Homestay giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sớm mai thức giấc, tôi đứng trên nhà rông đưa mắt nhìn ra bốn bề là rừng núi bao quanh. Sương sớm mỏng manh, bảng lảng xen lẫn những sợi khói bay lên từ những nóc nhà sàn của Nhàng. Khí trời ẩm ướt, se lạnh bởi cơn mưa rừng dầm dề từ chiều hôm trước. Sau một đêm ngon giấc nơi đại ngàn, tôi lại được thưởng thức cảnh trí yên bình như thế ở một homestay giữa rừng Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai).
Thức dậy giữa núi rừng         
Chiều hôm trước, tôi cùng bạn đồng hành chạy xe trên con đường xuyên rừng núi trong màn mưa mù mịt mà lòng thấp thỏm lo lắng. Trời càng lúc càng tối mà chưa thấy một nóc nhà nào chứ đừng nói đến homestay-nơi chúng tôi được giới thiệu trước đó. Thế rồi, khi chỉ cách Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng chừng 1 km, chúng tôi khấp khởi khi thấy thấp thoáng 4 nóc nhà mái ngói ẩn hiện. Gõ cửa một ngôi nhà, chúng tôi gặp Nhàng-chủ nhân của homestay này. Cô con gái vừa tròn tuổi rưỡi được Nhàng địu vắt vẻo trên lưng. Ngập ngừng đón những vị khách không báo trước, Nhàng nói: “Các chị thích ở nhà nào cũng được. Trong nhà có mền, chiếu, ti vi đầy đủ nhưng nhà vệ sinh thì chưa hoàn thiện, phải đi hơi xa. Nhà rông cũng có thể ngủ được, lại có nhà tắm, nhà vệ sinh”. Chúng tôi chọn lưu trú ở nhà rông dù nó khá to so với nhu cầu sử dụng.
 Ngôi nhà rông được đầu tư bài bản có thể làm nơi lưu trú cho những đoàn khách đông người. Ảnh: P.L
Ngôi nhà rông được đầu tư bài bản có thể làm nơi lưu trú cho những đoàn khách đông người. Ảnh: P.L
Vì không hẹn trước nên Nhàng không chuẩn bị sẵn thực phẩm. Sau một hồi thống nhất, chúng tôi nhờ Nhàng làm thịt một con gà, mua vài gói mì tôm, vài quả trứng, một ít gạo, mượn thêm chiếc xoong và gia vị để tự nấu nướng. Một bếp lửa dã chiến xuất hiện dưới gầm nhà rông. Trời vẫn mưa rả rích. Nồi cháo sôi sùng sục trên bếp khiến dạ dày ai cũng réo inh ỏi. Xì xụp bên bếp lửa ấm sực trong khi bên ngoài mưa vẫn rơi, rừng núi dần chìm vào màn đêm, chúng tôi thấy lòng bình yên một cách lạ thường.
Nhàng cho biết mình từng là nhân viên của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, công việc chính là bảo vệ rừng, dẫn các đoàn khách đi tham quan. Nhưng mức lương chưa đến 3 triệu đồng không đủ để níu Nhàng gắn bó lâu hơn với công việc. Được chính quyền xã hướng dẫn, Nhàng bàn với mẹ và chồng mua lại mảnh vườn gần Khu Bảo tồn để đầu tư làm homestay. “Sau khi mua đất, em cùng với mẹ dồn tiền làm 4 ngôi nhà sàn nhỏ, mỗi nhà đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Dù chưa hoàn thiện nhưng tụi em cũng đã đón khách rồi. Đợt đông nhất có đến gần 80 người, chỗ ngủ không đủ phải mắc thêm võng ở gốc cây. Ngoài ăn uống được phục vụ theo yêu cầu thì mọi người còn xuống suối bắt cá, bắt ốc, thấy ai cũng vui”-Nhàng hồ hởi kể lại.
Còn nhiều khó khăn
Để xây dựng homestay, góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, chính quyền xã đã hỗ trợ gia đình Nhàng 60 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng thanh niên, dân làng, Công an cũng giúp san ủi mặt bằng, dựng nhà. Trên mảnh đất rộng, xã cho xây dựng 1 ngôi nhà rông trị giá 600 triệu đồng và giao cho mẹ con Nhàng trông coi. Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, những ngôi nhà vẫn còn thơm mùi gỗ mới, chăn mền cũng còn tinh tươm. Lối dẫn vào từng nhà lát gạch xinh xắn, trước hiên treo vài chậu cây trang trí. Nhìn sơ qua cũng biết chủ nhân của chúng đã biết cách chăm chút dù vẫn còn đôi chút bỡ ngỡ. Sao không bỡ ngỡ cho được khi Nhàng là người tiên phong thử nghiệm hình thức lưu trú này ở nơi cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số, lại nằm giữa bốn bề núi rừng. Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng-đánh giá: “Khi đề án phát triển du lịch của Khu Bảo tồn được tỉnh phê duyệt thì nơi này ắt có đông du khách ghé thăm. Đó là điều kiện giúp bà con sống tại vùng đệm của Khu Bảo tồn có thêm sinh kế từ kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ lưu trú homestay”.
Dù vậy, homestay giữa đại ngàn này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là kinh phí. Dù được hỗ trợ nhưng số tiền để đầu tư cho các ngôi nhà là không hề ít. Ngoài khoản thu nhập từ nông sản, Nhàng đều phải đi vay mượn. Trong khi chờ đợi homestay cho thu nhập ổn định, Nhàng vẫn ngày ngày đau đầu với các khoản chi phí. Ngoài ra, kỹ năng cũng như kinh nghiệm phục vụ lưu trú, dịch vụ ở nơi này vẫn chưa đủ tiêu chuẩn. “Vì thế, rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn tận tình của ngành Du lịch gắn với đẩy mạnh tuyên truyền để ngày càng nhiều người biết đến, thu hút du khách tìm về nơi này trải nghiệm”-Giám đốc Khu Bảo tồn đề xuất.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.