(GLO)- Đến hết năm 2014, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Nam Gia Lai (BIDV Nam Gia Lai) thành lập được một năm rưỡi. Đánh giá cho thấy, Chi nhánh (CN) đã xây dựng được một đội ngũ khách hàng tốt, xây dựng được thương hiệu, tạo chỗ đứng vũng chắc trên thị trường Gia Lai.
Giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao và ổn định, hiệu quả là mục tiêu cơ bản của BIDV Nam Gia Lai trong năm 2014. Theo đó, quy mô, hiệu quả đạt được của CN đã đáp ứng điều kiện đạt chuẩn hạng I vào cuối năm 2014, nghĩa là chỉ sau hơn 1 năm khi mới tách ra từ BIDV Gia Lai, vượt thời gian. Cụ thể, vốn huy động lúc mới chia tách là 545 tỷ đồng thì đến cuối năm 2013 đạt 1.435 tỷ đồng và đến 2014 đạt 2.300 tỷ đồng (tăng 900 tỷ đồng so với năm 2013), tỷ lệ tăng 25%. Với chỉ tiêu dư nợ cho vay, lúc mới thành lập là 3.000 tỷ đồng, cuối năm 2013 là 3.600 tỷ đồng và đến cuối 2014 là 4.500 tỷ đồng. Kết quả đó đưa BIDV Nam Gia Lai xếp thứ 4 về huy động vốn và xếp thứ 5 về dư nợ cho vay, trong tổng số 26 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, CN đã hoàn thành kế hoạch do trung ương giao, được xếp loại xuất sắc.
Ảnh:Thất Sơn |
Năm qua, CN chủ yếu phát triển khách hàng vừa và nhỏ. Nguồn vốn tập trung phục vụ phát triển cây cao su, cà phê, kinh tế trang trại, cho vay cán bộ, công nhân viên, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD). Cho vay kinh tế trang trại của CN tuy mới triển khai nhưng thành công có ý nghĩa rất lớn (cuối năm 2014, dư nợ cho vay kinh tế trang trại hơn 130 tỷ đồng). Quan niệm của CN về trang trại được mở rộng hơn rất nhiều. Chủ trang trại có thể vay vốn sử dụng cho mục đích SXKD, tiêu dùng hay các nhu cầu khác, nhưng chủ yếu hướng vào khả năng hoàn trả gốc, lãi đầy đủ cho ngân hàng. CN đi sâu tiếp cận và mở rộng đối tượng khách hàng này trên cơ sở phân tích đánh giá chủ trang trại có phương án SXKD hiệu quả, có tri thức, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm SXKD thành công.
Năm 2015, CN xác định sẽ tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm nợ xấu xuống dưới 1,2% tổng dư nợ (mức cho phép là 3%). Chi nhánh xác định phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng gắn với bảo toàn vốn vay và phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội. Để làm được điều đó ngoài việc tuân thủ chính sách, pháp luật, đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải bám sát chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Từ những khó khăn của nền kinh tế tác động trong thời gian khá dài, CN nhận định phải tính đến bài toán dài hơi hơn. Nghĩa là phải tính đến cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, sản phẩm trong nông nghiệp. Do không tính đến việc đa dạng hóa ngành nghề, cây trồng, sản phẩm, tính toán cẩn thận chu kỳ, quy luật giá cả sản phẩm nên nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá đắt. Lại phải đa dạng hóa, mở rộng thị trường, gắn với không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khi “được mùa”, doanh nghiệp, người sản xuất cũng phải tính đến lúc “thất bát”, phải biết để dành vốn, tiết kiệm chi tiêu phòng khi “lỡ vận”, thất thời để có thể chống đỡ, vượt qua. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh cao su không còn nghĩ đến việc tái canh mà tập trung vào việc tạo việc làm, giảm áp lực về vốn. Ví như diện tích cao su trong diện thanh lý sẽ làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ. Với cây cà phê thì những diện tích gần nước, sản xuất thuận lợi sẽ tiếp tục được đưa vào sản xuất.
“Những nội dung này, BIDV Nam Gia Lai và Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15) vừa có hội thảo mổ xẻ, phân tích sâu sắc nhằm tìm kiếm hướng đi phù hợp với giai đoạn còn nhiều thử thách ở phía trước. Chúng tôi nghĩ đầu tư vào nông nghiệp theo hướng khai thác tài nguyên đất đai, đồng cỏ gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như Hoàng Anh Gia đang làm là hướng đi phù hợp với lợi thế địa phương, đất nước hiện nay và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả bền vững”- ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc BIDV Nam Gia Lai, cho biết.
Thất Sơn