Emagazine

E-magazine “Khát nước” bên công trình thủy nông - Kỳ 2: Nước chờ... kênh mương


Mặc dù nằm trong vùng tưới, song nhiều năm qua, hơn 2 ha mía và hoa màu của bà R’Ô H’Đinh (buôn Prong, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) vẫn chưa được hưởng giọt nước nào từ công trình hồ chứa nước Ia Mlah. Nguyên nhân là do hệ thống kênh mương phụ dẫn nước chưa được đầu tư xây dựng đến khu vực sản xuất của gia đình. Hàng năm, ngoài “nước trời”, vợ chồng bà H’Đinh phải bơm nước từ suối lên tưới chống hạn cho cây trồng, tốn kém nhiều công sức, tiền bạc. “Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương phụ để chủ động nguồn nước tưới giúp nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời giảm chi phí sản xuất cho người dân”-bà H’Đinh bày tỏ.



Tương tự, gia đình chị Rmah H’Sin (làng Kia, xã Chư Don, huyện Chư Pưh) cũng có gần 5 sào lúa nước nằm cạnh kênh tưới của đập dâng Plei Thơ Ga. Thế nhưng, mỗi khi vào vụ Đông Xuân, gia đình chị vẫn phải khổ sở tìm nguồn nước chống hạn cho lúa. Chị H’Sin nêu thực trạng: “Hầu hết kênh dẫn của đập dâng Plei Thơ Ga đã xuống cấp hoặc thấp hơn mặt ruộng nên không thể dẫn nước vào ruộng. Tôi cũng như các hộ dân ở đây phải đào thêm kênh để lấy nước vào ruộng”.



Theo ông Đặng Lê Minh-Bí thư Đảng ủy xã Chư Don, toàn xã có khoảng 250 ha lúa nước có thể canh tác 2 vụ. Tuy nhiên, vào vụ Đông Xuân, người dân chỉ gieo trồng được khoảng 100 ha, diện tích còn lại bỏ không vì thiếu nước tưới.



Cùng thực trạng, tại xã Ayun (huyện Chư Sê), nhiều cánh đồng vẫn đang khô hạn dù cách đó không xa là kênh mương chính dẫn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo. Anh Rơ Mah Lang (làng A Chông) rầu rĩ nói: “Tôi có hơn 5 sào lúa tại cánh đồng làng. Dù kênh chính của công trình thủy lợi Plei Keo đã về đến khu sản xuất của dân làng nhưng do chưa có hệ thống kênh phụ dẫn nước về cánh đồng nên tôi cũng như nhiều hộ khác vẫn chỉ sản xuất được lúa 1 vụ, dựa hoàn toàn vào nước mưa. Nhìn một số hộ dân có nước sản xuất lúa 2 vụ tôi cũng thích và mong mỏi lắm!”.



Còn tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), từ khi công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thành vào năm 2016 đến nay, người dân cũng chưa được hưởng lợi nhiều bởi phần lớn đất sản xuất bị vướng vào đất rừng, chưa thể chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp. Ông Rơ Mah Tuýt (làng Klăh) cho biết: “Tôi có 3 ha đất chưa có hệ thống kênh mương dẫn nước tưới, vẫn phải dựa vào nước mưa để sản xuất. Chúng tôi mong Nhà nước sớm quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương cấp 2 và kênh nội đồng dẫn nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr cung cấp cho bà con sản xuất, giúp tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo”.



Theo thiết kế, hệ thống thủy lợi Plei Thơ Ga sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 620 ha lúa 2 vụ và 1.000 ha cây công nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt cho 19.000 người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh ở thời điểm hiện tại và 28.300 người vào năm 2035. Tuy nhiên, dự án chỉ xây dựng kênh chính dài hơn 7 km, kênh nhánh N2 dài hơn 1 km và N4 dài 641 m. Hệ thống kênh tưới không được đầu tư mà tận dụng từ kênh của 2 đập dâng: Plei Thơ Ga (xã Chư Don) và Ia Hlốp (xã Ia Blứ) đã có từ nhiều năm trước. Trong khi đó, kênh dẫn của 2 đập này khá nhỏ, nhiều đoạn đã xuống cấp, thậm chí thấp hơn mặt ruộng khiến hiệu quả sử dụng thấp. Vậy nên, dù hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga đi vào hoạt động thì cũng mới chỉ tưới cho khoảng 250 ha lúa 2 vụ, bằng 40% năng lực tưới theo thiết kế ban đầu.



“Hệ thống kênh mương chưa được đầu tư đồng bộ là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều diện tích đất của người dân trên địa bàn xã nói riêng và các địa phương hưởng lợi từ công trình thủy lợi Plei Thơ Ga chưa có nước để sản xuất. Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương để địa phương khai thác có hiệu quả công trình, giúp nâng cao đời sống người dân xã Chư Don và các xã lân cận như Ia Blứ, Ia Phang”-Bí thư Đảng ủy xã Chư Don đề xuất.



Tương tự, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Do nguồn vốn hạn chế nên công trình thủy lợi Plei Keo chỉ mới đầu tư xây dựng kênh chính và một phần kênh cấp I. Chính vì vậy, nhiều diện tích trong vùng dự án chưa thể canh tác, công trình chỉ phát huy được một phần hiệu quả. Đến nay, người dân chỉ sản xuất được khoảng 200/500 ha cây trồng và công trình chỉ có thể tưới cho 270/500 ha của khu tưới. Để phát huy hiệu quả dự án cần thiết phải đầu tư xây dựng cả công trình đầu mối và hoàn thiện hệ thống kênh dẫn nước cũng như hệ thống các trạm bơm. Ngoài ra, phần lớn đất canh tác của người dân đều có địa hình dốc, từng thửa ruộng nhỏ nên cũng cần quan tâm bố trí vốn để cải tạo đồng ruộng nhằm giúp bà con đưa cơ giới vào sản xuất thuận lợi.



Cũng vì hệ thống kênh mương chưa được đầu tư hoàn thiện nên tổng diện tích thực tưới của công trình hồ chứa nước Ia Mlah đạt gần 3.000 ha (600 ha lúa nước 2 vụ, còn lại là cây trồng khác), trong khi theo thiết kế, diện tích tưới của công trình khoảng 5.150 ha, trong đó tưới tự chảy 3.862 ha và tưới tạo nguồn 1.288 ha.



Lý giải về tình trạng hồ thủy lợi đầy nước nhưng nước không đến tận cánh đồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Ngọc An cho biết: “Trên thực tế, các công trình mới xây dựng giai đoạn 2017-2021 như: Tầu Dầu 2, Ia Rtô, Plei Thơ Ga, Plei Keo… do nguồn vốn đầu tư công hạn chế nên mới chỉ đầu tư xây dựng cụm đầu mối và hệ thống kênh chính, kênh cấp I. Vì vậy, ngày 17-6-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 429/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi (hệ thống kênh cấp dưới, kênh nội đồng); thời gian hoàn thành vào năm 2026, đảm bảo phát huy hiệu quả nhiệm vụ thiết kế của các công trình đã đầu tư”.


Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.