Du lịch Việt bứt tốc trên đường đua hút khách quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên, Việt Nam bỏ xa nhiều đối thủ trên đường đua thu hút du khách quốc tế; những thị trường khách truyền thống đã trở lại và tăng trưởng mạnh mẽ… Có thể nói, du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để bứt tốc vươn lên vị trí hàng đầu khu vực.

Những cuộc bứt phá ngoạn mục

Theo thông tin từ Cục Du lịch quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 đạt 1,65 triệu lượt. Mặc dù có hạ nhiệt so với 3 tháng đầu năm do bước vào giai đoạn thấp điểm của thị trường quốc tế, song con số này cũng đủ nâng tổng số khách quốc tế đến nước ta trong 4 tháng đạt 7,67 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang nằm trong top điểm đến được du khách quốc tế yêu thích
Việt Nam đang nằm trong top điểm đến được du khách quốc tế yêu thích

Đáng chú ý, về quy mô thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 1,95 triệu lượt (chiếm 25,4%). Sự trở lại ấn tượng của thị trường "khách ruột" này không chỉ đóng góp lớn vào thành tích lập kỷ lục đón khách quốc tế của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm mà còn là lần đầu tiên khiến "đối thủ hàng đầu" của du lịch Việt là Thái Lan phải thấp thỏm lo tụt hạng.

Tờ Krungthep Turakij (Thái Lan) thống kê trong quý 1 năm nay, Việt Nam đón lượng khách Trung Quốc tăng kỷ lục, đạt 1,6 triệu lượt và tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, Thái Lan chỉ đón được 1,3 triệu lượt khách từ quốc gia này trong 3 tháng đầu năm, giảm 24% so với năm ngoái và đánh dấu lần đầu tiên xứ sở chùa Vàng đón lượng khách Trung Quốc thấp hơn Việt Nam.

Trước những thông tin này, nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành của Thái Lan bày tỏ lo lắng sẽ đánh mất vị thế điểm đến du lịch hàng đầu Đông Nam Á vào tay Việt Nam trong vài năm tới. Ông Thanet Supornsahasrungsi, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Chon Buri, không ngần ngại nhận định với báo giới nước này rằng trong 2 - 3 năm tới, Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan về tổng lượng khách quốc tế, dựa vào các yếu tố như có chi phí sinh hoạt thấp hơn Thái Lan; có những khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí dành cho gia đình được xây mới nhiều với mức giá rẻ hơn so với sản phẩm tương tự ở Thái Lan; những tour trọn gói ở khách sạn tại Việt Nam thậm chí chỉ bằng nửa giá ở Thái Lan. Ngoài ra, cũng theo vị này, Việt Nam đang đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ DN lữ hành quốc tế, đặc biệt là từ Nga, hợp tác giảm giá vé máy bay… Điều này khiến nhiều công ty đã chuyển tour từ Phuket sang Nha Trang vào hè năm nay.

Du khách Nga tới Việt Nam tăng trưởng mạnh qua từng tháng
Du khách Nga tới Việt Nam tăng trưởng mạnh qua từng tháng

Lo ngại của ông Thanet Supornsahasrungsi là hoàn toàn có cơ sở bởi Nga cũng vừa xác lập dấu mốc giành lại vị trí dẫn đầu lượng khách từ thị trường châu Âu tới Việt Nam khi tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất tốt (+110,9%) trong tháng 4. Tổng cộng, thị trường Nga đã gửi hơn 166.000 lượt khách đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, cao hơn Anh (155.000 lượt), Pháp (137.000 lượt) và Đức (125.000 lượt).

Trung Quốc và Nga vốn là hai thị trường khách quốc tế lớn hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam trong thời điểm trước đại dịch Covid-19. Vì một số lý do mà hai thị trường này đều sụt giảm đáng tiếc trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng khách từ hai thị trường này liên tục có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Dù con số tuyệt đối vẫn chưa thể trở lại bằng năm 2019, song sự phục hồi đầy ấn tượng của hai thị trường khách lớn này được lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực, niềm tin cho ngành du lịch Việt Nam thực hiện các mục tiêu lớn phía trước.

Song song, các thị trường ở châu Âu tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong đó có các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực. Đặc biệt, theo Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm tới nay đạt mức tăng trưởng trong khoảng 10 - 25%, xếp thứ 7 trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nằm trong top 10, vượt xa những đối thủ khác trong khu vực như Philippines (#18), Singapore (#25), Thái Lan (#36), Indonesia (#37), Malaysia (#39).

Như vậy, ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến những sự kiện bứt phá ấn tượng ngay trong những tháng đầu tiên của năm mới.

Thừa thắng xông lên

Bắt trớn mạnh mẽ, ngành du lịch đang phối hợp vô cùng nhịp nhàng và chặt chẽ với ngành hàng không, liên tiếp mở những đường bay thẳng kết nối trực tiếp với những thị trường trọng điểm để "hốt" khách về.

10 thị trường gửi khách hàng đầu trong 4 tháng đầu năm 2025 (nghìn lượt)
10 thị trường gửi khách hàng đầu trong 4 tháng đầu năm 2025 (nghìn lượt)

Ngày 8.5, chuyến bay số hiệu VN63 với 254 hành khách, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, đã khởi hành lúc 9 giờ 45 từ sân bay quốc tế Nội Bài và hạ cánh tại sân bay quốc tế Sheremetyevo (Moscow, Nga) lúc 15 giờ 40 theo giờ địa phương, đánh dấu mốc chính thức tái lập cầu nối hàng không giữa 2 thủ đô của Việt Nam và Nga sau 3 năm tạm ngưng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ khai thác đường bay Hà Nội - Moscow với tần suất 2 chuyến mỗi tuần vào thứ ba và thứ năm. Từ tháng 7.2026, hãng dự kiến tăng tần suất lên 3 chuyến mỗi tuần để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân giữa hai quốc gia. Đối với du khách Nga, đường bay Hà Nội - Moscow là cầu nối thuận tiện để trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa phong phú của Việt Nam. Đồng thời, du khách Nga có thể tiếp tục khám phá Đông Nam Á từ Hà Nội.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nhấn mạnh: "Việc khôi phục đường bay thẳng giữa 2 thủ đô Hà Nội và Moscow mở rộng cánh cửa giao thương, giao lưu giữa Việt Nam và Liên bang Nga qua đường hàng không, đồng thời góp phần thắt chặt cầu nối tin cậy giữa hai quốc gia. Đây không chỉ là sự kết nối về mặt địa lý, mà còn là biểu tượng của quan hệ hợp tác bền chặt và ngày càng phát triển giữa hai nước". Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đánh giá chính sách miễn thị thực 45 ngày của Việt Nam cho công dân Nga và cơ chế công dân Việt Nam có thể xin visa điện tử của Nga chỉ trong vòng 4 ngày cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch hai chiều. Những yếu tố này kết hợp với đường bay thẳng kết nối thủ đô hai nước dự kiến sẽ thúc đẩy lượng khách tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Trước đó, trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến du lịch Việt Nam - châu Âu tại Trung tâm triển lãm Salone Dei Tessuti (Milan, Ý), Vietnam Airlines cũng công bố khai trương đường bay thẳng kết nối Hà Nội và Milan. Theo kế hoạch, đường bay Hà Nội - Milan sẽ được khai thác từ ngày 1.7, sử dụng tàu bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner, với tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần.

Lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh: "Đường bay thẳng Hà Nội - Milan sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá vẻ đẹp của cả Ý và Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, và Ý, với tiềm năng du lịch to lớn, chính sách miễn visa thuận lợi, được kỳ vọng sẽ là một trong những thị trường quan trọng đóng góp vào thành công này".

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đánh giá để đạt mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế rất tốt thời gian vừa qua, ngoài các chương trình xúc tiến của Bộ VH-TT-DL, còn nhờ vào sự nỗ lực của tất cả các Bộ, ngành, cơ quan, các địa phương cùng các DN hàng không và du lịch. Việc liên kết các chương trình tại các thị trường trọng điểm song song với mở đường bay mới đã cùng cộng hưởng tạo nên kết quả tích cực về công tác đón khách quốc tế.

Nhân dịp Vietnam Airlines mở đường bay mới tới Milan, Bộ VH-TT-DL cũng đã tổ chức 2 chương trình xúc tiến du lịch tại thị trường châu Âu, sau đó tiếp tục phối hợp triển khai một chương trình trình xúc tiến quảng bá du lịch điện ảnh Việt Nam tại liên hoan phim Cannes. Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch lên kế hoạch triển khai 7 chương trình phát động thị trường quy mô lớn tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam với sự tham gia của các địa phương, DN cả du lịch và hàng không.

Tổng quan du lịch Việt Nam trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm
Tổng quan du lịch Việt Nam trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm

"Thời gian tới, ngành du lịch và hàng không cũng như các Bộ, ngành khác sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, hình thức, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, các chương trình xúc tiến quảng bá để định vị thương hiệu điểm đến quốc gia tại các sự kiện lớn ở nước ngoài. Từ đó, thu hút khách quốc tế tới Việt Nam nhiều hơn nữa", ông Nguyễn Trùng Khánh thông tin thêm.

Đủ "đồ chơi" để du lịch Việt Nam vượt lên

Người Thái lo ngại Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan về tổng lượng khách quốc tế với cơ sở là nhiều loại chi phí rẻ hơn nhưng trong thực tế, ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều "vũ khí" khác.

Việt Nam có khách sạn boutique sang trọng hàng đầu châu Á - Capella Hanoi; khu nghỉ dưỡng sang trọng dành cho đám cưới hàng đầu châu Á - J.W Marriott Phu Quoc Resort… đã được vinh danh tại World Travel Awards (WTA, được xem là "Giải Oscar ngành du lịch") khu vực châu Á - châu Đại Dương. Cũng tại giải thưởng này năm 2020, sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Việt Nam - sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký để giành giải Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á. Tạp chí du lịch Cruise Passenger cũng từng giới thiệu Việt Nam là một trong các điểm đến sang trọng, có trải nghiệm hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Chỉ trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm nhà hát lớn nhất Đông Nam Á - nhà hát Sóng Xanh (Blue Waves Theatre) nằm trong Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise, hay Nhà hát Opera Hà Nội được xem như tác phẩm để đời cuối cùng của huyền thoại kiến trúc thế giới người Ý Renzo Piano. Đây đều là những công trình văn hóa mang tính biểu tượng, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành điểm đến của những nghệ sĩ toàn cầu, cùng nhau hình thành nên xu hướng du lịch nghệ thuật - giải trí quy mô quốc tế.

Đáng để kỳ vọng nhất sắp tới là Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 sẽ diễn ra tại Phú Quốc vào năm 2027. Đây có thể được xem là cơ hội lớn để du lịch Việt Nam đón đầu vận hội mới. Các chuyên gia và DN ngành du lịch đều khẳng định sự kiện APEC 2027 không chỉ là cơ hội để điểm đến Phú Quốc bứt tốc, thay đổi diện mạo và xác lập vị thế mới trên bản đồ du lịch quốc tế, mà còn là cơ hội để gia tăng nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam trên toàn cầu. APEC là diễn đàn kinh tế quan trọng, quy tụ các lãnh đạo cấp cao và doanh nhân từ 21 nền kinh tế thành viên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... Đây đều là những thị trường khách du lịch trọng điểm của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của báo chí, truyền thông quốc tế, giúp Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Các hoạt động hội nghị, triển lãm bên lề APEC 2027 không chỉ giúp Phú Quốc, mà còn tạo điều kiện cho ngành du lịch Việt Nam giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và dịch vụ du lịch đến bạn bè quốc tế.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh khẳng định Việt Nam có dư địa lớn về phát triển du lịch, nhất là các tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận… Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế, Việt Nam còn đang thua thiệt ở chỗ chưa có được các cơ quan xúc tiến quốc gia tại nước ngoài. Các đối thủ như Malaysia, Thái Lan có tới 30 văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy. Việt Nam, với tư cách là thị trường vô cùng quan trọng của các nước, cũng có tới 7 cơ quan xúc tiến du lịch của các nước đặt tại nước ta.

"Bộ VH-TT-DL đã hoàn thiện dự thảo 2 đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại một số thị trường trọng điểm, đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành liên quan để tham mưu trình Chính phủ xem xét. Song song, Bộ cũng đang triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại, trong đó có thành lập trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm, nghiên cứu lồng ghép các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua cùng những ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sức bật của du lịch Việt Nam thời gian tới", ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Website của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vươn lên xếp vị trí thứ 2 Đông Nam Á

Theo similarweb.com (chuyên trang phân tích, xếp hạng website trên toàn thế giới), trong tháng 3, website https://vietnam.travel/ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam xếp hạng 120.809 trên thế giới và vươn lên xếp vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và xếp trên nhiều điểm đến nổi tiếng như Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines. Sự thăng hạng của website phản ánh hiệu quả tích cực của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam trong đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP và Chỉ thị 08/CT-TTg.

Theo Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

(GLO)- Một ngày giữa tháng Tư, tôi có chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh. Như tín hiệu của vũ trụ, có điều gì đó thôi thúc tôi phải về với nơi mà 50 năm về trước, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui của ngày đại thắng, thống nhất non sông.