Nét chấm phá giữa núi rừng
Cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 9 km và TP.Quy Nhơn chừng 50 km, Hầm Hô (thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, H.Tây Sơn, Bình Định) hiện ra như nét chấm phá sinh động giữa núi rừng hùng vĩ. Năm 1995, nơi đây được công nhận là khu thắng cảnh cấp tỉnh nhờ vẻ đẹp độc đáo và giá trị lịch sử đặc biệt.
Dòng suối Hầm Hô thực chất là đoạn sông Kút dài hơn 10 km, chảy qua rừng già với lòng suối ken dày đá tảng kỳ lạ. Có khối đá xếp lớp như quân cờ thiên tạo, có khối phẳng lì như bàn tay khổng lồ. Hai bên bờ, đá dựng thành vách, hình thù sinh động: nào rùa, cá sấu, voi, bàn tay, quả tim… Những địa danh như thác Cá Bay, đá Bàn Cờ, đá Chùm... gợi trí tưởng tượng phong phú, khiến du khách thích thú.


Trong một bài viết công bố đầu năm 2024, TS Phạm S (khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện đã nghỉ hưu) nhận định Hầm Hô hội tụ những tinh túy nhất của thiên nhiên: có núi, có rừng, có thú, có chim trên núi, có cá dưới sông, có nước dưới chân và trời xanh cao vời vợi.
Theo ông, không ngoa khi nói Hầm Hô là một tuyệt tác thiên nhiên. Đến Hầm Hô, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh vật mà còn được thả hồn trong bản giao hưởng của thiên nhiên: tiếng chim líu lo gọi đàn, tiếng suối róc rách, tiếng gió thổi du dương như lời mời gọi dịu dàng.
Trong sách Nước non Bình Định, cố thi sĩ Quách Tấn cho rằng tên gọi "Hầm Hô" bắt nguồn từ chính âm thanh và địa hình dòng suối. Nước chảy xiết qua những ghềnh đá lởm chởm, hai bên bờ đá dựng đứng như thành lũy, tạo nên những đoạn hiểm trở, gập ghềnh. Đến một khúc quanh, dòng chảy bất ngờ đổ xuống một hầm đá rộng lớn, nước va vào đá tung bọt trắng xóa, tạo nên âm thanh "ồ ồ" vang vọng cả một góc rừng.
Tiếng nước ấy như một lời "hô" vang vọng, báo hiệu cho những người dân xuôi bè gỗ biết sắp đến đoạn nguy hiểm mà chuẩn bị ứng phó. Hầm ấy chính là Hầm Hô, nơi con suối được gọi tên từ chính âm thanh và cảnh quan kỳ vĩ nơi đây.
Một giai thoại khác cho rằng cửa hầm có những khối đá mọc chênh vênh như hàm răng hô há hốc giữa trời. Người Bình Định vốn chân chất, giản dị, nên thay vì gọi "Hầm Răng Hô", họ đã rút gọn lại thành cái tên thân thương "Hầm Hô".
Cũng theo cố thi sĩ Quách Tấn, vào mùa gió Nam, suối Hầm Hô đón những đàn cá sông Kôn bơi ngược dòng về nguồn đẻ trứng. Hàng ngàn con cá chen nhau "bay" qua thác nước nên Hầm Hô còn có tên khác là "thác Cá Bay". Truyền rằng, Long Vương mỗi năm mở hai kỳ thi tuyển hóa rồng, cá sông Kôn vào Hầm Hô để thi. Cá vượt được thác sẽ hóa rồng bay về trời, cá rớt thì bị hóa kiếp. Thế nên, Hầm Hô còn có tên là Vũ Môn.
Dòng suối của nghĩa khí anh hùng
Không chỉ là bức tranh phong cảnh kỳ vĩ, Hầm Hô còn là vùng đất ghi dấu những trang sử hào hùng. Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, Hầm Hô từng là căn cứ địa trọng yếu của phong trào Tây Sơn và phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19.



Nơi đây, danh tướng Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn, người con ưu tú của thôn Phú Mỹ, đã chọn Hầm Hô làm nơi luyện binh, rèn ý chí chiến đấu cho quân sĩ. Nữ tướng Bùi Thị Xuân, một vị tướng tài ba khác của phong trào Tây Sơn, cũng từng dẫn dắt đội tượng binh hùng mạnh về đây huấn luyện voi chiến, chuẩn bị cho những trận đánh ác liệt. Anh hùng Mai Xuân Thưởng, nguyên soái phong trào Cần Vương, từng xây dựng mật khu Linh Đổng, mật khu Hầm Hô để kháng Pháp giữa đại ngàn, biến nơi đây thành điểm tựa vững chắc cho cuộc kháng chiến gian khổ.
Ngay tại cổng vào khu du lịch, du khách sẽ thấy Dinh Tiền Hiền, nơi thờ hai vị tiền nhân Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng. Có thuyết nói hai ông từng hỗ trợ nghĩa quân Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Cũng có thuyết kể họ là bậc tiền hiền đào núi đắp đập, dẫn dòng sông Đồng Hươu tưới mát đồng ruộng vào thế kỷ 19. Câu chuyện có thật hay không, chẳng ai chắc, nhưng những dòng chảy còn đó, và đập Lộc Đổng - Kiềng Giang vẫn bền bỉ nuôi sống gần 400 ha lúa nước hạ lưu suốt bao mùa vụ. Sau năm 1975, công trình được chính quyền địa phương nâng cấp thành hệ thống thủy lợi Lộc Giang.
Hằng năm, vào ngày 20 tháng giêng, tiếng chiêng, tiếng trống lại ngân vang khắp vùng Hầm Hô. Người dân Tây Sơn cùng chính quyền địa phương long trọng tổ chức lễ giỗ hai vị tiền hiền bằng nghi thức dân gian trang trọng: tảo mộ, rước hương án, dâng hương, tế lễ theo đúng phong tục xưa với đầy đủ cờ ngũ sắc, văn tế, bộ nhạc cổ truyền.
Trong phần hội, du khách và người dân cùng nhau thắp nén hương thành kính, rồi thụ lộc lễ giỗ giữa không gian linh thiêng, vừa như một lời tri ân, vừa là cách gìn giữ mạch nguồn ký ức của vùng đất võ kiêu hùng.
Hiện nay, khu du lịch sinh thái Hầm Hô do Công ty CP du lịch Hầm Hô Rosa Alba quản lý, với tổng diện tích hơn 90 ha, trong đó 15 ha được dành để bảo vệ di tích lịch sử. (còn tiếp)
Theo Hoàng Trọng (TNO)