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ và giao lưu văn hóa cồng chiêng…Đặc biệt hơn, nơi đây tách hẳn với thế giới ồn ào bên ngoài, bình yên đến lạ. Đến đây du khách có thể tìm thuê những chiếc thuyền độc mộc để chèo thuyền ngắm cảnh sông nước bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng và tận hưởng sự trong veo, không khí trong lành của miền núi sông và đậm chất Tây Nguyên.

Phát huy lợi thế đó, bà con đồng bào Ba Na nơi đây đã và đang hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch cộng đồng. Niềm khát vọng ấy như được tiếp thêm sức mạnh khi thành phố Kon Tum quy hoạch xây dựng làng thành điểm du lịch cộng đồng.

Bày tỏ niềm vui ấy, già A Banh (70 tuổi, nguyên già làng Kon K’Tu) không giấu được niềm phấn khởi: Từ ngày được quy hoạch thành làng du lịch cộng đồng, cuộc sống bà con vui nhiều lắm. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn mở homestay để làm du lịch. Không chỉ vậy, xã Đăk Rơ Wa còn tổ chức đưa các hộ gia đình mở dịch vụ homestay đi trải nghiệm thực tế và tập huấn ở các mô hình du lịch tại tỉnh khác. Đồng thời, liên kết với Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh đào tạo, cấp chứng chỉ dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên trong làng. Cũng từ đây, cuộc sống dân làng Kon K’Tu bước sang một trang mới. Từ những người nông dân chân đất bước hẳn sang ngành “công nghiệp không khói”.

Từ sự hỗ trợ ấy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, nâng cấp nhà cửa, phòng nghỉ, khuôn viên quanh nhà. Đồng thời, kết nối với các công ty du lịch xây dựng các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla… Từ đó đã thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.


 

 Homestay của A Kâm là điểm hấp dẫn với du khách. Ảnh: HN
Homestay của A Kâm là điểm hấp dẫn với du khách. Ảnh: HN


Là một trong những người tiên phong và khát vọng làm du lịch, anh A Kâm (làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa) đã đầu tư làm hai căn nhà sàn mới rộng hơn 50m2, xây dựng cổng chào bằng cây, bằng tre, trồng thêm hoa, cây cảnh xung quanh ngôi nhà để tạo vẻ đẹp nhằm phục vụ khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm.

Anh A Kâm cho biết: “Trong các tour du lịch, mình thường chuẩn bị các món cơm lam, rượu cần, diễn tấu cồng chiêng để du khách thưởng thức; từ đó khách biết và tới đông hơn. Cuộc sống nhờ đó cũng khấm khá hơn. Mình sẵn sàng phục vụ tốt mọi nhu cầu của khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng ở làng”.

Từ niềm khát vọng, sự nỗ lực phát huy đổi mới làm du lịch của A Kâm và sự đồng lòng của người dân trong làng, Kon K’Tu đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài.

Cũng giống như làng Kon K’Tu, dân làng Kon Brăp Ju như được tiếp thêm sức mạnh để vững tin làm du lịch. Làng Kon Brăp Ju nằm dọc theo con sông Đăk Pne, có gần 180 hộ với 760 nhân khẩu. Bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo với những ngôi nhà sàn còn giữ nguyên nếp mang vẻ đẹp cổ xưa. Đặc biệt, hiện nay, bà con làng Kon Brăp Ju đang gìn giữ và bảo quản 17 bộ cồng chiêng quý, đồng thời duy trì đội chiêng, múa xoang gần 25 người thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội lớn nhỏ và phục vụ du khách. Vì vậy, nơi đây cũng được nhiều du khách ghé thăm bởi làng còn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đó cũng là lý do huyện Kon Rẫy đang xây dựng làng thành điểm du lịch cộng đồng của địa phương.

 

Già A Jring Đeng là người tiên phong làm du lịch cộng đồng. Ảnh: HN
Già A Jring Đeng là người tiên phong làm du lịch cộng đồng. Ảnh: HN


Một trong những người đi đầu trong làng để phát triển du lịch cộng đồng chính là già làng A Jring Đeng. Bởi ông hiểu được khách du lịch, nhất là đối với du khách nước ngoài, họ rất thích và muốn khám phá văn hóa bản địa. Vì vậy, ông đã gìn giữ ngôi nhà sàn theo nếp xưa, đồng thời, tích cực vận động bà con giữ gìn nhà sàn và ngôi nhà rông truyền thống; lưu giữ các lễ hội truyền thống của dân làng…vừa để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa để thu hút khách du lịch, tạo thu nhập cho bà con.

Ông đã tự thiết kế ngôi nhà sàn của mình trở thành nơi để khách ở lại qua đêm. Khi khách có nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, thưởng thức những nét văn hóa, ông huy động đội cồng chiêng của làng sẵn sàng phục vụ du khách một cách tận tình nhất.

 “Ở đây năm nào cũng đón cả chục đoàn khách, đoàn khách này về lại giới thiệu đoàn khách khác đến. Mình đón khách bằng sự nhiệt tình, chân thành và cởi mở nên nhiều người rất thích. Sau mỗi chuyến đón khách, ngoài việc có thêm thu nhập mình còn kết thêm nhiều bạn bè, nhận được niềm vui, hạnh phúc” – già A Jring Đeng chia sẻ.

Tương tự, ở xã Măng Ri, làng Pu Tá nằm dưới dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ. Đây cũng là ngôi làng còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Vì vậy, làng đang được huyện Tu Mơ Rông xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng của huyện. Đáng mừng nhất là trong làng, chị Y Hlạng không chỉ là một nghệ nhân dệt tiêu biểu người Xơ Đăng tại địa phương mà còn là người tiên phong làm du lịch dựa trên những lợi thế về bản sắc văn hóa. Ngay trong ngôi nhà sàn của mình, chị tổ chức theo kiểu homestay khi khách có nhu cầu ở lại.


 

Tổ dệt thổ cẩm làng Pu Tá của chị Y Hlạng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: HN
Tổ dệt thổ cẩm làng Pu Tá của chị Y Hlạng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: HN


Để tạo hấp dẫn với du khách, chị Y Hlạng đã vận động cùng các chị em phụ nữ trong thôn lưu giữ và phát triển nghề dệt truyền thống. Nhờ sự nỗ lực của  chị Y Hlạng cùng với  sự ủng hộ của chị em trong làng, nghề dệt thổ cẩm ở làng Pu Tá đã từng bước được vực dậy. Đến nay, đã có đông đảo các đơn vị, cơ quan, trường học đến đặt hàng các sản phẩm thổ cẩm của làng Pu Tá. Nhiều đoàn du lịch khi ghé thăm Măng Ri cũng đặt mua các sản phẩm thổ cẩm làm kỷ niệm.

“Muốn vận động bà con được thì trước tiên mình phải là người đi trước. Bà con thấy được sẽ làm theo. Phát triển du lịch cộng đồng vừa có thêm thu nhập vừa góp phần lưu giữ và phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc”- chị Y Hlạng chia sẻ.

Rõ ràng, với khát vọng vươn lên, những con người như già A Jring Đeng, anh A Kâm và chị Y Hlạng đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương mình. Đặc biệt, qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại địa phương.

https://www.baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/khat-vong-phat-trien-du-lich-cong-dong-24229.html

Theo Hà Nam (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm