Kbang quyết liệt ngăn chặn hành vi xâm hại rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tình trạng xâm hại rừng ở huyện Kbang vẫn còn diễn biến phức tạp.

Do vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là ở những khu vực rừng giáp ranh.

Rừng vẫn bị xâm hại

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng và đơn vị chủ rừng của huyện Kbang đã bắt giữ 12 vụ khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái), tịch thu hơn 16 m3 gỗ các loại.

Cụ thể, 3 vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, Sơ Pai và Ban Quản lý rừng phòng hộ xã Nam (xã Tơ Tung); 3 vụ vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra trên địa bàn xã Lơ Ku, thị trấn Kbang; 5 vụ tàng trữ, mua bán lâm sản trái phép tại các xã: Krong, Sơn Lang, Sơ Pai và thị trấn Kbang; 1 vụ vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập (xã Sơn Lang).

Một vụ khai thác gỗ trái phép tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku (xã Lơ Ku, huyện Kbang). Ảnh: M.P

Một vụ khai thác gỗ trái phép tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku (xã Lơ Ku, huyện Kbang). Ảnh: M.P

Ông Nguyễn Văn Hợi-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai-cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty đã phối hợp tổ chức 20 đợt tuần tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, tình trạng lén lút khai thác, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm rừng làm nương rẫy vẫn còn xảy ra.

“Người dân sống gần rừng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, sinh kế dựa nhiều vào rừng nên tình trạng khai thác, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm rẫy vẫn còn xảy ra. Mặt khác, một bộ phận thanh-thiếu niên không có việc làm nên đã bị đối tượng xấu xúi giục, lôi kéo tham gia các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật”-ông Hợi nêu nguyên nhân.

Mặc dù thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm tặc nhưng trên lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong) vẫn xảy ra 2 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ông Hồ Ngọc Thọ-Giám đốc Công ty-cho hay: Đơn vị quản lý, bảo vệ hơn 7.590 ha rừng tự nhiên, lâm phần trải rộng trên địa bàn các xã: Krong, Đăk Rong, Sơn Lang và Sơ Pai.

Trong đó, 78% diện tích rừng của đơn vị nằm trên địa bàn xã Krong với 9 làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đáng chú ý, phần lớn diện tích rừng nằm phân tán, rải rác, xen kẽ với đất nông nghiệp của người dân, địa hình hiểm trở và có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ

Ông Vũ Quang Sáng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang-thông tin: Kbang và huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) có tuyến đường ranh giới dài khoảng 60 km với các xã giáp ranh gồm: Vĩnh Sơn, Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), Sơn Lang, Sơ Pai, Đăk Smar, Nghĩa An (huyện Kbang). Ngoài ra, xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) có đường ranh giới dài khoảng 12 km tiếp giáp với xã Sơn Lang (huyện Kbang).

Tại các vị trí giáp ranh thường có diện tích rừng rộng, giao thông đi lại khó khăn nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Từ năm 2017 đến nay, ở khu này, huyện Kbang đã tiếp nhận, xác lập hồ sơ xử lý 50 vụ (hành chính 43 vụ, hình sự 6 vụ) vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tịch thu hơn 100 m3 gỗ các loại, 2 xe ô tô, xe độ chế và 40 xe máy, phạt tiền 176 triệu đồng, buộc trồng lại 3.500 m2 rừng sản xuất.

Cơ quan chức năng của huyện Kbang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ảnh: M.P

Cơ quan chức năng của huyện Kbang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ảnh: M.P

Dù các cấp, ngành và đơn vị chủ rừng đã có nhiều nỗ lực, song tình trạng lén lút khai thác, vận chuyển, tàng trữ, lấn chiếm rừng làm nông nghiệp vẫn còn xảy ra. Một số vụ vi phạm chỉ dừng lại ở chỗ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm vắng chủ mà không điều tra, xác minh được đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo pháp luật nên tính răn đe, giáo dục các đối tượng khác không cao.

“Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục phối hợp với UBND các xã, đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Đồng thời, tăng cường lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp”-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Sơn cho rằng: Tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ở vùng giáp ranh vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng lâm tặc dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng địa hình hiểm trở, cấu kết với các đối tượng khác trong vùng để hoạt động.

Trong khi đó, việc phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm khu vực giáp ranh chỉ mới ở mức gặp gỡ, trao đổi thông tin, tổ chức ký cam kết nhưng chưa cụ thể hóa các biện pháp phối hợp nên các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ở vùng giáp ranh vẫn còn diễn ra.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt nội dung quy chế phối hợp đã ký kết với các huyện vùng giáp ranh của tỉnh Bình Định, Kon Tum; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, đơn vị chủ rừng tập trung phối hợp bảo vệ tốt diện tích rừng vùng giáp ranh”-ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Cùng với việc tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuần tra bảo vệ rừng, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện việc giao đất, giao rừng, khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm nâng cao thu nhập, hạn chế việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy, xâm hại đến tài nguyên rừng.

Có thể bạn quan tâm