Hương lá é...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng là giáo viên dạy Ngữ văn Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Krông Pa, từng sống và tiếp xúc với học sinh người Jrai nên tôi đã quen với những bữa cơm gia đình có hương lá é.

 

 Cây é. (Ảnh: internet)
Cây é. (Ảnh: internet)

Những ngày mưa lạnh. Nắm lá tươi non vừa được hái từ vườn nhà đem rửa sạch, thêm mấy trái ớt xiêm xanh, ít muối và bột ngọt rồi cho tất cả vào cối giã nhẹ đều tay cho đến nhuyễn, đến sánh thành một hỗn hợp vừa ăn. Thế rồi cứ thế trộn ăn cùng cơm nóng. Ôi, cái hương vị vừa thơm thơm vừa hăng hăng đặc biệt ấy tất tật thấm vào từng hạt cơm lúa nương của đồng bào còn nguyên cả lớp vỏ cám bên ngoài, càng nhai càng ngọt càng ngon. Thơm, ngon mà cũng rất cay. Bởi cay là vị đặc trưng trong các món ăn của người dân vùng “chảo lửa”. Cay thôi rồi, cay chưa từng thấy. Cay đến chảy nước mắt, nước mũi. Cay đến độ vã mồ hôi. Cay đến mức cứ vừa ăn vừa suỵt soạt. Ấy thế mà ngon ngót hết đến mấy chén cơm. Ấy thế mà cứ nghĩ đến là thèm, là nhớ!

Người dân Krông Pa (Gia Lai) gọi đó là món muối lá é, một loại lá gia vị đặc trưng của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nhưng người sành ăn ở vùng này chỉ chọn ăn loại lá é được trồng ở chính đất Krông Pa, vùng cát trắng khô cằn quanh năm thiếu nước. Cây é ở đây cằn cỗi, lá nhỏ, dày và có một lớp lông tơ. Loại é này giã muối mới thơm, mới đậm. Ngoài dùng trộn cơm ăn, muối lá é thường được dùng làm thức chấm của nhiều món thịt heo, bò, gà khác nhau tạo nên hương vị độc đáo và mang nét đặc trưng riêng của vùng lòng chảo.

Ví như các món gà chấm muối lá é. Chọn đúng loại gà ri thả rẫy của đồng bào làm sạch, hấp hoặc nướng chín cả con rồi cứ thế ngồi mà thong thả xé từng miếng và chấm muối é thì có mà hết cả con, ăn không biết chán bởi vị ngọt đậm đà và hương thơm đặc biệt của gà thấm với cái thứ muối màu xanh xanh ấy chả lẫn với một món ăn nào khác. Nó ngon tuyệt đỉnh, ngon đặc biệt, chỉ cần thưởng thức một lần thôi sẽ nhớ mãi.

Ví như các món thịt heo chấm muối lá é. Heo luộc, heo quay, heo nướng chấm đều ngon. Còn heo sữa thì nhất. Chọn đúng heo sọc dưa của đồng bào làm sạch rồi cho cả con vào quay hoặc nướng chín. Đem xắt ngay khi còn bốc hơi nghi ngút rồi chấm với muối lá é thì tuyệt hảo. Nó béo, ngọt, thơm. Nó kích thích tất cả các giác quan...

Đến Krông Pa, người ta cũng thích thưởng thức món thịt bò. Nhiều người tếu táo đã truyền nhau rằng đến xứ này mà chưa được ăn thịt bò thì coi như chưa đến. Dù thịt bò tươi hay bò một nắng, mà cũng phải đúng loại bò cỏ Krông Pa, cứ thế xắt dọc theo thớ thịt, to và dày như bàn tay, tẩm sơ gia vị rồi đem nướng chín. Và cứ thế ngồi ngay cạnh lò than, xé dọc từng thớ hoặc dùng kéo cắt từng miếng nhỏ mà chấm muối lá é thì ngon thôi rồi. Nó thơm nức mũi, nó mềm và ngọt đến tận chân răng. Nó ngon tới mức có thể sánh được với bất cứ những món cao sang khác.

Không chỉ dùng làm thức chấm, muối lá é còn được dùng để nêm trong rất nhiều những món ăn từ xào đến nấu. Nấm mối xào, măng le xào. Rồi lẩu gà; canh lá mì, canh cà đắng, canh dưa non... tất cả đều nêm lá é. Tất cả đều rất hợp, rất đượm, rất thơm. Và những hương vị ấy, hương vị của lá é trong từng bữa ăn đã trở nên quen thuộc, trở thành những gì gắn bó thân thương...

Rồi một ngày bất chợt ở nơi xa, những món ăn ấy, hương vị ấy đã trở thành nỗi nhớ, thành ký ức của bao người đã từng sống, từng đến với vùng đất không còn “vừa xa vừa xóc” như câu ca, vùng lòng chảo khô cằn đầy nắng gió mà thấm đượm tình người.

Sen Hạ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.