Khát vọng cống hiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là người trực tiếp xem xét hồ sơ và tham gia xét duyệt trao học bổng chương trình “Nâng bước thủ khoa 2018” do Báo Tiền Phong tổ chức, tôi có nhiều ấn tượng với các bạn thủ khoa đầu vào các trường đại học khu vực phía Nam năm học 2018-2019 xuất thân từ Gia Lai.
Ấn tượng không chỉ vì sức học mà còn vì ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên của các bạn. Trên cả là ấn tượng về những giấc mơ, khát khao đem sức lực và trí tuệ cống hiến cho cuộc đời, cho quê hương, đất nước… của những người con miền đất đỏ bazan này.
Giấc mơ tuổi 18
Thủ khoa ngành Kinh tế Đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2) là một cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương: Nguyễn Lê Gia Khánh. Cô gái mảnh mai, da trắng, tóc dài, đôi mắt sâu và đen ẩn trong cặp kính trắng này kể về giấc mơ của mình, nhẹ nhàng mà sâu lắng: “Tháng 8-2018, em thi đậu vào ngôi trường mình mong muốn. Giấc mơ tuổi mười tám của em đã thành hiện thực. Đây còn là giấc mơ của cả gia đình”. Gia Khánh kể lại, ba mẹ cô vì hoàn cảnh khó khăn nên trước kia mình đã không được đi đến tận cùng giấc mơ của họ. 
 
Đây chính là động lực thúc đẩy Gia Khánh đi xa hơn nữa trên hành trình khám phá tri thức. Và niềm mong mỏi được tự khẳng định mình đã giúp cô gặt hái được nhiều thành công. Học giỏi môn Tiếng Anh, Gia Khánh đã đạt được nhiều thành tích với môn học này trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2017-2018. Tuy nhiên, Gia Khánh lại chọn học về kinh tế. Cô lý giải: “Từ nhỏ, em đã biết về giá trị đồng tiền. Em mong muốn thấu hiểu và làm chủ được nó. Em khao khát thay đổi được điều kiện kinh tế gia đình và cả cộng đồng. Và mong ước trước tuổi 30 của em là được đưa ba mẹ đi du lịch bằng chính đồng tiền của mình làm ra”.
Trong khi đó, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông con ở huyện Kbang, Phạm Thị My mơ ước trở thành luật sư. My biết để đạt được ước mơ đòi hỏi nỗ lực học tập không ngừng của bản thân cũng như sự hỗ trợ của gia đình. Và công sức của My đã được đền đáp xứng đáng. Không chỉ là học sinh giỏi suốt 12 năm học phổ thông và từng đạt giải ba môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, My còn trở thành thủ khoa đầu vào Trường Đại học Luật (Đại học Huế) năm 2018. Ở tuổi 18, My đã chạm vào ước mơ của mình. “Em sẽ không ngừng cố gắng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để sau này trở thành một luật sư chân chính, bảo vệ sự công bằng xã hội, giúp đất nước ngày càng phát triển”-My chia sẻ.                   
Đừng từ bỏ, hãy đứng lên!
Ba mất vì bệnh ung thư. Đó là cú sốc lớn đối với gia đình và bản thân cô bé 6 tuổi Mai Nguyễn Minh Phương (huyện Kbang). Nữ thủ khoa đầu vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân 2018 tâm sự: “Ba mất, má đã hy sinh quãng đời đẹp nhất của mình và làm việc cực khổ để lo miếng cơm cho 2 con. Má dặn: “Gia đình mình không bằng gia đình các bạn khác. Các con phải luôn cố gắng”. Câu nói đó đã đi theo em suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Em sợ má sẽ không dám ngẩng đầu lên vì có những đứa con hư hỏng, lêu lổng nên đã không ngừng cố gắng học hành”. Năm lớp 12, Minh Phương được gửi vào Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh) học. “Những ngày xa nhà, nhớ má và anh Hai vô cùng, em chỉ mong thời gian trôi nhanh để được về nhà và để không phải tốn kém, vất vả cho má vì học phí trường này so với điều kiện của gia đình em là quá lớn”-Minh Phương kể. Để không phụ lòng mong đợi của má, nhiều lúc ban đêm khi các bạn ngủ, Mai Phương phải trốn vào nhà vệ sinh học bài.
 
Còn Lê Minh Huy-cựu học sinh Trường THPT Pleiku-chia sẻ: “Từ nhỏ, Huy đã rất thích ngành Luật và đeo đuổi ước mơ trở thành nhà tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp”. Nhưng hành trình trở thành thủ khoa đầu vào ngành Luật Kinh tế (Trường Đại học Mở bán công TP. Hồ Chí Minh) của Huy quá đỗi nhọc nhằn. Huy sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm Huy lên 4 tuổi, cuộc sống khó khăn nên cha em phải rời quê hương lên Gia Lai mưu sinh bằng việc phục vụ quán ăn. Một thời gian tạm ổn, ông đưa cả gia đình lên đây sinh sống. Số tiền ít ỏi cha mẹ kiếm được hàng tháng cũng chỉ đủ lo cho 2 anh em ăn học. Thương cha mẹ, Huy ước mơ sau này sẽ trở thành người thành đạt để giúp gia đình thoát khỏi hoàn cảnh thực tại, dù biết ngày đó còn rất xa. Rồi khi mẹ em phát hiện mang nhiều bệnh tật, gia đình càng thêm khó khăn vì phải lo thuốc thang. Để có thêm thu nhập, cha phải kiếm việc làm thêm. Anh trai Huy cũng nhiều lần trốn học đi làm để trang trải cho gia đình. Chán nản, Huy muốn nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình nhưng cha mẹ can ngăn. Mẹ dặn: “Con phải ráng học cho tốt. Thời buổi này không lo học thì sau này biết làm gì sống”. Lời dặn của mẹ đã tiếp thêm động lực cho Huy trong học tập. Suốt 12 năm học, Huy luôn đạt học sinh giỏi toàn diện. Huy cũng là học sinh giỏi môn Lịch sử và đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia ở môn học này.
Với Vũ Kim Tuyến, thủ khoa đầu vào khối A01 Trường Đại học Ngoại thương, để đạt được kết quả như hôm nay, cô phải bắt đầu từ ngày còn thơ bé. Cựu nữ sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương chia sẻ: “Em phải nỗ lực ngay từ khi còn nhỏ, cố gắng xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc cho hành trình bước vào cổng trường đại học. Em từng loay hoay tìm hướng đi cho bản thân và luôn phân vân trước các câu hỏi về chọn ngành, chọn trường và chọn khối thi”. Cuối cùng, cô cũng đã chọn được ngành học phù hợp: Kinh tế Đối ngoại. Tuy nhiên, áp lực học hành căng thẳng khiến cô từng muốn buông bỏ. Trước khi bước vào kỳ thi chính thức, Trường THPT chuyên Hùng Vương 3 lần tổ chức thi thử, cả 3 lần Tuyến đều chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Điều đó khiến cô càng chán nản. Song, được sự động viên từ gia đình, cô dần nhận ra những khiếm khuyết trong các lần thi thử chính là bài học quý giá để có động lực tiếp tục nỗ lực học tập. “Em muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, nhất là những bạn đi sau rằng: Đừng từ bỏ, hãy đứng lên!”-Kim Tuyến nói.
Khát khao được cống hiến
- Phương, tao mơ mày làm Công an!
Câu nói đó của anh trai đã thôi thúc, tiếp sức cho Mai Nguyễn Minh Phương quyết tâm vào ngành Công an. Nhưng khi biết nguyện vọng của Minh Phương, nhiều thầy cô, bạn bè e ngại vì lo sức khỏe cô không đảm bảo. “Dù nhiều khó khăn trở ngại, em vẫn quyết tâm vượt qua và tự dặn mình không được gục ngã”-Minh Phương chia sẻ. Ba khi còn sống làm bác sĩ, má buôn bán, anh trai làm ngành Ngân hàng nhưng Minh Phương lại thích làm Công an để bảo vệ sự bình yên cuộc sống của người dân. Minh Phương đặt mục tiêu: “Luôn nỗ lực hết khả năng để nhân dân được sống trong bình yên và hòa bình. Luôn ghi nhớ và làm theo 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam”. Và cô hứa: “Sẽ trở thành nữ chiến sĩ Công an nhân dân liêm chính, dũng cảm”.
“Em có quyết tâm, niềm tin và sự kiên trì”. Đó là khẳng định và cũng là chìa khóa để Nguyễn Thị Phương Ly, cô gái từ miền quê nghèo Ia Yok (huyện Ia Grai) biến ước mơ thành hiện thực và trở thành thủ khoa Trường Đại học An ninh nhân dân. Khát khao được đứng vào hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân đã thôi thúc Phương Ly kiên trì, nỗ lực học tập. Phương Ly mong muốn được cống hiến hết mình vì đất nước, vì nhân dân. “Dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”-người chiến sĩ an ninh tương lai bày tỏ.     
 
Riêng Vũ Kim Tuyến đặt mục tiêu thành lập và dẫn dắt một doanh nghiệp để có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho nước nhà. Vì vậy, với Kim Tuyến, đại học chỉ là cánh cửa đầu tiên để mở ra con đường đi đến ước mơ. Học đại học cũng có nghĩa là chuẩn bị đón nhận những chuỗi khó khăn mới và lớn hơn, từ việc học tập đến cuộc sống, sinh hoạt cá nhân. Chặng đường tiếp theo, Kim Tuyến xác định không chỉ học kiến thức trong sách vở mà còn học cả những kiến thức ngoài xã hội và kỹ năng trong cuộc sống.
Nguyễn Lê Gia Khánh cũng mơ ước trở thành doanh nhân để không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn đem đến cho xã hội nhiều giá trị nhân đạo khác. Đó là tiếp tục kết nối yêu thương, trợ giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học vấn. Gia Khánh nhận ra rằng, điều gì cũng có thể làm được nếu chúng ta làm bằng một trái tim nhiệt thành. Và để hoàn thành mục tiêu của mình, theo Gia Khánh, sự bền bỉ kiên trì, niềm đam mê cùng trách nhiệm cao đã và sẽ giúp cô vượt qua những thách thức trong cuộc sống.
 ĐẠI DƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cuộc sống gia đình ông Siu Nhin (bìa phải, làng Doch 2, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) ngày càng cải thiện. Ảnh: Đ.Y

Nâng cao ý thức giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số: Hướng đi bền vững

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức giảm nghèo.

Một bạn trẻ ở TP. Pleiku đang sử dụng thuốc lá điện tử. Ảnh: Đồng Lai

Cấm thuốc lá điện tử: Quyết sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng

(GLO)- Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Quyết sách này nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ dư luận bởi những tác động tích cực trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

Cây lúa từ "cánh đồng thanh niên" không chỉ mang lại sự no đủ cho hàng trăm người dân Giẻ Triêng ở huyện vùng cao Quảng Nam, mà còn giúp bao nhiêu người vươn lên thoát nghèo. Trong hành trình đặt nền móng cho cây lúa nước nơi vùng đất gian khó này, sức trẻ đã in dấu đậm nét.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thuyết trình về tranh vẽ chủ đề 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: M.N

“Tiếp lửa” truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

(GLO)- Để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiểu rõ về truyền thống 80 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), các tổ chức Đoàn-Hội-Đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng-chống mua bán người cho cán bộ Đoàn huyện Đak Đoa

Tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng-chống mua bán người cho cán bộ Đoàn huyện Đak Đoa

(GLO)- Sáng 10-12, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), Văn phòng Bộ Công an phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổ chức chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng-chống mua bán người dành cho cán bộ Đoàn cơ sở.

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

Cô giáo Gen Z truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh Pleiku

(GLO)- Với tấm bằng IELTS 8.0, Mai Ngọc Anh (SN 2000)-Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã truyền cảm hứng học tập cho nhiều học sinh ở TP. Pleiku. Nhiều hoạt động hướng về cộng đồng được cô giáo Gen Z triển khai giúp thanh thiếu nhi có thêm những kỹ năng giao tiếp bổ ích.

Chàng trai xứ Mường mang bát phở “hương vị ngàn năm” về phố núi Pleiku

Chàng trai xứ Mường mang bát phở “hương vị ngàn năm” về phố núi Pleiku

(GLO)- Mỗi sáng cuối tuần, quán Ẩm thực Dông Ưng 2 (số 154 đường Phạm Ngọc Thạch, phường Đống Đa, TP. Pleiku) lại trở thành điểm hẹn quen thuộc của thực khách gần xa. Chỉ trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, quán bán ra gần 1.000 bát phở gà mang “hương vị ngàn năm”, thỏa lòng người Phố núi.

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

Nữ bác sĩ quân y tận tụy với công việc

(GLO)- Đại úy Trần Thị Thu Hà-Trợ lý Quân y (Ban Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh. Đặc biệt, chị còn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội thao Quân sự quốc tế 2022 (Army Games) tại Liên bang Nga.