(GLO)- Với mục tiêu góp phần ổn định đời sống nhân dân, trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Ia Grai đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây lúa nước theo đề án mở rộng diện tích lúa nước trên địa bàn. Đề án triển khai thực hiện với tổng kinh phí trên 10,077 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 8,061 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp), được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2014 đến 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020.
Ảnh: Quang Tấn |
Ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Huyện Ia Grai có khoảng hơn 165 ha đất có thể trồng lúa nước đang bị bỏ hoang, chưa đưa vào sản xuất. Phần lớn diện tích này người dân không sản xuất hay bị ngập úng vào mùa mưa, do không canh tác nên cây cối, cỏ dại mọc um tùm, bờ ruộng bị sạt lở, kênh mương nội đồng bị bồi lấp. Do đó, cần hỗ trợ người dân khai hoang phục hóa, đầu tư kênh mương nội đồng. Trước mắt trong giai đoạn 2014-2015, huyện ưu tiên mở rộng diện tích ở những cánh đồng dễ thực hiện.
Theo đó, trong 2 năm 2014-2015, huyện tập trung đầu tư mở rộng và đưa vào sản xuất hơn 100 ha với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước là hơn 5,7 tỷ đồng. Người dân được hỗ trợ khai hoang, phục hóa 10 triệu đồng/ha theo quy định, hỗ trợ giống lúa (100%) và vật tư nông nghiệp (50%) trên ruộng mới khai hoang, phục hóa năm đầu, tương ứng gần 14 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi hiện có và xây dựng mới các công trình tích trữ, tiêu thoát nước, hệ thống kênh mương nội đồng. Tùy vào tình hình và điều kiện thực tế của từng cánh đồng mà bố trí, lựa chọn các hình thức đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi hợp lý, phát huy hiệu quả tốt nhất, tránh đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ hoặc đầu tư xong dân không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí. Cụ thể, trong 2 năm 2014-2015, huyện đầu tư nâng cấp một số công trình hiện có nhưng hệ thống kênh mương tưới tiêu chưa hoàn chỉnh để mở rộng hơn 100 ha tại 4 xã (Ia Chía, Ia Khai, Ia O, Ia Krai) với kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Ảnh: Đức Thụy |
Bên cạnh đó, để phát triển, mở rộng diện tích có khả năng sản xuất, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương về đảm bảo an ninh lương thực. Phối hợp với các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… vận động các đoàn viên, hội viên có ruộng bỏ hoang, gương mẫu xuống đồng sản xuất. Đối với các hộ dân có ruộng nhưng không sản xuất thì cần có biện pháp trưng dụng có thời hạn để bố trí cho các hộ có nhu cầu sản xuất.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh việc đưa giống lúa mới cho năng suất, sản lượng cao vào sản xuất, thay thế dần các giống lúa địa phương, đầu tư áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Huyện phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích lúa nước 2 vụ toàn huyện lên 1.700 ha (tăng 100 ha so với năm 2010) và lúa 1 vụ đạt 2.600 ha (tăng 100 ha so với năm 2010), đảm bảo cân đối nhu cầu lương thực trên địa bàn, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra.
Quang Tấn