Ia Grai: Đường liên xã xuống cấp nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau nhiều năm khai thác, nhiều tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện Ia Grai, Gia Lai đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Mới đây, chúng tôi có chuyến thực tế ghi nhận hiện trạng xuống cấp của tuyến đường liên xã Ia Krai-Ia Chía. Dọc tuyến đường dài hơn 6 km, bắt đầu từ ngã ba Xe Tăng (xã Ia Krai) đến điểm cuối thuộc làng Pó (xã Ia Chía), nhiều đoạn đã hư hỏng tạo thành những hố sâu nằm rải rác trên đường. Ở nhiều đoạn dốc, mặt đường đã bong tróc hết, để lộ những viên đá móng lớn hoặc tạo thành “ổ gà”, “ổ voi”. Đặc biệt, đoạn dốc Biên phòng (thuộc địa phận làng Bang, xã Ia Chía) với chiều dài tầm 500 m, nền đường đã hư hỏng hoàn toàn, lởm chởm đá kè móng. Em Đinh Thị Duyên-học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) cho hay: “Nhà em ở làng Kom Ngó (xã Ia Chía) nhưng học tại Trường THCS Lê Lợi. Hàng ngày, em vừa đến trường, vừa phải đưa đón 2 em đi học vì bố mẹ bận đi làm. Em rất sợ mỗi khi đi qua đoạn dốc này. Có lần trời mưa to, nước dưới dồn về dưới chân dốc, dâng ngập nửa xe máy, em phải nhờ người lớn đưa xe vượt qua dòng nước mới tiếp tục trở về nhà”.
 Dốc Biên phòng (làng Bang, xã Ia Chía) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: H.L
Dốc Biên phòng (làng Bang, xã Ia Chía) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: H.L
Tương tự, anh Trần Văn Khánh (làng Pó, xã Ia Chía) bức xúc: “Tôi thường xuyên đi thu mua nông sản của bà con ở khu vực xã Ia Chía và các xã lân cận. Mỗi khi chở hàng về qua con dốc này, tôi rất sợ. Đường nhỏ hẹp, nền đường bị xe tải trọng lớn cày nát 2-3 năm rồi nhưng không thấy tu sửa, trong khi mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại giao thương, các cháu đi học, công nhân đi chở mủ cao su… Chúng tôi tha thiết mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ sửa chữa con đường để người dân đi lại an toàn, thuận lợi”.
Cách dốc Biên phòng không xa, trên tuyến đường liên xã Ia Krai-Ia Chía đoạn chạy qua làng Pó cũng rất xấu, từng xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông. Anh Siu Tâm (làng Pó) nói: “Năm ngoái, mình đưa một người cùng làng bị ngã ở dốc làng Pó và bị thương rất nặng đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mình làm công nhân cao su tại Đội 20 (Công ty TNHH một thành viên 74, Binh đoàn 15) nên thường xuyên phải đi cạo mủ vào ban đêm rồi chở mủ về đơn vị. Do đường xấu nên việc đi lại rất nguy hiểm, khi gặp xe ô tô thì xe máy chỉ còn nước dạt vào lề để tránh”. Thực tế, chỉ vài giờ đồng hồ tác nghiệp dọc tuyến đường này, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến 2 trường hợp bị ngã; trong đó, 1 trường hợp xe công nông chở cỏ vì tránh xe tải lớn và đàn trâu đi ngược chiều đã chệch choạc mất lái lao xuống mương nước ngay cổng trụ sở Đội 20 (Công ty 74) và 1 trường hợp người đi xe máy vấp đá tự ngã ngay chân dốc Biên phòng.
Trước đây, Báo Gia Lai đã có bài phản ánh tình trạng xuống cấp trên tuyến đường liên xã Ia Krai-Ia Chía. Sau đó, huyện Ia Grai đã tiến hành sửa chữa một phần tuyến đường này (đoạn từ ngã ba làng Bang đi trung tâm xã Ia Chía). Tuy nhiên, đoạn từ ngã ba Xe Tăng đi làng Pó lại chưa được sửa chữa. Nói về hiện trạng xuống cấp của tuyến đường liên xã này, ông Kpah Yan-Chủ tịch UBND xã Ia Chía-cho biết: Tuyến đường được đầu tư xây dựng từ năm 2010, nền đường rộng 6,5 m, mặt đường đá dăm láng nhựa rộng 3,5 m. Sau nhiều năm khai thác, do không được tu sửa thường xuyên nên nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau mùa mưa vừa qua, mặt đường tiếp tục bị bào mòn, bong tróc tạo thành “ổ gà”, “ổ voi”. Tại một số đoạn, cống thoát nước bị bồi lắng, rãnh thoát nước bị xói lở làm ảnh hưởng đến nền đường, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. “Để đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông qua lại được thuận tiện, an toàn, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng như các khu vực lân cận, chúng tôi thấy việc sửa chữa tuyến đường này là cần thiết và cấp bách”-ông Yan nhấn mạnh.
Tương tự, tại tuyến đường liên xã Ia Hrung-Ia Bă cũng có một số đoạn bị bong tróc bề mặt, gây nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông. Em Phạm Thế Đan (học sinh lớp 7A Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Ia Bă) nói: “Chúng em đi học hàng ngày trên con đường này bằng xe đạp. Nhiều bạn từng bị ngã vì đường xấu, nhất là khi trời mưa phải đi xuống phần lề đường đất trơn trượt”. Còn chị Đồng Thị Kim Lý-mẹ em Đan-lo lắng: “Đường xấu như này mình đi còn lo, huống hồ các cháu còn bé. Mỗi lần cháu đi học, tôi lo lắm nhưng do bận việc không đưa đón cháu thường xuyên được. Tôi mong cơ quan có thẩm quyền xem xét tu sửa lại tuyến đường để người dân đi lại đỡ nguy hiểm”.
Theo ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai: “Thời gian qua, huyện Ia Grai đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện có một số tuyến đường liên xã được xây dựng từ nhiều năm trước, lưu lượng phương tiện tương đối lớn nên đã xuống cấp. Trước thực trạng này, Phòng Kinh tế-Hạ tầng đã xem xét, đưa vào kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới”.
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.