Chuyển đổi cây trồng mang tính bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp cho người dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu… Đặc biệt, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thị xã An Khê không ngừng chuyển đổi các loại cây trồng trên địa bàn.

Theo kế hoạch, vụ mùa 2013 toàn thị xã trồng 5.210 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cây mía 2.325 ha, chiếm hơn 1/3 tổng diện tích cây trồng; cây lương thực có hạt 1.000 ha, cây rau, đậu các loại 1.025 ha... Trong khi đó diện tích cây bắp chỉ có 114 ha, cây mì 858 ha. Tính đến thời điểm này thị xã đã gieo trồng hơn 2.604 ha cây trồng các loại (2.362 ha mía lưu gốc) các loại cây trồng khác hiện bà con mới bắt đầu xuống giống.

 

Nông dân sản xuất vụ mùa. Ảnh: L.N
Nông dân sản xuất vụ mùa. Ảnh: L.N

Trong cơ cấu cây trồng của thị xã An Khê, mía là cây trồng chủ lực, vì thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chịu hạn tốt, có giá trị kinh tế cao và ổn định... Hiện cây mía trên địa bàn chiếm 37,3% tổng diện tích gieo trồng. Để phát triển kinh tế ổn định, hạn chế ảnh hưởng thời tiết thất thường như hạn hán có thể xảy ra thì cây mía là lựa chọn hàng đầu.

Do đó, thị xã đang hướng đến mục tiêu sẽ quy hoạch vùng chuyên canh cây mía ở các xã, phường như: Thành An, Tú An, Xuân An, An Phước và An Bình. Đồng thời, để nâng cao năng suất mía, thị xã tập trung chuyển đổi giống năng suất thấp sang giống chất lượng cao như K88-92, K95-84, LK92-11…

Cùng với cây mía, các cây trồng khác cũng sẽ được chuyển đổi. Theo đó tập trung phát triển cây lúa nước 2 vụ ở các xã: Cửu An, Song An, Thành An, Tú An và phường An Phước là những nơi có công trình thủy lợi đảm bảo; khai hoang thêm diện tích đất trong vùng tưới các trạm bơm An Phước, Thành An, Tú An…

Trên cây bắp sẽ tập trung phát triển ở những vùng đất phù sa ven sông, suối hoặc những vùng đất trồng luân canh sau khi đã trồng 3 vụ mía, 1-2 vụ mì. Tận dụng những vùng đất đồi núi trọc, những vùng đất bạc màu phát triển diện tích mì gắn với quy hoạch vùng chuyên canh cây mì ở các xã: Song An, Cửu An, Xuân An, Tú An, phường Ngô Mây, An Phước. Bên cạnh đó, tiếp tục nhân rộng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao trên địa bàn thị xã; đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa theo hướng hàng hóa, phong phú về chủng loại cung cấp cho thị trường như: cúc đại đóa, đồng tiền, li li, hồng, cẩm chướng…  

Ngoài ra, với các mô hình trồng rau trong nhà lồng tại phường An Bình, Ngô Mây, cây ăn quả như thanh long ruột đỏ (xã Cửu An), nhãn lồng, chôm chôm tại các xã Song An, Thành An, phường An Tân… cũng đang phát huy hiệu quả. Mô hình trình diễn canh tác cây bắp lai ở đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình trình diễn thâm canh cây mì, bắp lai có sử dụng nước tưới đang phát triển tốt, là cơ sở để nhân rộng các vụ gieo trồng sau.

Ông Phan Vĩnh Tấn- Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết thêm: Việc mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích là việc làm cấp thiết tại thời điểm hiện nay và trong thời gian đến, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả ổn định và bền vững.

Ngoài ra, do quỹ đất và diện tích đất trên địa bàn ít, nên chủ trương của thị xã là nhân rộng một số mô hình mới thay thế cho những loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp. Trong thời gian tới thị xã sẽ nhân rộng mô hình trồng rau trong nhà lồng, trồng hoa theo hướng công nghệ cao… góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.