"Học kỳ trong quân đội": Trui rèn để tiến bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hành quân dã ngoại với chặng đường 6 km, một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cùng các bạn, biết cách ném lựu đạn và vượt chướng ngại vật, biết giao tiếp và ứng phó với người lạ… là những điểm mới trong chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm 2018 do Tỉnh Đoàn cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tổ chức.

Đúng như chủ đề “Tôi là chiến sĩ”, những trải nghiệm thực tiễn trong môi trường quân đội đã góp phần giúp các em biết tự lập, nêu cao tính tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật và hoàn thiện nhân cách.

 

Các chiến sĩ “nhí” được huấn luyện môn ném lựu đạn. Ảnh: P.L
Các chiến sĩ “nhí” được huấn luyện môn ném lựu đạn. Ảnh: P.L

Rèn chất “thép”

10 ngày tham gia quân ngũ, thời tiết thất thường với những cơn mưa tầm tã và cũng có những ngày nóng bức đổ mồ hôi, thế nhưng 120 chiến sĩ “nhí” răm rắp nghe theo hiệu lệnh của chỉ huy để học tập, rèn luyện theo lịch trình học kỳ. Các chiến sĩ “nhí” chia thành 8 tiểu đội, được phát một cái chén, một đôi đũa và ăn cơm theo khẩu phần như bộ đội; khi ăn xong, các chiến sĩ phải tự rửa chén. Ngày đầu tiên xa nhà, một số em còn bỡ ngỡ, lóng ngóng chưa biết gấp quân tư trang và rất nhớ gia đình. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của các điều phối viên và sự động viên của cán bộ, chiến sĩ, các em đã dần làm quen với môi trường học tập mới.

Trên thao trường, các học viên được huấn luyện về đội hình đội ngũ, 16 động tác võ tay không, làm quen với các loại vũ khí quân dụng, tìm hiểu bếp Hoàng Cầm, cách mắc tăng võng, lều bạt, các tư thế vận động trên chiến trường… Ngoài các nội dung huấn luyện, các em còn được tiếp thu các chuyên đề “Truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh, truyền thống Trung đoàn Bộ binh 991”; tìm hiểu về chủ quyền biên giới quốc gia, về biển đảo Việt Nam và các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh; ghép tranh với chủ đề “Chúng em yêu Tổ quốc Việt Nam”…

Điểm mới trong chương trình năm nay là các chiến sĩ “nhí” được tham gia hành quân dã ngoại với chặng đường 6 km. Trong bộ quần áo tân binh, khoác ba lô trên vai, trông các em thật chững chạc. Là chiến sĩ nhỏ tuổi nhất, em Đặng Hưng Nguyên (12 tuổi, Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku) chia sẻ: “Lúc đầu, em khá lo lắng vì kỷ luật “thép” trong quân ngũ nhưng khi đã quen rồi thì rất thích. Đây cũng là lần đầu tiên em đi bộ chặng đường xa như thế. Tuy hơi mệt nhưng được sự giúp đỡ của các anh chị, mọi thử thách em đều vượt qua hết”. Chững chạc và trưởng thành hơn sau 10 ngày trải nghiệm, em Lê Quang Huy (Trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Đức Cơ) hào hứng chia sẻ: “Tham gia “Học kỳ trong quân đội”, em hiểu hơn về cuộc sống, tính kỷ luật và đoàn kết để vượt qua khó khăn của các chú, các anh bộ đội. Em hy vọng sẽ tiếp tục được tham gia chương trình này vào năm sau”.

Là người đồng hành với các chiến sĩ “nhí” trong 10 ngày, Trung sĩ Nguyễn Vũ Quang-phụ trách Tiểu đội 3 chia sẻ: “Khi có kế hoạch tổ chức chương trình “Học kỳ trong quân đội”, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng để bố trí chỗ ăn, ngủ chu đáo cho học viên. Thực đơn cũng được thay đổi thường xuyên để giúp các em ngon miệng hơn. Sự gắn bó với các em trong những ngày qua khiến chúng tôi cảm thấy thật thân tình, ấm áp”.

 

Học thêm nhiều kỹ năng sống

Chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm nay đã có sự kết hợp hài hòa giữa các chuyên đề huấn luyện quân sự với giáo dục kỹ năng sống cho các chiến sĩ “nhí”. Nhiều kỹ năng sống bổ ích như: làm việc nhóm, giải quyết xung đột, làm chủ cảm xúc, giao tiếp ứng phó với người lạ… đã giúp các em thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các hoạt động: nhảy dân vũ, lễ hội té nước, lễ hội muôn loài, giao lưu thể dục thể thao…

Hoạt động để lại ấn tượng sâu đậm cho các chiến sĩ “nhí” là bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho các học viên có sinh nhật trong đợt diễn ra “Học kỳ trong quân đội”. Có bánh kem, bài hát chúc mừng sinh nhật và những lời chúc tập thể, 7 học viên đã có một sinh nhật thật ấm áp bên bạn bè. Những bài giảng với chủ đề “Thay lời muốn nói” hay “Giã từ sự gian dối” gồm nhiều câu chuyện nhẹ nhàng và sâu sắc về tình cảm gia đình, tình bạn cũng đã lấy đi nhiều nước mắt của các chiến sĩ “nhí”, giúp các em biết yêu thương, quan tâm và lắng nghe. Em Huỳnh Thị Xuân Mai (Trường THCS Nguyễn Huệ, thị xã Ayun Pa) bày tỏ: “Được các anh chị điều phối viên tổ chức sinh nhật, em cảm thấy rất hạnh phúc. Tham gia chương trình, em đã quen được nhiều người bạn mới, em cũng thấy mình tự tin hơn, biết quan tâm đến những người xung quanh hơn”.

“Học kỳ trong quân đội” còn là dịp để các em gửi gắm niềm yêu thương cho người thân, điều mà các em chưa có dịp bày tỏ. Những lá thư do chính các em viết gửi về cho gia đình thật chân thành, xúc động: “Bố mẹ ơi, con đã biết gấp nội vụ vuông vức như các chú bộ đội rồi đấy”; “Con ăn được 4 chén cơm luôn mẹ ạ”; “Con quen được nhiều bạn mới lắm ạ”; “Con xin lỗi mẹ vì đã nói dối để được chơi game”… Từ  những chia sẻ chân thành của các chiến sĩ “nhí”, nhiều phụ huynh đã cảm thấy yên tâm vì sự thay đổi tích cực của các con. Chị Nguyễn Thị Tuyết Sơn-phụ huynh chiến sĩ Mai Ngọc Quang (Trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Tôi thấy con đen hơn nhưng lại chững chạc hơn. Qua bức thư gửi về, cháu đã biết cách tự lập và biết thương bố mẹ hơn. Cảm ơn chương trình đã tạo một môi trường rèn luyện ý nghĩa cho các con”.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang-Giám đốc Trung tâm Hoạt động Thanh niên tỉnh, Phó Trưởng ban tổ chức chương trình “Học kỳ trong quân đội” cho biết: “Đây là năm thứ 8 liên tiếp chương trình được tổ chức. Nhằm truyền đạt nhiều bài giảng thiết thực và hấp dẫn, chúng tôi đã kết nối với các giảng viên từ TP. Hồ Chí Minh để mời về giảng dạy kỹ năng sống; đồng thời, mời cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giảng các chuyên đề về quân sự. Trong 10 ngày các em tham gia quân ngũ, chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật các hoạt động huấn luyện và sinh hoạt của các em trên trang web của Tỉnh Đoàn để phụ huynh theo dõi. Phản hồi tích cực của các bậc phụ huynh là những đánh giá thực chất thành công của chương trình năm nay. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước khởi đầu góp phần thay đổi nhận thức, khơi gợi những điều tốt đẹp trong mỗi chiến sĩ “nhí”. Quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình để các em tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.