Khánh Hòa, Bình Định dừng vận chuyển hành khách đi TP.HCM và ngược lại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trước tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động vận chuyển hành khách đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 30/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã phát đi thông báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó đưa ra biện pháp giám sát, theo dõi đối với người trở về tỉnh Khánh Hòa từ Thành phố Hồ Chí Minh kể từ 0 giờ ngày 31/5.
Cụ thể, người Khánh Hòa đến và về từ toàn bộ quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, Quận 12 và các điểm đang phong tỏa khác thuộc Thành phố Hồ Chí Minh phải cách ly tập trung 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Đối với các quận, huyện còn lại của Thành phố Hồ Chí Minh, người trở về phải cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.
Cũng chiều 30/5, Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa đã có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị quản lý bến xe khách về việc tạm dừng vận tải hành khách tuyến Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, kể từ 0 giờ ngày 31/5 đến khi có thông báo mới.
Các phương tiện thực hiện chủ trương này bao gồm xe vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ tỉnh Khánh Hòa đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa yêu cầu các phương tiện đang trên hành trình đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại phải nhanh chóng giải tỏa khách, thực hiện vệ sinh sát khuẩn phương tiện, đưa phương tiện về nơi đậu đỗ; yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe nghiêm túc thực hiện khai báo y tế về đến nơi cư trú, sát khuẩn, đeo khẩu trang và thường xuyên theo dõi sức khỏe.
Ngoài ra, các phương tiện hoạt động vận tải hành khách có hành trình đi qua các tỉnh, địa bàn khác (vùng có dịch) thì không được dừng, đỗ để đón, trả khách; các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch giảm tần suất, hạn chế số lượng phương tiện, bố trí giãn cách và thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến chiều 30/5, toàn tỉnh không có ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng; có 6 trường hợp đang cách ly tập trung, 265 trường hợp đang cách ly tại nhà và 2.019 trường hợp tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang ký văn bản hỏa tốc số 3082/UBND-VX về việc thực hiện một số biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Bình Định quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe du lịch, xe hợp đồng, xe taxi từ Bình Định đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, kể từ 0 giờ ngày 31/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, tỉnh Bình Định sẽ áp dụng cách ly y tế tập trung theo quy định 21 ngày đối với người đến và về Bình Định từ các khu vực, điểm dịch và vùng phong tỏa theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Áp dụng biện pháp cách ly tại nhà theo quy định 14 ngày đối với người đến và về Bình Định từ các khu vực khác thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giao Chủ tịch UBND huyện Vân Canh thành lập chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Quốc lộ 19C, thuộc làng Canh Phước, xã Canh Hòa trước 0 giờ ngày 31/5 với phương châm 5 tại chỗ: Y tế tại chỗ, công an tại chỗ, quân sự tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ để rà soát, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, tổ chức cách ly theo quy định đối với người đến và về từ các tỉnh, thành phía Nam về tỉnh Bình Định.
Tiên Minh-Phạm Kha (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.