Hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, nghề nuôi chim yến phát triển mạnh ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vì hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Để đảm bảo cho nghề này phát triển bền vững, hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào Ayun Pa, UBND thị xã đã thuê một đơn vị xây dựng đề án quy hoạch vùng nuôi chim yến và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khi nuôi.

Nghề “siêu” lợi nhuận

Ông Nguyễn Văn Toàn (phường Đoàn Kết) tiên phong xây nhà dẫn dụ chim yến về nuôi ở vùng đất Ayun Pa. Sau 11 năm nuôi chim yến, gia đình ông thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Ông Toàn chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 nhà nuôi yến tại thị xã Ayun Pa. Mỗi tháng, tôi thu hoạch được 20 kg tổ yến thô, bán với giá 18-20 triệu đồng/kg. Với tổ yến khô đã làm sạch thì mức giá dao động trong khoảng 28-30 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, tôi cũng làm dịch vụ lắp đặt thiết bị dẫn dụ, tư vấn nuôi chim yến cho người dân trong vùng”.

Với 8 năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, gia đình bà Nguyễn Thị Lợi (phường Hòa Bình) đang có thu nhập “khủng” từ nghề này. Theo tính toán, mỗi tháng, gia đình bà thu hoạch được hơn 10 kg tổ yến thô, bán được 180-200 triệu đồng.

 Người dân thị xã Ayun Pa có thu nhập cao nhờ nuôi chim yến lấy tổ. Ảnh: Hoành Sơn
Người dân thị xã Ayun Pa có thu nhập cao nhờ nuôi chim yến lấy tổ. Ảnh: Hoành Sơn


Thành công từ những người tiên phong đã thúc đẩy nghề nuôi chim yến ngày càng phát triển ở thị xã Ayun Pa. Nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định và hứa hẹn sẽ còn tăng cao trong những năm tiếp theo.

Ông Hồ Văn Diện-nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho hay: “Xây dựng 1 nhà nuôi chim yến cao 4 tầng, khoảng 400 m2 sàn hết khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau 2 năm dẫn dụ chim về làm tổ sẽ cho thu hoạch ổn định với năng suất 1-2 kg tổ yến thô/tháng. Tôi có 3 nhà nuôi chim yến cho thu nhập rất ổn định. Nuôi chim yến đang là nghề mới “siêu” lợi nhuận, là mỏ “vàng trắng” ở Ayun Pa”.

Quy hoạch vùng nuôi chim yến

Nghề nuôi chim yến không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho không ít lao động ở khu vực Đông Nam tỉnh. Một đội ngũ lao động phổ thông chuyên đảm nhận nhiệm vụ phụ giúp người nuôi chim yến khai thác, sơ chế tổ đã hình thành ở các địa phương này.

Chị Trần Thị Bích Liên-chủ Cơ sở sản xuất, mua bán, chế biến các sản phẩm từ yến sào Liên Thành Liên (số 153 Lê Hồng Phong, phường Đoàn Kết)-cho hay: “Cơ sở của chúng tôi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài sử dụng tổ yến khai thác từ nhà yến của gia đình, chúng tôi còn thu mua tổ yến của các hộ khác để sơ chế thành sản phẩm tổ yến khô, tươi. Hiện tại, cơ sở thường xuyên có 3 nhân công chuyên nhặt lông, làm sạch tổ yến thô sau thu hoạch. Mỗi nhân công được trả thù lao 200 ngàn đồng/ngày hoặc 200 ngàn đồng/lạng tổ yến thô. Hiện có khoảng 100 người chuyên đảm nhiệm việc thu hoạch, làm sạch tổ yến thô cho các hộ nuôi yến ở Ayun Pa”.

 Khấm khá từ nuôi chim trời. Ảnh: Hoành Sơn
Hầu hết nhà nuôi chim yến ở Ayun Pa đều nằm trong khu dân cư. Ảnh: Hoành Sơn


Làm công việc phụ giúp người nuôi yến ở thị xã Ayun Pa hơn 5 năm qua, chị Nguyễn Thùy Minh (phường Sông Bờ) bộc bạch: “Hàng ngày, tôi đến cơ sở nhận tổ yến thô rồi làm sạch lông và vết bẩn. Nghề này đòi hỏi người làm có đôi mắt sáng để nhặt những sợi lông tơ, tạp chất nhỏ và cần sự tỉ mỉ, cẩn thận nên thích hợp với phụ nữ. Công việc không nặng nhọc mà tiền công ổn định, khoảng 180-200 ngàn đồng/ngày. Mấy năm gần đây, lượng người làm công cho chủ cơ sở nuôi yến ngày càng nhiều”.

Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Ayun Pa có 120 cơ sở nuôi yến, tăng hơn 30 cơ sở so với năm 2019. Hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi chim yến đã “đánh thức” khát vọng làm giàu của người dân Ayun Pa. Tuy vậy, sự phát triển ồ ạt theo hình thức tự phát của nghề này kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Một trong trong số đó là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ loa dẫn dụ chim lắp trên nhà yến.

Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ngày 9-7-2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND quy định: Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 19-7-2020, các cơ sở nuôi chim yến trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư phải chấm dứt hoạt động hoặc di dời đến nơi đúng quy định.

Nghị quyết này nhận được sự đồng tình của người dân trong tỉnh. Dù vậy, nhiều hộ nuôi chim yến trong khu dân cư trước ngày 9-7-2020 vẫn mong mỏi một giải pháp cụ thể hơn đối với nghề này để giúp người dân làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Toàn kiến nghị: “Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền sớm hình thành vùng quy hoạch nuôi chim yến để di dời vì nghề này cần nhiều thời gian dẫn dụ mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi rất muốn di dời nhưng theo quy định thì cơ sở nuôi chim yến chỉ được đặt ở vùng đất nông nghiệp, trong khi không thể xin cấp phép xây nhà kiên cố, cao tầng trên đó”.

Tương tự, anh Huỳnh Thanh Thọ-một chủ cơ sở nuôi chim yến ở xã Ia Rtô nêu ý kiến: “Qua tìm hiểu, tôi thấy đến nay cũng mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh quy hoạch vùng nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ. Nhờ nuôi chim yến nên người dân có thu nhập rất cao. Tôi mong muốn tỉnh sớm hình thành vùng quy hoạch nuôi chim yến ở thị xã Ayun Pa để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa-cho biết: Nuôi chim yến lấy tổ là một nghề “siêu” lợi nhuận tại địa phương.

“Ủy ban nhân dân thị xã đang hỗ trợ một số hộ dân xây dựng sản phẩm tổ yến sào để tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, thị xã phấn đấu xây dựng thương hiệu yến sào Ayun Pa và đang đặt hàng cho 1 công ty uy tín để xây dựng chi tiết đề án quy hoạch vùng nuôi chim yến cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi. Hy vọng đề án sẽ hỗ trợ người dân thị xã trong việc nuôi chim yến”-Trưởng phòng Kinh tế thị xã khẳng định.

 HOÀNH SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.