Ngày 14-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về tình hình tổ chức triển khai thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 21-NQ/TW).
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và phân phân công Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp. |
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết gồm 23 thành viên do đồng chí Nguyễn Tấn Dũng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Vương Đình Huệ-Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 21-NQ/TW), Ban Kinh tế Trung ương đã khẩn trương phối hợp hiệu quả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy… tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết.
Bám sát nội dung chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương (ngày 19-3-2014), trong thời gian ngắn, Ban Chỉ đạo đã không tiến hành sơ kết tuần tự từ cơ sở mà tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành ủy, Bộ ngành và các đơn vị cơ sở; tiến hành khảo sát thực tiễn có trọng tâm, trọng điểm tại một số địa phương; tổ chức tọa đàm, hội thảo để lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia.
Ban Chỉ đạo đã tổ chức Đoàn công tác làm việc, nghe ý kiến tại 9 Bộ, ngành; 7 địa phương trọng điểm và 25 tập đoàn, tổng công ty, 9 ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Từ báo cáo của 14 Ban cán sự đảng các Bộ, ngành và báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy; báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến của Đoàn công tác; kế thừa nguồn tài liệu từ tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua gần 30 năm đổi mới; tham khảo các tài liệu, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tham vấn ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học;… Ban Chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện, ngoài phần mở đầu, phụ lục, Báo cáo sơ kết được cấu trúc gồm 3 phần chính.
Ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc họp cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, trong đó nổi lên là chất lượng thể chế kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, chưa trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xá hội chủ nghĩa, nhất là định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ; chưa có đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; môi trường kinh doanh, vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế; gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường còn gặp nhiều rào cản; chi phí gia nhập thị trường còn lớn; công tác quản lý, điều hành giá còn lúng túng, bất cập…
Nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực sự tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp; dứt khoát thực hiện giá cả theo thị trường, tính đúng, tính đủ đủ các yếu tố hình thành giá, đi liền với đó là thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong xã hội; từng bước thoát khỏi tư duy bao cấp trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế;…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng, d ự thảo Báo cáo sơ kết đã bám sát nội dung của Nghị quyết , đánh giá đúng thực trạng về những kết quả đạt được, các hạn chế, tồn tại và làm rõ những nguyên nhân cơ bản sau 5 năm thực hiện Nghị quyết. Báo cáo sơ kết cũng đã phân tích, luận giải sâu sắc nhiều vấn đề cơ bản và bức thiết về nhận thức lý luận cũng như quan điểm phát triển thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết.
Đây là cơ sở quan trọng tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách tiếp tục đổi mới t hể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tế khách quan . Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến phát biểu, đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo tại cuộc họp này để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, trình Bộ Chính trị.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề hết sức lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; nhấn mạnh Đại hội VI của Đảng là Đại hội đổi mới từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đây là vấn đề then chốt nhất của đổi mới của đất nước; từ đó tới nay, có thể nói thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có một bước tiến dài, ngày càng rõ hơn, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Những năm qua, việc phát triển kinh tế theo thị trường đã đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thể chế kinh tế thị trường mà Đảng và Nhà nước đặt ra cái được lớn nhất là đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội suốt thời gian qua; trên nền tảng kinh tế thị trường chúng ta đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm được an sinh xã hội…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, cho thấy Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nâng lên; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ban hành tương đối đầy đủ; các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành .
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đã là sơ kết, Báo cáo phải báo sát Nghị quyết để đánh giá những mặt được, những mặt chưa được, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra mục tiêu, giải pháp theo tinh thần cái nào còn phù hợp tiếp tục khẳng định; cái mặt nào cần bổ sung, phải bổ sung thêm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong sơ kết cần làm rõ thêm những vấn đề lớn là: những gì thuộc nguyên tắc thị trường, những gì làm chưa tốt phải chỉ đích danh, chỉ cụ, phải điểm mặt những gì chưa làm được theo nguyên tắc thị trường, những gì phải sửa, để thực sự là thị trường, thực sự là minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, nhất là vấn đề về giá, cái gì về giá chưa thực hiện theo thị trường phải tiến tới thực hiện giá thị trường; việc phân bổ nguồn lực cũng phải phân bổ theo nguyên tắc thị trường; đã là kinh tế thị trường phải vận hành đầu đủ theo quy luật thị trường
Bên cạnh đó, định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với định hướng kinh tế thị trường, đây là vấn đề về xã hội, là vấn đề con người; quan điểm của Đảng ta hết sức đúng đắn là tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, vì con người, lấy con người làm trung tâm; trong từng chính sách, từng dự án, từng bước phát triển phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Tổng kết thực tiễn phải thấy rõ, chỉ rõ, đánh giá khách quan những gì chưa làm được trong nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa và đề ra giải pháp hiệu quả để triển khai thực hiện trong thời gian tới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, trong tổng kết Nghị quyết cũng cần phải làm rõ thêm một bước về vấn đề nhà nước và thị trường; nhà nước làm tới đâu, làm những gì; cái nào là thị trường phải theo quy chế kinh tế thị trường. Đồng thời cũng phải làm rõ vấn đề về dân chủ trong kinh tế; vấn đề về hội nhập quốc tế và độc lập tự chủ.
Theo TTXVN