Những tuyệt tác thiên nhiên: Mái ấm hoang sơ giữa biển Phú Yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách đất liền chỉ 20 phút thuyền, cù lao Mái Nhà (thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải, H.Tuy An, Phú Yên) như một mái nhà bình yên giữa đại dương bao la, nơi thời gian dường như ngừng trôi và con người được trở về với nhịp thở của thiên nhiên hoang sơ.

Thế giới tách biệt

Sừng sững giữa sóng nước mênh mông, cù lao Mái Nhà hiện lên như một viên ngọc thô chưa mài giữa đại dương. Từ đất liền nhìn ra, hòn đảo nhỏ có hình dáng như một mái nhà nghiêng. Phần núi đá nhô lên như nóc, những dải cây xanh phủ xuống như mái ngói đổ dài, chở che dịu dàng.

Cù lao Mái Nhà (thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải, H.Tuy An) cách bờ khoảng 20 phút đi thuyền
Cù lao Mái Nhà (thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải, H.Tuy An) cách bờ khoảng 20 phút đi thuyền

Theo ông Võ Văn Chức (66 tuổi, ở thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải), trưởng lạch phụ trách nghi lễ cầu ngư vùng này, mái nhà trong tâm thức người Việt luôn là biểu tượng của sự che chở, bảo bọc, yên ổn. Đảo được đặt tên "mái nhà" như một lời gửi gắm ước vọng được chở che giữa muôn trùng sóng gió. "Với những ngư dân sống dựa vào biển, nơi này như một chốn trú ẩn bình yên. Cù lao Mái Nhà là nơi neo đậu bình yên, một "mái nhà" đúng nghĩa giữa sóng nước", ông Chức nói.

Ở miền Trung, người dân gọi các đảo nhỏ ven bờ là cù lao và việc gán thêm một hình ảnh quen thuộc như "mái nhà" là cách đặt tên rất đặc trưng của cư dân vùng biển. Nó thể hiện sự gần gũi, giản dị và khả năng nhân hóa thiên nhiên thành một phần máu thịt của đời sống con người.

Không như những địa danh du lịch đã nhuốm màu thị trường, cù lao Mái Nhà vẫn giữ được bản sắc nguyên sơ. Không nhà hàng, không khu nghỉ dưỡng, không ồn ào của tiếng máy nổ hay nhạc xập xình. 146,3 ha đất ở đảo này là một thế giới tách biệt: phía đông bắc còn nguyên vẹn núi đá, rừng tầng thấp chưa bị con người can thiệp; phía tây nam là gành đá nối liền bãi cát trắng mịn, nơi người dân chọn làm điểm câu cá, dựng lều nghỉ ngơi những ngày biển yên.

Trên đảo chỉ có vài nóc nhà chài lưới, sống bằng nghề biển. Không điện, không internet, không xe cộ. Ở đây, chỉ còn âm thanh của sóng vỗ ghềnh đá, gió rì rào qua vòm cây và tiếng cười nói bình dị của những con người sống cùng biển.

Truyền thuyết về thủy long thần nữ

Trên đảo có một dinh nhỏ, đơn sơ thờ bà Thủy Long, vị nữ thần của sông nước. "Chúng tôi cũng không rõ Dinh Bà có từ bao giờ, chỉ nghe ông bà xưa truyền lại rằng, trong một lần đi biển, người ta tình cờ phát hiện một pho tượng trôi dạt vào đảo. Pho tượng chỉ cao chừng 50 - 60 cm, mang gương mặt đẹp lạ kỳ, thần sắc hiền từ như một điềm lành trôi dạt vào giữa biển khơi. Thấy điềm lành, bà con liền làm lễ rước về, lập miếu thờ với ước nguyện mỗi chuyến vươn khơi đều được sóng yên, gió thuận, ngư dân được bà che chở, độ trì", ông Chức nói.

Cù lao Mái Nhà vẫn giữ nét hoang sơ hiếm có, rất thích hợp cho những du khách thích phượt đảo, khám phá
Cù lao Mái Nhà vẫn giữ nét hoang sơ hiếm có, rất thích hợp cho những du khách thích phượt đảo, khám phá

Theo thông tin của Trung tâm VH-TT-TT H.Tuy An, từ năm 1950, người dân đã lập dinh thờ bà Thủy Long Thần Nữ trên cù lao Mái Nhà. Ngư dân sùng bái, tin rằng đây là vị thần hộ mệnh cho dân chài, ban sóng yên biển lặng, cá tôm đầy khoang.

Thủy Long Thần Nữ hay còn được gọi là bà Thủy Long là một vị thần sông nước phổ biến trong văn hóa của cư dân duyên hải vùng Trung bộ và Nam bộ. Theo quan niệm dân gian, bà là nữ thần giếng, thần sông rạch, thần cù lao, thần hải đảo, tức vị thần cai quản vùng sông nước. Cũng có quan niệm cho rằng, bà là hóa thân của Thiên Y A Na, một vị nữ thần trong tín ngưỡng Champa. Vị thần này mang trong mình hai mặt đối lập. Một mặt, bà là nơi ngư dân gửi gắm sự bảo trợ trong mỗi chuyến đi biển đầy thách thức và may rủi. Mặt khác, bà cũng là biểu tượng của sự khắc nghiệt của biển cả.

Hằng năm, vào ngày 15.5 âm lịch, khi lễ cầu ngư Nam Hải diễn ra, dân làng tổ chức rước bà Thủy Long từ dinh trên đảo vào đất liền để cúng lễ. Lúc tiễn bà về, mọi người thắp hương xong phải đi lùi, không được quay lưng lại, để tỏ lòng tôn kính.

Tiềm năng du lịch xanh

Nằm cách đầm Ô Loan chỉ 4 km, cách TP.Tuy Hòa (Phú Yên) khoảng 30 km, cù lao Mái Nhà là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tách khỏi nhịp sống vội vã, để đắm mình vào không gian thiên nhiên hoang sơ và thanh bình. Không chỉ là chốn nghỉ dưỡng biệt lập, Mái Nhà còn nằm giữa mạng lưới các điểm du lịch nổi bật. Từ đây, du khách có thể kết nối hành trình đến quần thể danh thắng quốc gia Hòn Yến, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa như Gành Đá - lăng Hội Sơn, lăng Phú Thường. Trong bán kính chỉ 8 - 15 km là Gành Đá Đĩa và Bãi Xép - những "tọa độ vàng" từng xuất hiện trong bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Trên đảo, người dân thờ bà Thủy Long với mong cầu thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang
Trên đảo, người dân thờ bà Thủy Long với mong cầu thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang

Với vẻ đẹp nguyên sơ, vị trí thuận lợi và không gian văn hóa đậm đà bản sắc, cù lao Mái Nhà đang mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp khám phá văn hóa địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Tuy An, cù lao Mái Nhà là hòn đảo còn mang nhiều nét hoang sơ, rất thích hợp cho những du khách thích khám phá. "Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung phát triển du lịch tại các xã ven biển. Đồng thời, địa phương sẽ quy hoạch, phát triển đảo cù lao Mái Nhà trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thân thiện, an toàn", ông Hoàng nói. (còn tiếp)

Theo Đức Huy - Trần Bích Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo ruộng bậc thang ở xã Dun

E-magazineĐộc đáo ruộng bậc thang ở xã Dun

(GLO)- Ở xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), những thửa ruộng bậc thang không chỉ là kết quả của quá trình lao động miệt mài mà còn thể hiện sự sáng tạo và khả năng thích nghi của người Jrai với thiên nhiên.

Đến Tokyo ăn Sushi

Đến Tokyo ăn Sushi

(GLO)- Hầu như quốc gia nào, dân tộc nào cũng đều có món ăn truyền thống đặc biệt của mình. Người Việt chúng ta có phở, bánh chưng; người Ý là Pizza; người Nga là soup củ cải đỏ, bánh mì đen; người Trung Quốc có sủi cảo và người Nhật là Sushi, Sashimi…

Đậm hương vị truyền thống trong cách thức rang, giã cà phê thủ công

Đậm hương vị truyền thống trong cách thức rang, giã cà phê thủ công

Cà phê được nhâm nhi trong mỗi buổi sáng bên bếp lửa, được theo chân bà con lên rẫy, được mang ra mời khách quý của gia đình… Không chỉ mang lại sự tỉnh táo, phấn chấn cho một ngày làm việc, cà phê đã trở thành chất keo gắn kết mọi người, là món quà quý của quá trình lao động, sản xuất.