Hội thảo về phát triển bền vững du lịch vùng Tây Nguyên dự kiến diễn ra giữa tháng 11-2023 tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 17-10, tại TP. Pleiku, đoàn công tác của Học viện Chính trị khu vực III đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa-Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trao đổi về công tác tổ chức hội thảo. Ảnh: P.L
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa-Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trao đổi về công tác tổ chức hội thảo. Ảnh: P.L

Đoàn công tác do PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa-Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III làm trưởng đoàn.

Tiếp đón và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh, một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực III và tỉnh Gia Lai đã trao đổi các nội dung liên quan đến việc phối hợp tổ chức hội thảo. Hội thảo diễn ra hai phiên: trình bày tham luận, phát biểu trao đổi ý kiến, bình luận về các vấn đề liên quan đến nội dung hội thảo (phiên 1); toạ đàm, trao đổi bàn tròn theo sự điều hành của điều phối viên (phiên 2).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) trao đổi về công tác tổ chức hội thảo. Ảnh: P.L
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (bìa phải) trao đổi về công tác tổ chức hội thảo. Ảnh: P.L

Nội dung của hội thảo đề cập đến các vấn đề: tiềm năng du lịch sinh thái và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên; định hướng và giải pháp hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên; các hoạt động đẩy mạnh, xúc tiến, quảng bá du lịch; kiến nghị các định hướng, giải pháp phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hoá ở Tây Nguyên…

Hội thảo dự kiến tổ chức vào giữa tháng 11-2023, cùng thời điểm diễn ra tuần văn hóa-du lịch Gia Lai. Hội thảo sẽ được tổ chức tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) với sự tham gia của 200 đại biểu đến từ Học viện Chính trị khu vực III; lãnh đạo Tỉnh ủy-UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, tác giả có bài tham luận khoa học…

Quang cảnh buổi làm việc giữa Học viện Chính trị khu vực III với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L
Quang cảnh buổi làm việc giữa Học viện Chính trị khu vực III với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L

Trao đổi về công tác phối hợp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho biết: Đây là cơ hội tốt để lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Gia Lai lắng nghe nhiều chiều, nhận thức đầy đủ về văn hóa-du lịch, thiên nhiên, sinh thái. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tạo dựng hình ảnh của Gia Lai đối với các nhà nghiên cứu, nhà lý luận. Tỉnh Gia Lai sẽ cố gắng chuẩn bị đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của hội thảo. Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có kế hoạch chi tiết về công tác phối hợp, tuyên truyền, chuẩn bị tham luận; chu đáo trong công tác tiếp đón đoàn đại biểu, góp phần để hội thảo diễn ra thành công.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa-Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Gia Lai trong việc thống nhất về địa điểm, trao đổi về công tác phối hợp tổ chức hội thảo. Những ý kiến của lãnh đạo tỉnh Gia Lai về chủ đề, nội dung tham luận, công tác phối hợp được Đoàn công tác tiếp thu, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

(GLO)- Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.