Emagazine

E-magazine Hướng đến “ẩm thực xanh”

“Ẩm thực xanh” là sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ, đảm bảo an toàn sức khỏe cho thực khách nói chung và khách du lịch nói riêng. Điều này càng thêm ý nghĩa khi ẩm thực đang tạo ra sức hút ngày một lớn, trở thành một trong những tiêu chí khách du lịch cân nhắc, lựa chọn khi đến với một địa phương. Tuy nhiên, tại Pleiku, những nhà hàng, quán ăn theo đuổi mục tiêu này còn khá hiếm hoi.

Nằm ở vị trí đắc địa, có view ngắm được toàn cảnh Biển Hồ từ trên cao, lâu nay, nhà hàng chay Ánh Quang (236F Tôn Đức Thắng, xã Biển Hồ) được nhiều du khách xem là điểm đến du lịch ẩm thực. Bà Đặng Thị Huệ-Chủ nhà hàng-cho hay: Sau gần 30 năm ăn chay trường, cơ sở này là tâm huyết của bà với mong muốn quảng bá kênh thực phẩm chay hữu cơ, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Có lẽ đây là nhà hàng đầu tiên trên địa bàn TP. Pleiku hướng đến “ẩm thực xanh” ngay từ khi ra mắt.

Bà Huệ thông tin: Hơn 100 sản phẩm chay do cơ sở sản xuất và nhập từ nơi khác về cũng như thức món chế biến tại nhà hàng đều là sản phẩm hữu cơ. Thức món chay ở đây khá phong phú với mức giá dao động từ 20 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng/món; thức uống cũng rất đa dạng, có cả kem tráng miệng thuần chay làm từ sữa thực vật. Trong chế biến, đầu bếp không dùng bột ngọt và đường trắng, chỉ nấu bằng đường vàng.

Để có được nguồn cung rau củ quả đảm bảo chất lượng, nhà hàng chay Ánh Quang đặt hàng Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku), đồng thời thu mua thêm của các hộ trồng rau sạch, nấm sạch trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhằm lan tỏa giá trị của những bữa ăn “xanh” cùng thông điệp bảo vệ môi trường, nhà hàng chủ trương dùng hộp bã mía, ly giấy, túi ni lông tự hủy… thay cho đồ nhựa sử dụng 1 lần. Bà Huệ bày tỏ: “Tôi chỉ mong làm được gì đó cho đời sống này. Có những cái lợi không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong. Điều ấy làm tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Chưa dừng ở đó, bà Huệ còn dự định xây dựng 1 homestay tại TP. Pleiku dành riêng cho du khách chuộng ăn chay. Trong khuôn viên homestay này, bà sẽ trồng một số loại rau củ, vừa tạo không gian đẹp mắt, vừa đáp ứng tiêu chí “ẩm thực xanh”. Khách đến đây có thể nghỉ ngơi, tự thu hoạch rau và nấu những bữa ăn sạch theo ý thích.

Ngoài nhà hàng chay Ánh Quang, không dễ tìm thấy địa chỉ du lịch ẩm thực nào trên địa bàn TP. Pleiku đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của “ẩm thực xanh”. Có nhà hàng khi P.V liên hệ phỏng vấn về vấn đề này thì người quản lý liền khéo léo tìm cớ bận để né tránh.

Đây là điều dễ hiểu, bởi ngoài lý do thực phẩm sạch có giá thành cao hơn khiến thức món “đội giá” thì việc quản lý chặt chẽ chất lượng cũng không đơn giản. Trao đổi với P.V, ông Cao Huyền Tuấn Anh-Chủ homestay Tiên Sơn Pleiku (xã Tân Sơn) cho biết: Homestay đón lượng khách khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần, lễ, Tết hoặc khi tổ chức tiệc cưới ngoài trời. Lúc cao điểm, cơ sở phục vụ hàng trăm thực khách mỗi ngày nên việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Thịt, cá, hải sản chế biến phục vụ du khách lưu trú tại đây đều nhập từ những cơ sở uy tín. Tuy nhiên, mặt hàng rau củ thì còn một số cái khó. Theo ông Tuấn Anh, hiện nay, sản phẩm rau sạch chưa thật sự đa dạng, ví dụ nhà hàng cần 10 loại rau củ để chế biến nhưng chỉ đặt hàng được 5-7 loại, chưa kể lượng cung có lúc thiếu hụt.

Nêu quan điểm về việc vận động các địa chỉ du lịch ẩm thực tiên phong cung ứng những bữa ăn “xanh” đến du khách, Chủ homestay Tiên Sơn Pleiku khẳng định: “Tôi hoàn toàn ủng hộ vì đây là vấn đề rất hay, rất đáng quan tâm, phù hợp với mục tiêu xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Tuy nhiên, để làm được điều này thì trước tiên cần đảm bảo chuỗi cung ứng tại địa phương, đa dạng sản phẩm để các cơ sở không quá vất vả trong khâu thu mua nguyên liệu. Ngoài ra, cần có sự kiểm định thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo độ tin cậy về chất lượng các sản phẩm này”.

Đã nhiều lần đến với Pleiku, chị Lê Thị Như Quỳnh-du khách TP. Hồ Chí Minh-nhận xét: “Tôi dành nhiều tình cảm với thành phố này không chỉ bởi nơi đây có nhiều cây xanh, không khí trong lành, nhiều điểm đến gần gũi với thiên nhiên mà còn vì có các món ăn địa phương rất ngon. Tôi nghĩ ẩm thực là một tiêu chí quan trọng khi bạn quyết định chọn đến một nơi du lịch, cũng là thứ dễ gợi nhớ đến vùng đất ấy cho bất cứ ai từng đến”. Bên cạnh đó, chị Quỳnh cũng bày tỏ: Tuy khá hài lòng vì được thưởng thức nhiều món ngon của địa phương song chị vẫn băn khoăn về mức độ an toàn thực phẩm trong chế biến cũng như nguyên liệu đầu vào.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai-khẳng định: Du lịch ẩm thực đang là xu hướng được nhiều du khách quan tâm. Ngày 21-2 vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh đã nghiệm thu đề tài “Tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch”. Đề tài do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam chủ trì, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa làm Chủ nhiệm. Điều này cho thấy giá trị và sức hút ngày càng lớn của ẩm thực trong định hình thương hiệu du lịch của một vùng đất.

Đầu năm 2023, tạp chí du lịch nổi tiếng Travel+Leisure đã đánh giá Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn nhất khu vực châu Á. Cũng cần nhắc lại, trong số các thức món hấp dẫn này không thể không nói đến phở khô Gia Lai-1 trong 12 món ăn nổi tiếng Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á vào năm 2012. Nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa ẩm thực Việt, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa phát hành bộ tem “Ẩm thực Việt Nam” nhằm giới thiệu 4 món ăn trong top 12 kể trên, gồm: miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng và phở khô Gia Lai. Từ đây có thể thấy, trách nhiệm gìn giữ và nâng tầm thương hiệu đối với đặc sản phở khô là rất lớn. Và hướng đến các giá trị của “ẩm thực xanh” chính là một gợi ý phù hợp và thiết thực.

Rộng hơn nữa, đây cũng là điều cần chú trọng tại các sự kiện lớn như: Tuần lễ văn hóa ẩm thực, Ngày hội ẩm thực Gia Lai… nhằm “ghi điểm” với du khách trong và ngoài nước. Có ý kiến cho rằng, TP. Pleiku nên có cơ chế khuyến khích để tiếp thêm động lực cho các địa chỉ du lịch ẩm thực trên địa bàn thực hiện mục tiêu này. Làm được điều đó, Pleiku sẽ có tên trong sổ tay du lịch của du khách như một điểm đến thân thiện, an toàn, hiếu khách.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
“Bông hồng thép” giàu lòng nhân ái

E-magazine“Bông hồng thép” giàu lòng nhân ái

(GLO)- Không chỉ giỏi chuyên môn, Đại úy Đinh Thị Thu Hiền-Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Gia Lai) còn tạo dấu ấn bởi các hoạt động hướng về vùng khó khăn. Những việc làm của chị đã góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.

Những “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

E-magazineNhững “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

(GLO)-Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt công tác Đoàn, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên còn tiên phong trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. Họ trở thành tấm gương sáng về sự gương mẫu, tinh thần dám nghĩ, dám làm để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học tập.
Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.