Khẩn trương khắc phục tình trạng chia cắt trên quốc lộ 25

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau hơn nửa ngày bị chia cắt do đoạn đường tạm tại xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) bị nước lũ cuốn trôi, giao thông trên quốc lộ 25 đã được nối lại vào trưa 17-10.  

Tối 16-10, mưa lớn đã gây sạt lở trên quốc lộ 25, đoạn đường dẫn lên đèo Tô Na (thuộc địa phận xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa). Đặc biệt, vào khoảng 19 giờ cùng ngày, mưa lớn và nước suối dâng cao đã cuốn trôi một đoạn đường tạm do đơn vị thi công đắp lấy lối đi tránh qua khu vực thi công cống hộp tại Km 120 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 gây chia cắt tạm thời thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa.

Cận cảnh vị trí đường tạm bị dòng nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Lê Hòa
Đoạn đường tạm bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Lê Hòa

Ông Đặng Xuân Toàn-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã-cho biết: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ khoảng 17 giờ ngày 16-10, trên địa bàn thị xã liên tục có mưa lớn. Đến khoảng 20 giờ, tại vị trí thi công cống hộp ở Km 120 quốc lộ 25 (ranh giới 2 xã Ia Sao và Ia Rtô), nước suối dâng cao ngập đường tạm. Ủy ban nhân dân thị xã đã chỉ đạo lực lượng Công an, dân quân địa phương bố trí người chốt chặn, không cho người dân và phương tiện qua lại vị trí này để tránh nguy cơ xảy ra tai nạn. Đến 23 giờ, nước suối bắt đầu rút. Tuy nhiên, dòng nước lũ đã cuốn trôi cống thoát nước và một đoạn đường tạm.

 Khối đá lớn nằm chắn giữa lòng đường gây cản trở giao thông trên đèo Tô Na. Ảnh: Lê Hòa
Nhiều khối đá lớn nằm chắn giữa lòng đường gây cản trở giao thông trên đèo Tô Na. Ảnh: Lê Hòa


Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Ayun Pa đã báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất hỗ trợ. Đồng thời, bố trí lực lượng chốt chặn tại vị trí điểm giao giữa quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông để thông báo cho người dân, phương tiện quay đầu, tránh gây khó khăn cho công tác xử lý.

Sau khi nhận được thông tin, ngay trong đêm 16-10, Sở Giao thông-Vận tải cùng đơn vị quản lý đường bộ, lãnh đạo thị xã Ayun Pa đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục sự cố. Ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: “Đây là tuyến đường huyết mạch, bởi vậy, việc xử lý phải được tiến hành nhanh chóng để sớm khôi phục lại giao thông”. Đến sáng 17-10, khi mực nước suối dần rút, đơn vị thi công đã lắp đặt hệ thống cống thoát nước mới cho đường tạm và đắp đất đá, dần khôi phục lối đi tạm. 

Máy xúc được điều động từ huyện Krông Pa lên hỗ trợ xử lý sự cố sạt lở tại chân đèo Tô Na. Ảnh: Lê Hòa
Máy xúc được điều động từ huyện Krông Pa lên hỗ trợ xử lý sự cố sạt lở tại đèo Tô Na. Ảnh: Lê Hòa

Cũng trên quốc lộ 25, còn 2 vị trí sạt lở tại khu vực đường dẫn lên đèo Tô Na. Nhiều khối đá lớn nằm chắn ngang mặt đường, buộc phải huy động máy móc di chuyển để lấy lối đi. Tuy nhiên, do hướng tiếp cận từ thị xã Ayun Pa đi huyện Krông Pa bị chia cắt bởi đường tạm bị cuốn trôi, Sở Giao thông-Vận tải đã phải huy động phương tiện, máy móc từ Krông Pa lên để xử lý. Riêng hướng di chuyển từ đèo Tô Na về trung tâm thị xã Ayun Pa, do gặp sự cố ở cả hai đầu nên một số phương tiện (chủ yếu là xe tải) buộc phải quay đầu về hướng huyện Krông Pa. Phía huyện Krông Pa cũng đã bố trí lực lượng chốt chặn nhằm thông báo không cho người và phương tiện di chuyển lên đèo Tô Na, đề phòng rủi ro. “"Đến 11 giờ 30 phút ngày 17-10, giao thông trên tuyến đã cơ bản được khôi phục toàn bộ”-ông Đoàn Hữu Dũng thông tin.

Đến 11 giờ 30 phút ngày 17-10, vị trí đường tạm bị nước lũ cuốn trôi đã được khắc phục và lưu thông trở lại. Ảnh: Lê Hòa
Đến 11 giờ 30 phút ngày 17-10, giao thông trên quốc lộ 25 đã được khôi phục trở lại. Ảnh: Lê Hòa


Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa Đặng Xuân Toàn cho biết thêm: Do ảnh hưởng của các trận mưa lớn tối 16-10, trên địa bàn thị xã còn xảy ra 1 vụ bị sập tường tại Trường Tiểu học-THCS Lê Văn Tám (phường Cheo Reo); nhiều diện tích hoa màu, lúa của người dân bị ngã đổ (chưa có thống kê cụ thể).

“Địa phương phát huy tinh thần chủ động phòng-chống, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên chủ quan trước mưa bão để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Đến thời điểm này, các sự cố do thiên tai gây ra đều được nắm bắt, xử lý kịp thời, chưa để xảy ra sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng nhân dân do lỗi chủ quan trước mưa lũ”-ông Toàn cho hay.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.