(GLO)- Hàng năm, huyện Kbang gieo trồng gần 33 ngàn ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, trên địa bàn hạn hán thường xảy ra vào vụ Đông Xuân và nhất là trên cây lúa. Nguyên nhân trực tiếp do một số cánh đồng có công trình thủy lợi nhưng thiếu nước tưới, trồng lúa không ăn chắc, bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp. Cánh đồng làng Kung (xã Sơ Pai) người dân chỉ sản xuất được một vụ, cánh đồng suối Khăm (xã Tơ Tung) với diện tích hơn 50 ha, người dân các làng Nam Cao, Cao Lạng, Thái Sơn, Đầm và Khương chỉ sản xuất được vụ mùa, còn vụ Đông Xuân hàng năm chỉ sử dụng làm nơi chăn thả trâu, bò.
Trước thực tế nhiều cánh đồng chỉ sản xuất một vụ gây lãng phí, hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích thấp, huyện Kbang đã triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014-2020 nhằm hạn chế tình trạng hạn hán xảy ra. Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2014-2015, huyện sẽ chuyển đổi khoảng 70 ha diện tích trồng lúa sang trồng cây rau màu và giai đoạn 2016-2020 huyện tiếp tục chuyển đổi thêm 95 ha nữa.
Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng dự kiến vụ Đông Xuân 2014-2015 của huyện Kbang là 5.672 ha cây trồng các loại. Trong đó, cây lương thực có hạt (lúa, bắp lai) là 2.296 ha, cây tinh bột 340 ha, cây thực phẩm (rau, đậu các loại) 1.269 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 1.735 ha và một số loại cây trồng khác khoảng 32 ha. Huyện Kbang sẽ chuyển 63 ha tại cánh đồng suối Khăm và khu sản xuất lúa nước một vụ của làng Cao Sơn, Klếch, suối Lơ (xã Tơ Tung) và 7 ha tại cánh đồng làng Kung (xã Sơ Pai) sang trồng bắp lai 30 ha, còn 40 ha trồng rau màu, đậu đỗ các loại.
Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Huyện chỉ đạo các ban ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất và giúp người dân vươn lên làm giàu bền vững. Hiện huyện đang triển khai mô hình trồng đậu cô ve lùn, đậu tương, đậu phụng với quy mô 3 ha tại cánh đồng làng Kung (xã Sơ Pai), huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí mua giống và phân bón theo quy trình cho người dân. Sau khi mô hình kết thúc, huyện sẽ cho nhân rộng ra diện tích còn lại trong những vụ tới. Tuy nhiên, để mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người dân, xây dựng mô hình thí điểm đưa vào những loại giống phù hợp, đồng thời, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… Ngoài ra, huyện triển khai kế hoạch tái canh và ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2015-2020 với tổng diện tích hơn 711 ha.
Ngoài ra, để sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi, huyện đã đưa ra lịch thời vụ cho từng loại cây trồng, từng khu vực như các xã phía Nam và Tây Nam tập trung xuống giống từ đầu tháng 12-2014 đến trung tuần tháng 1-2015, các xã phía Bắc bố trí từ ngày 10-12-2014 đến 30-1-2015, chậm nhất đến 15-2-2015 phải gieo cấy dứt điểm.
Lê Nam